Khám phá

Đừng yêu Tổ quốc bằng khẩu hiệu suông

Yêu Hoàng Sa, Trường Sa thì trước hết phải biết, hiểu kỹ về lịch sử, địa lý... của những nơi này. Đừng yêu Tổ quốc bằng cách hô khẩu hiệu suông.
Bài học về tình yêu Tổ quốc.
 
 

Vào những ngày tháng 7 cả nước sôi sục trong kỳ thi đại học, trong rất nhiều những đề thi hóc búa thì đề thi địa lý với câu hỏi về chủ quyền biển đảo gây thú vị đối với nhiều thí sinh. Thí sinh làm bài cũng là lúc các em cập nhật các thông tin về biển đảo Trường Sa ruột thịt.
 
 
 
 Mỗi thí sinh không đơn thuần chỉ là trả nợ bài, hoàn thành công việc thi cử mà còn là trách nhiệm trước Trường Sa, một phần sinh mệnh của Tổ quốc, đầy rẫy những gian lao, vất vả. 
 
 
Tôi đã từng được nghe câu chuyện một người lính đảo kể lại. Lính đảo mỗi khi nhìn thấy cò trắng lại ngóng trông về đất liền. Những cánh cò báo hiệu đất liền đang có bão. Và cứ thế, từng đàn cò sải cánh bay ngược chiều bão, chấp chới nương theo tàu đánh cá ra đậu ở đảo chìm. Sau cơn giông gió, lần lượt từng con cò rũ cánh xuống mà chết giữa biển khơi. Những người lính biển đã không thể cầm lòng trước những giây phút ấy.
 
 
 
Câu chuyện ấy mãi là một bài học quý cho chúng ta hiểu được, không chỉ riêng đất liền thương mến đảo xa, mà chính những con người nhỏ bé, cô đơn và thiếu thốn trăm bề đang ngày đêm bám trụ trên đảo lại luôn ngóng trông, chia sẻ buồn vui cùng đất mẹ.
 
 

Yêu Hoàng Sa, Trường Sa thì trước hết phải biết, hiểu kỹ về lịch sử, địa lý... của những nơi này. Đừng yêu Tổ quốc bằng khẩu hiệu suông. Thông qua những câu hỏi như của đề thi Địa lý, phần nào những người làm giáo dục biết được thái độ, sự quan tâm của giới trẻ đối với vấn đề biển đảo, lòng tự tôn dân tộc và trách nhiệm với Tổ quốc.
 
 
 
Đây là một hướng đi đúng đắn của giáo dục nước nhà, giúp học sinh mang những kiến thức sách vở ra với biển đời.


Đề thi mang tính chất thời sự.
 

Để thế hệ trẻ hiểu được chủ quyền biển đảo, không có cách nào tốt hơn là đưa vào chương trình học, thi. Thật vậy, thời gian gần đây, vấn đề chủ quyền biển đảo luôn được cập nhật trong các kỳ thi quan trọng. 
 


Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông diễn ra không lâu có đề thi của hệ chính quy và bổ túc đều đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo. Đề thi ở hệ chính quy PTTH, trong phần 2 của câu 2, đề thi yêu cầu thí sinh trình bày ý nghĩa của việc đánh bắt hải sản xa bờ đối với kinh tế và an ninh quốc phòng. 
 
 
Trong đề thi ở hệ Giáo dục thường xuyên câu 3 phần 1 cũng yêu cầu thí sinh phải dựa vào Atlat đại lý Việt Nam để kể tên các trung tâm du lịch và hai quần đảo xa bờ của vùng duyên hải Nam Trung Bộ (huyện đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng và huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa).
 
 
Đề thi đại học năm 2011 cũng có câu:“Chứng minh rằng Duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều thuận lợi về tự nhiên để phát triển kinh tế. Hãy kể tên hai quần đảo xa bờ thuộc vùng này và ba đảo đông dân có diện tích vào loại lớn nhất nước ta”.
 
 
Đề thi Đại học môn Địa lý năm 2012, vấn đề về chủ quyền biển đảo còn được đề cập một cách rõ ràng hơn: “Chứng minh vùng biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản, và nguồn lợi sinh vật biển. Các huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn, Cồn cỏ thuộc thành phố trực thuộc trung ương nào?”.
 
 
Câu hỏi về biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn, Cồn Cỏ trong đề thi năm nay không gây bất ngờ cho thí sinh. Nhiều em đã "dự đoán" trước sẽ có một câu rơi vào vấn đề này nên ôn khá kỹ và không mất nhiều thời gian làm bài.
 


Đây có thể coi là một đề thi hay. Nước ta có nguồn lợi thủy, hải sản lớn chưa khai thác hết. Đánh bắt xa bờ cũng là một hoạt động có thể hỗ trợ nắm bắt tình hình phục vụ công tác an ninh biển đảo. Phần lớn các ý kiến cho rằng, đề thi có những câu hỏi mang tính thời sự, khơi gợi nên trách nhiệm của những người trẻ đối với biển, đảo nước nhà.

 

 

Theo GDVN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo