Khám phá

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Nền giáo dục Việt thiếu tinh thần fairplay

(GDVN) - Một nền giáo dục nghiêm túc theo quan điểm của giáo sư Ngô Bảo Châu là phải có tinh thần “fairplay” (chơi đẹp), điều đó được thể hiện qua việc các kỳ thi phải được nghiêm túc.

 
Sự học như một trò chơi trí tuệ


Tại buổi nói chuyện với hàng nghìn sinh viên Hà Nội chiều 13/3, vẫn câu chuyện "Học như thế nào", GS Ngô Bảo Châu dẫn chứng một “quy luật” của Nho giáo là học theo thánh hiền, thánh hiền dạy con người cần có chí, chí thời đó là có thể bắt đom đóm bỏ vào lọ làm đèn học thâu đêm. Nhưng xét về việc tiếp thu kiến thức khoa học ngày nay tưởng chừng như vô hạn, thì việc chỉ có chí thôi là không đủ. Khoa học không đúng một cách phổ quát mà được triển khai, tính toán trên cơ sở của lập luận.

“Trong một trò chơi trí tuệ rất ít người chơi một mình, để trò chơi được cuốn hút, người chơi thực sự triển khai tiềm năng tư duy của mình để đi đến kết quả bất  ngờ thì luật chơi phải có bạn chơi, phải có trọng tài”, GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh.

Và để lấy dẫn chứng cho điều mình nói, ông đưa ra một luận điểm và cũng là một gợi ý nhỏ nhưng nghiêm túc. Hiện nay nhờ có Internet con người có thể tìm được nhiều tài liệu miễn phí trên mạng, nhiều trường đại học cũng tổ chức công bố các nguồn này trên mạng và sinh viên có thể học ở khắp mọi nơi miễn là có kết nối internet. Thay vì bỏ ra một số tiền lớn 50.000 USD để sang tận nơi các trường đại học danh tiếng học/năm thì sinh viên chỉ cần ngồi mạng có thể lấy được tất cả các tư liệu, kể cả bài giảng video. Nhưng thử nghĩ xem nếu chúng ta chỉ ở Hà Nội hoặc Tp.HCM để truy cập thôi thì có học được nhiều bằng trực tiếp có mặt tại các trường đó không?

Trừ khi chúng ta có một vị trí xác đáng và cho dù có được cung cấp mọi tài liệu trên đời, liệu bạn có học được không? “Tôi nghĩ là không, và lúc đó không phải là một trò chơi thú vị, trò chơi không có địch thủ, không có đồng đội, không có lịch trình, không có giải thưởng và không có mục tiêu. Chính vì thế vẫn cần có thầy, có bạn để duy trì mức độ học tập của mình. Tại sao các bạn không thể tổ chức cùng học với nhau theo giáo trình được cung cấp trên mạng?”, giáo sư Ngô Bảo Châu gợi ý.

Một nền giáo dục phải biết chơi đẹp


Một nền giáo dục nghiêm túc theo quan điểm của giáo sư Ngô Bảo Châu là phải có tinh thần “fairplay” (chơi đẹp), điều đó được thể hiện qua việc các kỳ thi phải được nghiêm túc. Điều này nói thì dễ nhưng làm khó hơn nhiều, khó không có nghĩa là không làm được.

Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận định rằng, học tập phải trong một môi trường có tổ chức, thiếu một tập thể có tổ chức con người không thể duy trì khả năng của mình trong thời gian dài, thiếu tranh biện con người sẽ nhanh chóng lạc vào chủ quan và sự bế tắc, vì bản tính con người là hiếu thắng, sự hiếu thắng cũng cần thiết trong tranh luận nhưng đôi khi lại làm hỏng cuộc tranh luận. Vì vậy trong cuộc chơi tập thể cần phải có luật chơi lành mạnh để cho sự cạnh tranh tạo nên lỗ lực để vượt trên chính mình, chứ không phải cái cớ để thỏa mãn tính hiếu thắng. Cuộc chơi phải có trọng tài.

Qua lời bình luận này, giáo sư Ngô Bảo Châu muốn chỉ ra một vấn đề lớn trong cuộc chơi trí tuệ đó là sự tha hóa của hệ thống. Đã qua rồi sự việc nhưng không thể không nhắc lại để “thấu tình đạt lý” hơn. Sự việc tại Đồi Ngô, giáo sư cho rằng đây là một sự việc vô cùng đặc biệt, thí sinh quay giám thị vi phạm quy chế thi và cũng là một điều chưa từng có trong tiền lệ loài người.

“Đây là câu chuyện buồn, là tiếng chuông cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của hệ thống. Hãy khoan quy trách nhiệm cho một cơ quan, một cá nhân mà cần bình tâm suy nghĩ, để sự việc xảy ra rất nhiều người từ trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài ngành giáo dục đều không tôn trọng luật chơi. Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp - cái đáng ra là một thủ tục mang tính thiêng liêng trong cả mốc lao động và học tập của học sinh lại trở thành một trò đùa, một trò đùa mà người ta muốn khóc”, giáo sư Châu ngậm ngùi nói.

Qua sự việc tiêu biểu này, giáo sư liên hệ tới nước Mỹ - một đất nước luôn tự hào về các trường đại học của mình, ngay như trường đại học Chicago (đã tròn 100 tuổi) có lẽ phải trả lời câu hỏi, cái gì làm nên bí quyết thành công của học?

Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết, cũng có người nói do nước Mỹ giàu, trường đại học có nhiều giáo sư giỏi, có cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, nhưng nói thế là nhầm lẫn kết quả với nguyên nhân vì thời điểm đầu trường đại học nào cũng không giàu, không có nhiều giáo sư xuất sắc so với các trường đại học của châu Âu đương thời. Nhưng có một nguyên nhân mà theo giáo sư Ngô Bảo Châu, đó là tinh thần “fairplay”, tức là mọi hành vi ăn gian đều bị trừng trị nghiêm khắc.

“Tôi cho rằng sự trung thực là một trong những điểm quan trọng nhất để trả lời câu hỏi, sự trung thực là một hành vi khó học được trong sách vở, để cho trẻ học được thì trước hết người lớn phải trung thực, làm gương. Tính kỷ luật và trung thực vẫn chưa đủ, cái mà tôi muốn nhắc đến là niềm say mê. Câu hỏi niềm say mê sinh ra từ đâu không quan trọng bằng làm thế nào để giữ niềm say mê, làm thế nào không bị tha hóa niềm say mê”.

Và để niềm say mê đó được lâu bền, theo giáo sư Ngô Bảo Châu con người cần có tính hướng thượng, hướng thiện, bởi những giá trị nhân văn, chân, thiện, mỹ, tình yêu sự thật và niềm hạnh phúc của sự khám phá có thể vượt qua biên giới của những điều đã biết và chưa biết. Bên cạnh niềm đam mê đừng bỏ quên sự quả cảm, sự quả cảm là cái cần không để sự lười biếng, hèn nhát, dụ dỗ quay lưng với sự thật. Sự quả cảm cũng rất cần khi đi tìm cái mới. Bạn có tập thể, có đồng đội để học tập.

“Kinh nghiệm của bản thân tôi khi vượt qua biên giới của những gì đã biết để thực sự theo đuổi cái chưa biết thì rất cần quả cảm, đi tìm những cái mới thường là những hành trình vô cùng cô đơn và kéo dài trong nhiều năm” - giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ tận đáy lòng của mình với giới trẻ ngày nay.

 

Minh Anh

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo