Khám phá

Giật mình vì tung hô Bà Trưng bằng tên Bà Triệu

Sách Đại Quang Việt Sử là một mớ hổ lốn, hư cấu, xuyên tạc và đảo lộn lịch sử.

Lạc Long Quân là thái tử Thiên cung?

Sách của tác giả Lê Nam do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành, gồm hai tập, non 600 trang viết về lịch sử Việt Nam từ nguồn cội cho đến những năm đầu thế kỷ XXI. Xét về dung lượng, đây là một tác phẩm dày dặn. Đáng tiếc, về nội dung, tác giả sách đã không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của một công trình nghiên cứu hay biên khảo lịch sử.



Hai tập sách có hàng trăm lỗi về sự kiện, nhân vật lịch sử, chính tả, ngữ pháp. Điều đáng phê phán nhất là tác giả viết sách lịch sử không phải với tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, dựa trên cơ sở, dữ liệu lịch sử mà tự hư cấu các tình tiết rất phi thực tế, sai lệch trầm trọng so với sự thật lịch sử.



Ngay đầu tập 1, từ trang 21 đến 24, tác giả đã hư cấu ra câu chuyện về Lạc Long Quân và Âu Cơ ở trên thượng giới được Ngọc Hoàng phái xuống làm chủ lãnh thổ nước Việt và sinh con đẻ cháu.

 

Cố tình "làm mới" truyền thuyết về cội nguồn của dân tộc, tác giả đã thêm thắt nhiều chi tiết cực kỳ lố bịch: "Đúng như kế hoạch và quyết tâm thực hiện cho bằng được nhiệm vụ của Ngọc Hoàng giao, vợ chồng vị đệ nhất đại thần của thiên hoàng đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc vượt cả chỉ tiêu của trời giao"; "Ngọc Hoàng đã gọi ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ cùng về trời để nhận chức thái tử Thiên cung…"; "…trong thời gian được thăng quan tiến chức, được lên làm thiên tử thiên cung, cả hai vợ chồng vị thiên tử không khỏi bùi ngùi…" (trang 24).

An Dương Vương bị đổi vị trí tự vẫn

Sai lệch sơ đẳng lại được tác giả tiếp tục khi nói về An Dương Vương và nước Âu Lạc: "Rồi lên ngôi vua, xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc - Việt Trì)". Tác giả bất chấp thực tế lịch sử An Dương Vương đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), điều mà một học sinh tiểu học cũng được học, được biết.

 

Sai lầm nối tiếp sai lầm, tác giả lại viết: "Năm Canh Dần (210) trước công nguyên, Triệu Đà lại cậy mình là một nước lớn nên đã đem quân sang xâm lược nước ta…" (trang 37); "An Dương Vương… vừa đánh vừa rút, càng rút giặc càng đuổi, đuổi mãi, đuổi mãi cho tới sát bờ đông bắc sông Thương" (trang 38), "Vua xuôi theo dòng sông Thương xanh biếc, để khỏi rơi vào tay giặc (Đúng ngày 29, tháng chạp lịch âm, năm Nhâm Thìn (208) trước công nguyên)" (trang 40).

 

Sự thật An Dương Vương tự vẫn vì cùng đường tại bờ biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh) năm 179 trước công nguyên, sau khi thất bại vì mắc mưu giặc. Ở đây tác giả lại cho vua tự vẫn tại sông Thương ở tỉnh Bắc Giang và trước khi lên ngôi một năm (!).

 

Tung hô Bà Trưng bằng tên Bà Triệu

Chuỗi sai lầm kiến thức tiếp tục ở trang 50: "…đến tháng chạp năm Tân Sửu (41) sau công nguyên, Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) đã quyết định cùng nhân dân vùng lên…"; "năm Nhâm Tuất (242), người con gái…hùng dũng đứng lên nối nghiệp chủ soái…ai ai cũng hô lớn: Triệu Nữ Vương vạn tuế…". Sự thật lịch sử đã ghi là Hai Bà Trưng khởi nghĩa năm 40 sau công nguyên, Bà Triệu khởi nghĩa năm 248 sau công nguyên.



Viết sách lịch sử bằng một trình độ lịch sử non kém, hiểu biết lệch lạc cho nên hầu hết các nhận định trong sách đều chênh quá xa so với thực tế. Trang 271, tác giả viết: "Hồ Quý Ly được đi học, thi đậu rồi được bổ làm quan". Sự thật Hồ Quý Ly tuy có học vấn uyên bác nhưng không phải đi thi đỗ ra làm quan, mà do có mối quan hệ thân tình nên được bổ dụng, vì ông có hai bà cô ruột là vợ vua Trần.



