Dự thảo thuế nhập khẩu: Doanh nghiệp bàng hoàng
Doanh nghiệp bàng hoàng
“Chúng tôi bàng hoàng và lo lắng!”, “Chúng tôi lo ngại vì những người soạn thảo xa rời hoạt động của doanh nghiệp và chỉ nghĩ cho mình”….
Đó là bày tỏ của đại diện nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản tại Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo quy định ân hạn nộp thuế nhập khẩu khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức chiều qua (15/10), tại TP.Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Vasep cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính đã dự thảo sửa đổi Luật Quản lý Thuế, trong đó có đề nghị sửa đổi quy định về thời hạn nộp thuế.
Theo đó, hàng hóa là vật tư nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa, hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng.
Thời hạn bảo lãnh tối đa là 275 ngày với điều kiện trong thời hạn bảo lãnh không bị phạt chậm nộp thuế.
“Dự thảo này đã và đang tạo ra sự bất an và bất bình trong cộng đồng doanh nghiệp vì đi ngược lại chủ trương khuyến khích sản xuất xuất khẩu và sẽ tạo ra một cú sốc lớn đối với doanh nghiệp nhiều ngành trong tình trạng thiếu vốn, thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu như hiện nay” - ông Nam nói.
Theo đại diện của Vasep, lý do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đưa những quy định vào dự thảo sửa đổi Luật Quản lý Thuế vì cơ quan này cho rằng, có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách ân hạn thuế để chây ỳ nợ thuế, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể.
Việc sửa đổi này, theo Tổng cục Hải quan, cũng nhằm tránh những bất lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu… Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Vasep cho rằng, chưa có bằng chứng, số liệu cụ thể nào về những doanh nghiệp thuộc đối tượng nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu vi phạm, trốn thuế.
Riêng ngành thủy sản, theo ông Dũng, chỉ có tối đa khoảng 5% số doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế, vì vậy không thể vì một số rất ít những doanh nghiệp này mà gây khó cho số đông những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Không thể đánh đồng việc quản lý các doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế với doanh nghiệp làm ăn chân chính”- ông Dũng nói.
Khó khăn chồng khó khăn
Đại diện của Vasep cũng cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến và số liệu của doanh nghiệp thủy sản, có thể thấy rõ tác động chồng chất khó khăn khi áp dụng quy định cần có bảo lãnh của ngân hàng.
Chế biến cá tra xuất khẩu.
Thứ nhất, hạn mức tín dụng giảm 20- 40% do ngân hàng trừ vào hạn mức được vay của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc co hẹp sản xuất và doanh thu, kim ngạch xuất khẩu giảm tương ứng.
Thứ hai, không đảm bảo nguồn cung cho khách hàng thế giới, từ đó mất nhiều hợp đồng lớn hoặc hợp đồng mới, hoặc mất nhiều
khách hàng.
Với phí bảo lãnh từ 2-3% trong tổng tiền thuế mà ngân hàng bảo lãnh cho doanh nghiệp, cộng thêm lãi suất cho vay, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm sẽ đội lên 5-10%.
Nếu tính mỗi năm các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu 600 triệu USD với mức thuế bình quân 20%, thì mức phí bảo lãnh phải trả tương đương 70 tỷ đồng/năm.
“Nếu áp dụng điều này thì doanh nghiệp tôi chết trước” - ông Xuân Nam thốt lên, đồng thời đưa ra 11 điều bất trắc mà doanh nghiệp sẽ gặp phải nếu quy định mới kể trên trở thành hiện thực.
Trong đó, bất trắc trước nhất là doanh nghiệp sẽ không còn vốn để hoạt động. Ông Nam tính toán: Một tờ khai nhập khẩu từ lúc mở đến lúc xong việc hoàn thuế trung bình là 7- 8 tháng, nếu không trục trặc gì cả thì mất 5,5 tháng. Với mức thuế nhập khẩu là 20% thì sau 5,5 tháng, doanh nghiệp hết 88% vốn hạn mức tín dụng mà ngân hàng cho vay.
Tiếp đến, nếu chỉ tính phí bảo lãnh tín dụng là 2% thì chỉ riêng như 9 tháng đầu năm năm 2012, doanh nghiệp ông phải mất 2 tỷ đồng. Không những thế, sẽ đẻ ra hàng loạt thủ tục hành chính rườm rà gây phiền nhiễu cho cả cơ quan quản lý lẫn ngân hàng và doanh nghiệp.
Theo ông Xuân Nam, doanh nghiệp cũng sẽ bị trói buộc bởi hạn mức tín dụng hạn hẹp nên không tránh khỏi gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu để dự trữ trong những mùa mưa bão, thường là 6 tháng, và vì vậy doanh nghiệp không còn chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Việc bảo lãnh của tổ chức tín dụng cũng góp phần làm chậm vòng quay vốn lưu động và doanh nghiệp sử dụng vốn không có hiệu quả, tăng rủi ro cho doanh nghiệp.
Đại diện của Vasep cũng như các doanh nghiệp đều cho rằng, với chính sách này, người hưởng lợi chỉ là các ngân hàng, còn thiệt hại thuộc về các doanh nghiệp.
Đoàn Huế (Theo Tiền Phong)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển