Dự thảo Nghị định thanh toán bằng tiền mặt: Chặn được rửa tiền, trốn thuế?
Sẽ chặn được rửa tiền, trốn thuế?
Giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội phân tích, dự thảo Nghị định về thanh toán tiền mặt có nhiều điểm có lợi như sẽ “nắn” dòng tiền lưu thông vào hệ thống ngân hàng, từ đó, có thể kiểm soát tốt hơn hoạt động rửa tiền trong nền kinh tế. Việc hạn chế tiền mặt lưu thông trên thị trường được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới từ lâu.
Nhưng bên cạnh những mặt được của dự thảo Nghị định, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, vẫn có nhiều bất cập và cần phải bổ sung. Chẳng hạn, với hợp đồng mua bán hàng hóa quy định thanh toán bằng USD, nhưng có ngân hàng lại yêu cầu chuyển khoản bằng VND.
Do đó, giả sử bên A muốn chuyển khoản cho bên B thì phải đổi USD sang tiền VND để nộp cho ngân hàng nên sẽ bị thiệt do chênh lệch tỷ giá. Khi bên B chuyển trả bằng tiền VND thì bên A lại thiệt thêm lần nữa.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc hạn chế sử dùng tiền mặt, chuyển sang thanh toán qua ngân hàng là xu hướng chung của nhiều quốc gia.
Nhưng cũng cần đặt câu hỏi quy định cấm không dùng tiền mặt khi mua bán nhà ở, xe cộ liệu có khả thi? Lâu nay, việc sử dụng tiền mặt là tập quán lâu đời, khó thay đổi ngay.
Đơn cử, chúng ta đã thực hiện trả lương qua tài khoản, thanh toán mua hàng hóa bằng thẻ, nhưng họ vẫn rút tiền ra chi tiêu, nên tiền mặt vẫn rất phổ biến. Ở các nước văn minh, người dân ít sử dụng tiền mặt vì nhà nước ra quy định hạn chế thanh toán bằng tiền mặt và có biện pháp, chế tài quản lý chặt chẽ.
“Quy định cấm dùng tiền mặt thanh toán các giao dịch mua bán là khó khả thi với người dân ở các vùng sâu xa. Nhất là khi, dịch vụ của các ngân hàng chưa thực sự hiệu quả và chưa mang lại nhiều tiện ích cho người dân”- Ông Long nói.
Việc chuyển sang thanh toán qua ngân hàng là xu hướng chung của nhiều quốc gia.
Lãnh đạo một công ty kinh doanh kho bãi, vận tải tại Hải Phòng cũng cho rằng một số điểm của quy định này sẽ khiến việc mua bán bị kéo dài hơn trong khi nếu trả bằng tiền mặt là được nhận hàng ngay.
“Thực tế, có nhiều khoản chi mà doanh nghiệp, cá nhân không muốn công khai như gửi giá, phí bôi trơn… Nếu quy định tổ chức, cá nhân không được dùng tiền mặt để thanh toán thì họ vẫn tìm cách lách được, chẳng hạn, hợp thức hóa bằng các giao dịch mua bán ảo. Hơn nữa, cá nhân đi mua hàng hóa, xe, nhà ở mà không được thanh toán bằng tiền mặt là vô lý. Vì họ sẽ phải mất thêm tiền phí cho ngân hàng và thời gian để làm thủ tục thanh toán. Trong khi, trả bằng tiền mặt, vàng sẽ nhanh hơn”- Vị này nói.
Nhiều băn khoăn
Nhiều người dân, đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc đưa đối tượng xe hai bánh vào trong dự thảo Nghị định cần cân nhắc tính khả thi và tính hợp lý đối với việc áp dụng cho đối tượng là cá nhân.
Ngoài ra, hiện phần lớn dân cư nước ta là nông dân, không có tài khoản ngân hàng, cùng với đó điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán còn hạn chế, đặc biệt là những nơi vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có mạng lưới ngân hàng nên quy định này sẽ không khác gì việc “đánh đố”.
Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực cũng bày tỏ sự băn khoăn trước đề xuất mua bán bất động sản phải giao dịch qua ngân hàng. Điều này sẽ khiến người mua nhà bỗng dưng mất thêm khoản tiến phí giao dịch do Ngân hàng quy định còn doanh nghiệp phải đợi 2 – 3 ngày mới nhận được tiền.
“Như thế này bỗng dưng ngân hàng thu được một khoản phí trong khi doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi nợ ngân hàng quá lãi một ngày thì bị phạt nhưng khi ngân hàng vì lý do trục trặc mà chậm trả cho doanh nghiệp tiền giao dịch đến 1 tuần thì không bị ai phạt cả. Rõ ràng, ở đây mọi điều lợi đều thuộc về ngân hàng”, ông Đực nói.
Giám đốc Công ty Đất Xanh miền Bắc, ông Nguyễn Văn Quyết cũng chia sẻ, nếu đề xuất phí giao dịch là 0,05% thì với giá trị các căn nhà hiện nay đa phần trên 1 tỷ đồng là quá cao, không khác gì một loại thuế mới. Ông đề nghị phải có sự quản lý đối với mức thu phí của các ngân hàng khi thực hiện quy định giao dịch không dùng tiền mặt trong mua bán.
Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phân tích: “Nhiều giao dịch có giá trị thấp dưới 1 tỷ nhưng khách hàng trả góp nhiều lần. Mỗi lần trả chỉ rơi vào khoảng 30 – 50 triệu đồng thì giao dịch qua ngân hàng liệu có tiện? Nếu như mỗi lần đó ngân hàng lại tính phí thì giá trị căn nhà bị đội lên nhiều lần. Mọi chính sách về nhà ở đang hướng tới người có thu nhập thấp để họ có nhà ở và giảm bớt mọi chi phí. Việc giao dịch qua NH và thu phí vô hình dung làm đội giá thành nhà lên”.
Theo báo cáo đánh giá của một số ngân hàng lớn (Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam…) giải ngân bằng tiền mặt chiếm tới 70,2% tổng giá trị giao dịch; với khách hàng là doanh nghiệp chỉ khoảng 9,2%; nếu tính chung cho cả doanh nghiệp và cá nhân thì tỷ lệ này chiếm khoảng 16,2% tổng giá trị giải ngân.
Đối với một số ngân hàng như: Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long... do đối tượng vay thường là các hộ nông dân ở nông thôn nên tỷ trọng giải ngân bằng tiền mặt chiếm từ trên 50% đến 85% trên tổng doanh số giải ngân làm cho khối lượng rút tiền mặt nói chung tăng mạnh.
Đoàn Huế (Theo TPO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Thị trường cho thuê văn phòng cạnh tranh gay gắt
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá xăng giảm trước kỳ nghỉ Tết