Trang 281, tác giả sách lại nhầm: "Thấy cha bị giết, con của Đặng Tất là Đặng Dung và con của Ngô Cảnh Chân là Ngô Cảnh Di…". Thật ra cha con Cảnh Chân, Cảnh Dị họ Nguyễn chứ không phải họ Ngô. Người con tên là Nguyễn Cảnh Dị chứ không phải Nguyễn Cảnh Di như tác giả Lê Nam đã ghi.



Tên người đã không thuộc thì sự kiện cũng khó lòng nắm vững. Trang 284, tác giả viết: "Càng lợi thế, giặc càng đuổi dữ, vua tôi Đặng Dung đành phải bỏ Tây Đô (Thanh Hóa) qua Nghệ An vào Hà Tĩnh quyết chiến một trận ở Bến Thủy. Đặng Dung đã vượt lên đuổi, chiếm được thuyền của Trương Phụ, nhưng vì không biết mặt Trương Phụ, nên Trương Phụ đã nhảy tọt xuống sông trốn thoát". Kỳ thực  trận chiến này diễn ra tại bến Bô Cô (Ý Yên, Nam Định) năm 1409. Chẳng hiểu dựa vào đâu, tác giả đã tự ý đưa trận chiến này di dời vào Bến Thủy (Nghệ An)?



Hạ thấp nghĩa lớn của Lê Lợi

Ở tập 2, trong phần viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ trang 7 đến trang 59, tác giả đã hư cấu nhiều chi tiết hoang đường, hạ thấp giá trị nhân vật lịch sử. Dành hẳn 3 trang (trang 7 -10), tác giả bịa ra câu chuyện Lê Lợi nằm mộng thấy Phật Quan âm Bồ Tát đến báo rằng mộ cụ tổ 4 đời của ông đã phát đế vương nên đời ông sẽ được làm vua, sau đó Phật bà báo tin sẽ cho Lê Lợi quả ấn vàng để có phương tiện cai trị thiên hạ.

 

Mấy hôm sau người vợ cả của Lê Lợi đi hái rau muống ngoài ruộng, nhặt được quả ấn vàng đem về cho ông; thời gian sau Lê Lợi ra Đông Đô được rùa vàng dưới hồ hiện lên cho mượn gươm thần và dùng chân viết bốn chữ "cho mượn thôi chàng…". Đoạn này chúng tôi nhắc lại, không trích dẫn vì quá dài. Điều đáng nói là tác giả viết như thế, sẽ dẫn đến sự ngộ nhận của hậu thế là Lê Lợi thành công do ngôi mộ tổ phát đế vương, chứ không phải do tài năng và tinh thần đấu tranh anh dũng chống xâm lược; Lê Lợi khởi nghĩa chống nhà Minh không phải vì lý tưởng giải phóng dân tộc, mà do muốn làm vua.



Trang 58 tác giả viết: "Theo gia phả, gia truyền, Hoàng Triều Ngọc Phả và các cuốn Đại Việt Thông Sứ, Đại Việt Sứ Ký của Lê Quý Đôn cũng như những mẩu chuyện lưu truyền trong nhân dân ta xưa nay ở mọi miền đất nước. Thì cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân Minh Bắc Quốc do Lê Lợi lãnh đạo, vô cùng gian khổ.

 

Nhưng cuối cùng đã chiến thắng vẻ vang, giải phóng được đất nước". Sách "Đại Việt Sử Ký" là của Lê Văn Hưu (1230 - 1322) thời Trần, chứ không phải của Lê Quý Đôn (1726 - 1784) thời Lê Trung hưng. Còn cuốn "Hoàng Triều Ngọc Phả" thì từ trước đến nay chưa có sử sách nào đề cập đến, có lẽ tác giả đang giữ bản quyền chăng?



Viết về phong trào nông dân Tây Sơn, tác giả lại tiếp tục những nhầm lẫn rất sơ đẳng, ngô nghê: "ngày 1 tết, năm Kỷ Dậu (1789), trước khi mở cuộc hành quân thần tốc ra Bắc đánh quân Thanh, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã lên ngôi hoàng đế…" (trang 132).

 

Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế vào tháng 12 - 1788 tại Phú Xuân (nay là Thừa Thiên - Huế), còn ngày mùng 1 tết - 1789 vua đã tiến quân ra Bắc Hà rồi. Sự ngô nghê đến mức độ trầm trọng, khi tác giả cho rằng Nguyễn Huệ là người đã thực hiện nhiệm vụ chinh phục các tiểu vương quốc Chămpa ở khu vực Nam Trung Bộ của nước ta: "lịch sử còn giao phó cho…

 

Nguyễn Huệ một nhiệm vụ rất trọng đại nữa… chinh phục các vương triều từ Lâm Ấp Quốc, Cham Pa Quốc, Hoàn Vương Quốc đến Vương Quốc Chiêm Thành …" (trang 153); "Bước sang thế kỷ thứ XVIII ở phía Nam của tổ quốc Việt Nam vẫn hãy còn có sự cát cứ và tồn tại của vương triều được gọi là Chiêm Thành Quốc", "…các vị quốc vương của Chiêm Thành cũ đã ký kết và hứa hẹn với vị anh hùng Nguyễn Huệ Quang Trung…" …v.v… (trang 154).



Trước phong trào Tây Sơn, vương quốc Chămpa đã không còn là nhà nước độc lập nữa, mà chỉ là vùng đất tự trị dưới sự "bảo hộ" của chúa Nguyễn. Đến năm 1697, trước phong trào Tây Sơn hơn 70 năm, nhà nước Chiêm Thành đã hoàn toàn biến mất. Việc Quang Trung "ký kết" với các quốc vương Chămpa tuyệt nhiên không thể xảy ra. Từ xưa đến nay chưa có tài liệu lịch sử nào đề cập, hay là tác giả thay mặt nhà vua để "ký kết"?

Nhầm ba tổ chức cộng sản thành ba Đảng cộng sản



Ở phần lịch sử hiện đại, tác giả tiếp tục lặp lại chuỗi những nhận định lệch lạc, nhầm lẫn về sự kiện lịch sử:

- "ở Đông Dương lúc đó có tới 3 Đảng Cộng sản…"; "một hội nghị để thống nhất ba tổ chức đó lại, đúng vào ngày 3/2/1930…sau khi thống nhất đã lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, với chủ trương cách mạng dân tộc dân chủ tư sản do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không thông qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa" (trang 214).

 

Thực ra, không phải 3 Đảng Cộng sản mà 3 tổ chức cộng sản được thành lập ở 3 kỳ vào năm 1929, điều này tất cả học sinh phổ thông đều đã học, đã biết. Còn việc tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, được đề cập trong Luận cương chính trị vào tháng 10/1930 do Tổng Bí thư Trần Phú thông qua ở Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam.



- "Quốc dân đại hội do Tổng bộ Việt Minh triệu tập được họp tại Đình Cả, Tân Trào (Tuyên Quang) vào ngày 16 và 17/8/1945 thông qua đề án tổng khởi nghĩa…" (trang 217). Sự thật, Đại hội này thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh về xây dựng đất nước. Còn Ủy ban khởi nghĩa được thành lập và phát lệnh Tổng khởi nghĩa từ ngày 13/8/1945.
 


-  " …sự ra đời của mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đúng vào ngày 20/12/1960. Đồng thời, cũng là ngày ra đời của chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam…" (trang 239). Sự thật lịch sử: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập ngày 6/6/1969; còn tác giả thì cho chính phủ này thành lập vào ngày 20/12/1960 theo sở thích chủ quan của mình.



- "Cuộc tấp kích chiến lược bằng không quân của Hoa Kỳ sau lễ ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam" (trang 252). Không quân Mỹ tập kích Hà Nội và một số đô thị miền Bắc từ ngày 18/12/1972 đến 30/12/1972; còn Hiệp định Paris chính thức ký kết vào 27/1/1973. Như vậy, cuộc tập kích 12 ngày đêm của Mỹ xuống Bắc Việt bằng không quân diễn ra trước thời gian ký Hiệp định Paris; ở đây tác giả tự ý đảo ngược lịch sử.



- "Khóa 3…Tổng Bí thư Đỗ Mười…Từ năm 1986 đến năm 1990" (trang 287). Tổng Bí thư từ 1986 đến 1991 là đồng chí Nguyễn Văn Linh chứ không phải đồng chí Đỗ Mười.



Sách "Đại Quang Việt Sử" là một mớ hổ lốn, hư cấu, xuyên tạc và đảo lộn lịch sử. Độc giả khó phân biệt đâu là thật, giả. Một cuốn sách như vậy, khi đến tay học sinh, sinh viên sẽ là một món ăn độc hại, làm cho thế hệ trẻ hiểu biết, nhìn nhận một cách sai lệch về lịch sử dân tộc.

Theo CAND
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo