Thị trường

FDI cân nhắc vào Campuchia, Lào: Báo động cho Việt Nam

Việt Nam là nước đang phát triển nhưng việc thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tồn tại nhiều hạn chế so với các nước chậm phát triển.

Ông Trần Hữu Huỳnh - nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phân tích kỹ hơn về thực tế này và chỉ ra những hạn chế nhất định trong quá trình thu hút, quản lý các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thời gian qua.

Việt Nam cần lo vì...

Phân tích kỹ hơn về đánh giá của các doanh nghiệp nước ngoài được đưa ra tại lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh CPI do VCCI tổ chức với thông tin, cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng Campuchia, Lào, riêng tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam bị đánh giá hơn 2 nước này.

Ngoài ra, có đến 54% doanh nghiệp FDI trước khi chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác trong khi năm 2011, 2012 con số này chỉ là 32%, đặc biệt đã xuất hiện những nước chưa từng được coi là “đối thủ” cạnh tranh về vốn FDI như Campuchia, Lào, ông Trần Hữu Huỳnh nói:

"Campuchia và Lào là 2 nước chậm phát triển còn Việt Nam là nước đang phát triển. Trong chậm phát triển bao gồm mức sống và vấn đề về hạ tầng cơ sở nhưng bây giờ hạ tầng cơ sở của họ gần ngang với mình trong khi đặc điểm địa hình của Lào phần lớn là núi và khoảng cách địa lý dàn trải nhưng vẫn ngang bằng Việt Nam. Cơ sở hạ tầng bao gồm điện, đường, nước và những hạ tầng khác như sân bay, bến cảng đòi hỏi đầu tư lớn. Khi các nhà đầu tư lựa chọn thì cơ sở hạ tầng là điểm đầu tiên họ cân nhắc”.

Ngoài ra, ông Trần Hữu Huỳnh cũng chỉ rõ phản ánh của doanh nghiệp nước ngoài về dịch vụ hành chính công, Việt Nam bị đánh giá thua xa các nước, thậm chí bằng một nửa mặc dù cuộc cải cách hành chính của Việt Nam đã có sự nỗ lực nhưng những nỗ lực mới trên văn bản, thực tế sự cảm nhận, hài lòng của doanh nghiệp chưa nhiều.

“Chúng ta cũng có quá nhiều quy định, quy định càng nhiều, độ tự do kinh doanh và vấn đề thực thi quy định càng kém. Mong muốn của chúng ta là có nhiều quy định để tuân thủ pháp luật nhưng thực chất họ không hài lòng vì để thực thi quy định đó sẽ mất nhiều thời gian thực hiện, mất nhiều chi phí, nhân lực để thực hiện và quan trọng là càng nhiều quy định càng tạo điều kiện cho tham nhũng khi giám sát không tốt. Đây là mối quan hệ hữu cơ giữa tham nhũng và số lượng quy định và dịch vụ thực hiện quy định", ông Huỳnh nói.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Việt Nam đáng ra phải bứt phá lên để làm công nghệ cao, ít gia công đơn giản nhưng thực tế không phải như vậy, Việt Nam vẫn phải thu hút doanh nghiệp nước ngoài gia công đơn giản do áp lực giải quyết việc làm cao.

“Những nhà đầu tư nước ngoài nhìn ra mức độ ngang bằng thậm chí ở một số lĩnh vực Lào, Campuchia, Myanmar hơn Việt Nam nên chưa hẳn sẽ chuyển những lĩnh vực gia công đơn giản sang đó mà sẽ có những ngành nghề ở mức độ trung bình họ có thể chuyển sang. Đây là điểm cần suy nghĩ mặc dù đây là nhóm sản xuất, gia công ở một số lĩnh vực", ông Huỳnh nói.

Trả lời câu hỏi liệu Campuchia và Lào có thể "vượt mặt" Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài hay không, nếu có thời gian có thể là bao lâu, ông Trần Hữu Huỳnh cho biết, việc này còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác như chất lượng nhân lực, mức độ quy mô của nền kinh tế Việt Nam, quy mô sản xuất trong một số lĩnh vực...

"Cảnh báo đây cho thấy môi trường không tốt, anh đã từng cải thiện nhưng vẫn không tốt nhất là trong cạnh tranh nhưng không có nghĩa là ngay ngày mai các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chuyển đi hết mà còn các yếu tố khác nhưng vẫn là sự báo động", ông Huỳnh nói.

Việt Nam cần làm gì?

Ông Trần Hữu Huỳnh khẳng định, thu hút đầu tư nước ngoài luôn luôn phải là ưu tiên và làm mọi cách để thu hút đầu tư nước ngoài.

Thêm nữa, nếu Việt Nam phát triển mạnh doanh nghiệp dân doanh trong nước cũng là cơ hội, điều kiện để chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài tốt. Lý do, khi Việt Nam mạnh có nghĩa sẽ giải quyết được lao động đơn giản, lao động gia công.

Ông Huỳnh cũng đặt câu hỏi: "Tại sao quy định của chúng ta nhiều? Chúng ta quan niệm rằng nhà nước cần phải làm nhiều, trong khi các nước khác đang giảm thiểu vai trò của nhà nước, nhà nước chỉ phục vụ chứ nhà nước không phải sản xuất, nhà nước can thiệp quá sâu", ông Huỳnh nói.

Ngoài ra, ông Huỳnh cũng chỉ ra những bất cập trong việc thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua nằm ở việc quản lý và thu hút.

Cụ thể, khi các doanh nghiệp đã vào Việt Nam, hiện tượng chuyển giá, vấn đề lao động, bảo vệ môi trường là những vấn đề cần nỗ lực để cải thiện.

Thứ 2, phải tạo ra được sự liên kết không gượng ép giữa nền kinh tế trong nước với nước ngoài mặc dù đã nói nhiều nhưng vẫn không làm được.

Những cuộc "kết hôn" giữa doanh nghiệp dân doanh với doanh nghiệp nước ngoài gần như không còn, việc tiếp nhận, mở cửa đón doanh nghiệp nước ngoài chưa làm được các việc như nhận công nghệ, quản trị….

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp nội địa cũng không có, phần lớn vẫn nhập nguyên liệu từ chính họ, không thể gia tăng giá trị của doanh nghiệp Việt trong hội nhập.

"Với vấn đề chuyển giao công nghệ, chúng ta chưa chủ động trong khi nước ngoài họ thấy có lợi họ sẽ làm, không có lợi họ sẽ không tiếp tục", ông Huỳnh nói.

Cũng theo ông Trần Hữu Huỳnh, ở góc độ nhất định doanh nghiệp nước ngoài vẫn được ưu ái hơn các doanh nghiệp dân doanh trong nước.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo