Khám phá

Dừng đề án 322 chẳng khác gì đánh đố

Các ứng viên của Đề án 322 đã theo học tiếng Pháp, giờ lại phải đăng ký du học ở các nước Nga, Mỹ, Ma Rốc, Cu Ba...

Sau gần hai năm hy vọng, vất vả chuẩn bị kiến thức và vốn ngoại ngữ chờ ngày đi du học theo Đề án 322, nhiều ứng cử viên trúng tuyển đã không khỏi choáng váng khi mới đây (11/5)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đột ngột tạm dừng đề án này. Theo đó các ứng viên sẽ phải đăng ký theo học ở một trường khác so với nguyện vọng ban đầu. Điều này khiến phụ huynh cũng như các ứng viên nghĩ họ đang bị lừa dối và vô cùng hoang mang khi vốn ngoại ngữ học bấy lâu có nguy cơ trở thành vô nghĩa.

 

Được biết, Đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” (gọi tắt là Đề án 322) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2000.

 

Sau đó năm 2005 lại có quyết định điều chỉnh đề án đến năm 2014. Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành tổng kết đánh giá và đưa ra các đề xuất điều chỉnh, gia hạn để thực hiện công tác đào tạo cán bộ ở nước ngoài được liên tục trong giai đoạn tiếp theo (2011-2020).

 

Lý giải việc tạm dừng đề án này, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục Trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Trong khi chưa có đề án mới để tiếp nối hoặc thay thế Đề án 322, chúng tôi sẽ tạm dừng giải quyết các thủ tục mới. Hiện, nguồn ngân sách chi cho các suất học bổng đã hết nên những trường hợp đã trúng tuyển năm 2010, 2011 nhưng chưa được đi, sẽ tạm dừng lại và chuyển sang học bổng liên kết khác”.

 

Trước những xôn xao và bức xúc dư luận về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Vang đã có buổi gặp mặt với phụ huynh và các ứng viên vào trưa ngày 21/5.

 

Trong cuộc trao đổi, ông Vang cho rằng: “Chúng tôi sẽ giải quyết và xử lý sớm vấn đề này, đảm bảo quyền lợi tối đa của những ứng viên đã trúng tuyển. Chúng tôi đang chờ ý kiến của Thủ tướng. Trong tuần này hoặc tuần sau, các em sẽ nhận được câu trả lời. Trường hợp xấu nhất, các ứng viên có thể phải trở lại trường đại học trong nước, nơi mà các em đã bảo lưu”.

 

Ghi nhận tại buổi họp, nhiều phụ huynh và ứng viên cho rằng Cục trưởng chưa trả lời thỏa đáng thắc mắc của họ. Những lý do đưa ra rất mập mờ và không có một lịch trình giải quyết rõ ràng.

 

Sao đủ quân số mà  vẫn không biết?

 

Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: "Tôi không hiểu tại sao Đề án 322 đã đủ người mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn thông báo đến các trường. Số lượng đáng lẽ phải chốt và kiểm soát được từ lâu mới đúng. Người quản lý phải lắm rõ hơn ai hết. Tôi thấy lạ và không thể hiểu đề án quản lý theo cách nào mà khi quân số đủ cũng không biết. Các ứng viên phải mất công sức, tiền bạc và thời gian theo học ngoại ngữ để thi lấy chứng chỉ theo quy định của Bộ. Nhưng giờ đây, họ lại phải đối mặt với nguy cơ không được đi học. Ngay cả những người ngoài cuộc như tôi còn thấy bực mình huống chi là các ứng viên”.

 

Như ngồi trên đống lửa

 

Mẹ ứng viên Đoàn Thị Vĩnh Hạnh (Quảng Trị) cho biết: “Khi cháu nhận được học bổng của Đề án 322, gia đình tôi vô cùng vui mừng. Trường nhận cháu đã hẹn ngày khai giảng nhưng đùng một cái Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo tạm dừng, khiến gia đình tôi như ngồi trên đống lửa, ăn không ngon ngủ không yên. Gần hai năm qua, lo con không lấy được chứng chỉ, mỗi tháng chúng tôi chu cấp cho cháu gần 5 triệu đồng để ra Hà Nội học thêm ngoại ngữ. Theo quyết định mới, nếu phải đăng ký học ở một quốc gia khác, tôi không hiểu con mình sẽ sinh hoạt, học tập như thế nào khi mà mọi thứ hoàn toàn mới lạ. Chẳng lẽ, cháu lại phải đợi thêm 1-2 năm nữa. Lúc ấy, mọi chuyện sẽ lỡ dở hết. Chúng tôi mong Bộ sớm có hướng giải quyết phù hợp, đúng với nguyện vọng ban đầu để các cháu không phải chịu thiệt thòi và an tâm học tập”.

 

Theo NĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo