Gian nan với trẻ tự kỷ
Xếp hàng chờ
Để khám bệnh tự kỷ cho con ở TP. Hồ Chí Minh, từ hơn một năm nay phụ huynh phải liên hệ trước qua điện thoại với khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2. Một tuần sau khi đăng ký, họ mới được xếp lịch khám bệnh.
Bác sĩ Thái Thanh Thủy - Trưởng Khoa Tâm lý, BV Nhi đồng 2 cho biết, hiện tình trạng quá tải bệnh nhi điều trị nội trú và ngoại trú diễn ra hơn một năm qua, khiến đội ngũ bác sĩ của khoa phải lên lịch hẹn với phụ huynh đưa trẻ đến thăm khám.
Theo thống kê của khoa Tâm lý, hiện mỗi ngày nơi đây khám cho gần 10 trẻ, đó là chưa kể điều trị cho hàng chục trẻ mắc bệnh. Bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp - Trưởng Phòng khám trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh cho biết, mỗi tháng nơi đây cũng tiếp nhận khoảng 150 trẻ đến khám, chủ yếu là trẻ dưới bảy tuổi nhưng vẫn chưa nói được, có biểu hiện của chứng tự kỷ.
Tình trạng quá tải cũng diễn ra tương tự ở BV Nhi đồng 1 khi phụ huynh muốn đưa con đến khám đều phải chờ. Bắt đầu từ năm 2003, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh mới có Khoa Tâm lý, và trong năm này, nơi đây chỉ tiếp nhận hai bệnh nhi mắc tự kỷ đến điều trị.
Tuy nhiên, bác sĩ Phạm Ngọc Thanh - Trưởng đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, số lượng trẻ mắc tự kỷ đã tăng lên chóng mặt. Năm 2007, theo thống kê có 170 trẻ điều trị, đến năm 2009, số trẻ tự kỷ đã là 400. “Trong năm 2011, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị cho năm trẻ. Và từ đầu năm đến nay, đã có gần 500 trẻ mắc tự kỷ đến khám và điều trị” - bác sĩ Phạm Ngọc Thanh cho biết.
Báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho số lượng trẻ tự kỷ tăng nhanh. Trong năm 2007 nơi đây có 405 trẻ đến khám, đến nay đã có trên 2.000 trẻ.
Thiếu đủ thứ
Biết con trai năm tuổi mắc tự kỷ, chị Lý Thị Thu H. 32 tuổi, ở quận Bình Thạnh chạy khắp cả quận tìm trường công lập gửi con vào học nhưng không được chấp nhận. Lên mạng tìm trường, chị H. cho biết, chỉ có một vài cơ sở tư nhân. Tuy nhiên, khi hỏi đến học phí, các cơ sở này cho biết ít nhất mỗi tháng chi phí 5-6 triệu đồng.
Cũng như chị H. chị Hoa ở quận 7 có con hai tuổi mắc tự kỷ cho biết, ở quận 7 này không có trường nào dạy trẻ tự kỷ, vì vậy chị phải đưa con sang học ở một trường chuyên biệt tư nhân ở phường 28, quận Bình Thạnh. Dạy trẻ tự kỷ chủ yếu là giáo viên chuyển ngang, hiếm hoi lắm mới có một vài giáo viên được đào tạo bài bản, học các lớp giáo dục đặc biệt ra.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo, trong năm học 2008- 2009, ngành giáo dục cả nước đã huy động được 390.000 trẻ tự kỷ đi học hòa nhập và 7.500 trẻ học trong 106 cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh cho biết, tự kỷ là một dạng khuyết tật phức tạp rối loạn về não bộ trong quá trình phát triển, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động, kỹ năng và tâm lý của trẻ, thường xuất hiện trong ba năm đầu đời của trẻ. |
Đề án để trẻ tự kỷ đến trường giai đoạn 2010-2015 của Bộ này đưa ra khẳng định: Đến năm 2015 phải có 90% số trẻ tự kỷ đến trường. Tuy nhiên, thực tế đến nay, số trẻ tự kỷ đến trường vẫn còn nhiều rào cản, con số trẻ đến trường khoảng 60-70%.
