Giảm tải bệnh viện: Trên quyết liệt, dưới nửa vời
Có lẽ vì thế mà các biện pháp để giải quyết hết bệnh nhân đến luôn được các bệnh viện sáng kiến, áp dụng triệt để hơn là giảm số lượng bệnh nhân nhập viện ngay từ đầu vào. Và đương nhiên, khi giảm tải không được thực hiện từ gốc thì sẽ khó mà hiệu quả
Phương châm số 1: Không từ chối bất cứ bệnh nhân nào
Tuy khi đăng đàn tại các cuộc hội thảo, các Giám đốc bệnh viện đều không nói ra, nhưng bên lề những cuộc hội thảo, nhiều bác sĩ, thậm chí cả lãnh đạo các bệnh viện đều gật đầu “đúng là các bệnh viện đều thích quá tải, để tăng thu nhập cho anh em”.
Khi các bệnh viện kêu quá tải, phần tiếp theo của các bài trình bày mà các Giám đốc bệnh viện đưa ra đều hướng đến mục đích giải quyết hết bệnh nhân, chứ không để họ đi bệnh viện khác. Ví dụ như: bệnh viện tăng giờ khám, thay vì bắt đầu từ 7h30 thì bác sĩ bắt đầu từ lúc 6h, khám thông tầm đến 7h tối; giản lược bộ phận hành chính và các khu không cần thiết để kê thêm giường bệnh; khám bệnh có BHYT vào ngày thứ 7; mở khoa khám - chữa bệnh theo yêu cầu.
Khi kiến nghị lên Bộ Y tế, các bệnh viện cũng đều đưa ra phương án nếu không mở rộng thì cũng là “chồng tầng” cơ sở vật chất để có thể tiếp nhận thêm người bệnh. Các kế hoạch này đều được bệnh viện báo cáo bằng những con số rõ ràng về số vốn đầu tư, diện tích, số giường, thời hạn. Nghĩa đây đều là những kế hoạch gần và khả thi như: Cơ sở 3 của Bệnh viện Ung bướu Trung ương tại Tân Triều với 1.000 giường trong năm 2012 sẽ có 300 - 500 giường đi vào hoạt động; Bệnh viện Phụ sản Trung ương có thêm 500 giường; khu kỹ thuật cao của BV Việt - Đức với 20 phòng mổ, trung tâm hồi sức tích cực, chẩn đoán hình ảnh, ghép tạng vào năm 2015; Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế 300 giường vào cuối năm 2013...
Còn những việc có thể giảm số lượng bệnh nhân ngay từ đầu vào thì chỉ được nói rất qua loa và mơ hồ: Đó là việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đẩy mạnh công tác phòng bệnh từ địa phương. Trên thực tế, đó mới thực sự là biện pháp chống quá tải từ gốc nhưng lại chỉ được nói cho có. Trong hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị về chống quá tải bệnh viện gần đây, không có bài tham luận hoàn chỉnh, hay ý kiến tâm huyết nào về chống quá tải từ gốc được nêu ra trên diễn đàn.
Về vấn đề này, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh Bộ Y tế, hiện bệnh viện tuyến trên thường “vơ luôn” cả bệnh nhẹ vào chữa trị cũng là nguyên nhân dẫn đến quá tải. Bệnh viện tuyến trên hiện làm quá nhiều việc mà bệnh viện tuyến dưới có thể làm được, gây nên tình trạng quá tải, nằm giường ghép. Hiện nay, bộ đã giao cho các đơn vị xây dựng chế tài phạt nếu bệnh viện tuyến trên khi tiếp nhận bệnh mà không sàng lọc và tổ chức điều trị cho bệnh nhân mà những bệnh này có thể thực hiện ở tuyến dưới.
Cơ chế tạo ra... thích quá tải
Tại Hội nghị nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh tại Hà Nội ngày 15/3 vừa qua, chuyện bệnh viện thích quá tải mới chỉ được Bộ Y tế đề cập gần xa. Bộ Y tế nhận định: “Nhiều bệnh viện phải duy trì công suất giường bệnh ở mức cao nhất để có thể đảm bảo nguồn thu. Một số bệnh viện có dấu hiệu không quan tâm đến tình trạng quá tải, đặc biệt là ở khu khám bệnh. Chưa có cơ chế giám sát và chế tài đối với các bệnh viện duy trì quá tải hoặc không có giải pháp giảm tải”. Khi các bệnh viện mặc kệ quá tải hay không đưa ra giảm tải, lý do xác đáng nhất chỉ có thể là họ muốn tiếp tục được quá tải. Vì thế, quá tải dù đã là thực tế gần 10 năm nay ở các bệnh viện tuyến Trung ương, nhưng chỉ 1 - 2 năm gần đây mới được mổ xẻ và tháo gỡ quyết liệt.