Theo ông Đào Xuân Trường- Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh, thì cả nước mới có bảy cơ sở đào tạo giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt ở các trường cao đẳng và đại học. Trong khi đó, số sinh viên theo học ngành này ra trường lại quá ít và không phải ai cũng theo nghề.
Tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh, sau bảy năm chỉ có 300 sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy, trong khi những năm gần đây số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào ngành giáo dục đặc biệt giảm xuống.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, khoa Giáo dục đặc biệt Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, ngoài việc đào tạo cho hơn 1.000 sinh viên bậc cao đẳng bồi dưỡng cho 1.000 giáo viên khác nhưng số giáo viên này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên cho 35.000 trường mầm non toàn quốc.
Tự bơi
Để đứa con hơn bốn tuổi của mình phát triển được như hôm nay, anh Văn Đình Thanh, 37 tuổi ở quận 8, phải tạm gác công việc ở công ty hai năm để tập trung vào học tập và dạy con bị tự kỷ.
Anh Thanh cho biết, do không có tiền để đưa con đến trường vợ chồng bàn nghỉ làm một người để tập trung lo cho con cái. Hết đi học ở các lớp tập huấn tại BV Nhi đồng 1 anh Thanh lại sang BV Nhi đồng 2 rồi lên mạng tìm kiếm cách dạy trẻ tự kỷ và sách báo.
Cũng như anh Thanh, tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm - người sáng lập ra trường dạy học sinh chuyên biệt Khai Trí ở quận Bình Thạnh, cho biết ông đã thành lập trường này từ khi hai đứa con của mình bị mắc tự kỷ.
“Cũng vì không có trường để gửi hai đứa con mắc bệnh vào học, tôi với một số người bạn đã tự học, mày mò rồi mở trường dạy cho con” - bác sĩ Mẫm cho biết.
Rất nhiều phụ huynh có con em mắc bệnh, ngoài tự đi học, họ còn vào các câu lạc bộ của những người có con tự kỷ để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Nhiều người trong số đó đã mở trường để ngoài việc dạy con của mình, tiếp nhận những trẻ tự kỷ khác.
Bác sĩ Hà Thị Kim Yến - Khoa Vật lý trị liệu thuộc BV Nhi đồng 1 cho biết, trước tình trạng trẻ mắc bệnh gia tăng, nơi đây đã tổ chức những chương trình huấn luyện kỹ năng chăm sóc, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ với học phí hơn 500 nghìn đồng/người mỗi tháng, và chủ yếu là phụ huynh có con mắc bệnh hoặc nghi ngờ bị tự kỷ đến học.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm tự kỷ cần được phát hiện sớm để trẻ được điều trị và giáo dục trước năm tuổi là thời gian não phát triển tối đa nên trẻ có thể tiến bộ đáng kể về giao tiếp, kỹ năng xã hội và giảm bớt những hành vi rập khuôn.
Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ tự kỷ ở nước ta vẫn còn rất nhiều khó khăn. Cả nước chưa có cơ sở chính thức để chăm sóc và điều trị trẻ tự kỷ. Các trường chuyên biệt dạy trẻ tự kỷ hiện nay đều do tư nhân xây dựng với học phí cao nên các gia đình nghèo khó tiếp cận, cho dù muốn gửi con đến trường.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ tộc người bí ẩn nằm sâu trong rừng, không mặc quần áo, biệt lập hoàn toàn với văn minh loài người
Một ngôi mộ cổ được tìm thấy trong hồ chứa nước, ngay cả những chiếc đinh trong quan tài cũng bằng vàng, chủ nhân của ngôi mộ là ai?
Người đàn ông vỡ òa khi đào được 'tảng đá' giá trị gần 10.000 tỷ, Tần Thủy Hoàng từng săn lùng ráo riết
Loài cá duy nhất trên thế giới không ai bắt được khi còn sống: Dài đến 9m, được yêu thích ở Việt Nam
Y học Ai Cập cổ đại đã biết điều trị ung thư từ 4000 năm trước? Dấu vết điều trị 'ung thư' gây sốc được tìm thấy
Hai người nông dân đi bắt ốc từng vô tình đào được cây gỗ quý hàng đầu Việt Nam: Dài 15m, có tuổi đời khoảng 100 năm