ThS Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhận định: “Khó nói là nỗ lực chống quá tải của Bộ Y tế sẽ hiệu quả ngay. Thời gian qua, Bộ Y tế đã có rất nhiều nỗ lực để chống quá tải bệnh viện như tăng cường năng lực cho tuyến dưới, khuyến cáo bệnh viện tuyến trên không nhận những bệnh nhân nhẹ, tăng số bác sĩ được đào tạo hằng năm....
Thế nhưng những nỗ lực này có giúp giảm tải cho bệnh viện hiệu quả hay không, còn là điều rất khó nói, bởi vì đúng là nhiều bệnh viện muốn quá tải. Khi thực hiện Nghị định 43 về tự chủ tài chính thì điều đương nhiên, bệnh viện phải tìm mọi cách để nâng cao số tiền thu được, nhờ đó tăng thu nhập của cán bộ công nhân viên trong bệnh viện. Đó là một điều bình thường, nếu đòi hỏi bệnh viện phải tự chủ tài chính nhưng lại không tạo thuận lợi cho họ được nâng nguồn thu thì quá là trói tay họ mà bắt họ bơi. Trước kia, ngành y tế đã điều phối được, nếu bệnh nhân nhẹ mà lên tuyến trên thì bác sĩ tuyến trên sẽ kê cho đơn rồi cho họ về điều trị tại địa phương. Nay sao lại không thể làm như thế được?”.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho rằng, nhiều bệnh viện khi thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 43 đều chịu áp lực rất lớn trong việc cân đối thu chi. Bên cạnh khám - chữa bệnh, các bệnh viện này phải thực hiện nhiệm vụ xã hội là thực hiện đào tạo cho các bệnh viện tuyến dưới. Trong khi giá dịch vụ y tế hiện quá lỗi thời nếu không triển khai dịch vụ thì bệnh viện rất khó tự chủ.
Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê: “Để giảm tải bệnh viện, bên cạnh việc xây dựng mới các bệnh viện cửa ngõ ở thành phố lớn thì ngành y tế phải tính đến biện pháp lâu dài và triển khai đồng bộ là: Mở rộng cơ sở hạ tầng, đầu tư mua sắm trang thiết bị, triển khai đề án 1816 tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, cải tiến thủ tục hành chính...
Hiện nay, mỗi năm có khoảng 2.000 sinh viên y khoa, nhưng từ năm 2013, chỉ tiêu đào tạo sẽ tăng gấp đôi. Tôi được biết, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo cho quy ước “Trách nhiệm xã hội của bác sĩ”, trong đó nêu ra vấn đề sau khi ra trường, bác sĩ sẽ đi xuống tuyến dưới, các vùng sâu, vùng xa làm việc một thời gian. Theo tôi, nếu điều này được thực hiện cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực tuyến dưới, và từ đó làm giảm bệnh nhân vượt tuyến như hiện nay”.
Đồng bằng sông Cửu Long: Chỉ mới quá tải cục bộ
Ở Cần Thơ (nói riêng), khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (nói chung), tình trạng quá tải diễn ra ở hầu hết các bệnh viện công tuyến tỉnh, bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn TP.Cần Thơ, nhưng chưa trầm trọng. Thật ra, để tình trạng quá tải ít “nóng”, bố trí được 1 bệnh nhân/giường bệnh trong hầu hết thời gian/năm, các bệnh viện ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phải triển khai nhiều giải pháp chống quá tải. Phổ biến nhất là hầu hết các bệnh viện đều bố trí thêm giường so với số giường kế hoạch; quán triệt tới các khoa tinh thần điều trị tích cực để rút ngắn thời gian điều trị nội trú; bệnh nhân điều trị nội trú tình trạng bệnh tương đối ổn thì chuyển sang điều trị nội trú hoặc chuyển trở lại bệnh viện tuyến trước tiếp tục điều trị theo hướng chỉ định điều trị từ Bệnh viện đa khoa Trung ương; ứng dụng một số kỹ thuật cao (mổ hở mất bình quân 7 - 10 ngày điều trị nội trú, mổ nội soi chỉ còn bình quân 3 - 5 ngày); chuyển giao phương pháp điều trị và đào tạo nhân lực cho các bệnh viện tuyến trước…
Theo DT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc