Giúp đồng bào biên giới xóa đói nghèo, lạc hậu
Mưa dầm thấm lâu
Đại tá Lê Công Thảo, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn cho biết: Ngày đầu về đứng chân trên địa bàn, từ đơn vị huấn luyện chuyển sang làm nhiệm vụ KT-QP, Đoàn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, muốn làm tốt công tác vận động quần chúng, bộ đội phải hiểu đặc trưng văn hóa, nếp sinh hoạt, học tiếng các dân tộc, trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị của Đoàn đã bám dân, bám bản, tích cực tuyên truyền, vận động, triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh. Do vậy, đã từng bước góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, nếp sống sinh hoạt lạc hậu của đồng bào nơi biên giới.
Tại Lâm trường 156, cán bộ, chiến sĩ đơn vị kể: Năm 2007, ở bản Bắc Cương có gia đình anh Chìu Quay Dẩu, sinh con gái thứ tư. Do hủ tục lạc hậu, gia đình không muốn nuôi cháu bé này, nên không cho bú, đợi đến lúc cháu bé chết rồi đem chôn. Nhận được thông tin, Thiếu tá Bùi Xuân Tam, Đội trưởng Đội 2 của Lâm trường đã kịp thời đến nhà gặp vợ chồng anh Dẩu bày tỏ: “Tại sao chị không cho con bú? Cháu bé có tội tình gì đâu? Vợ chồng anh chị không nuôi thì để chúng tôi nuôi”. Nói rồi, Thiếu tá Tam giơ tay định bồng đứa bé. Thấy vậy, vợ anh Dẩu ngăn lại không đồng ý. Anh Tam đã thuyết phục và đưa ra đề nghị được nhận cháu làm con nuôi. Khi hiểu ra vấn đề, vợ anh Dẩu đã cho cháu bé bú và nuôi cháu... Từ đó, anh Tam thường xuyên đến thăm gia đình anh Dẩu, mỗi lần đến đều mua quà cho bé. Hiện tại, cháu bé đã lên tám tuổi, đang học lớp hai trường làng. Cũng tại bản Bắc Cương, năm 2013, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Trường, nhân viên quân y của Lâm trường 156, đã phải vận động, thuyết phục cả tiếng đồng hồ vào lúc nửa đêm để vợ của anh Doòng Sáng Sày không lên rừng đẻ một mình theo phong tục của người Dao. “Ngày mới lên đây, khi vận động các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch, bà con đối đáp mình đáo để. Có gia đình, chúng tôi vận động: Gia đình đã có bốn con rồi, tập trung vào nuôi các cháu khôn lớn sẽ tốt hơn, kinh tế sẽ khá giả hơn. Đừng sinh thêm con nữa. Lập tức chúng tôi nhận được câu trả lời: Cũng bằng ấy gạo nuôi bốn đứa, mình chỉ thêm vào bát nước nữa là nó sống có gì đâu” - Thượng tá Vũ Văn Đắc, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Lâm trường 103 nhớ lại.
Những câu chuyện như vậy đều có ở trên dải biên cương này và cần giải quyết.
Giúp dân theo hướng “cầm tay chỉ việc”
Anh Tằng A Thân, Trưởng bản Mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà cho biết: Bản tôi hiện có 54 hộ. Được bộ đội tuyên truyền vận động, giúp đỡ, những hủ tục lạc hậu của bà con đã dần được xóa bỏ, thay vào đó là nếp sống mới. Kinh tế của bà con dân bản chủ yếu trông vào đồi, rừng. Từ khi Lâm trường 103 triển khai thực hiện các dự án, bộ đội hướng dẫn, giúp đỡ nuôi trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, cho nên cuộc sống của bà con khá lên nhiều rồi. Hiện cả bản có đàn trâu, bò 160 con và đàn lợn hàng trăm con; có gia đình xây dựng được cả chục ha rừng đặc dụng trồng quế, hồi; 100% số hộ trong bản có ti-vi, xe máy... Quảng Sơn và Quảng Đức, là hai xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hải Hà (Quảng Ninh), có gần 2.000 hộ dân, trong đó 90% là người dân tộc Dao; đến nay, các bản đã có điện lưới; hầu hết các hộ gia đình có ti-vi, xe máy; hai xã đạt từ năm đến sáu tiêu chí nông thôn mới. Tuy vậy, vẫn còn 40% số hộ nghèo; còn nhiều việc cần làm để tháo gỡ, giúp đồng bào thoát nghèo, đẩy lùi lạc hậu.
Giám đốc Lâm trường 156, Thượng tá Đặng Ngọc Linh cho biết: Chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con theo hướng “cầm tay chỉ việc” và phải kết hợp việc xóa bỏ lối canh tác cũ, hướng dẫn cách ủ mục phân chuồng, làm phân xanh, phối hợp bón phân vô cơ. Cái khó là, khi hướng dẫn thì bà con làm đúng, nhưng khi không có bộ đội ở đó thì bà con lại làm theo thói quen cũ... Song nhờ tinh thần kiên trì bám dân, bám bản, bám địa bàn để tuyên truyền, vận động bà con, nên những phong tục tập quán lạc hậu đã dần được xóa bỏ. Ví như: khi ốm đau bà con đã biết tìm đến Bệnh xá của Lâm trường, không còn tìm thầy cúng nữa; bà con đã học được cách trồng rau, củ, quả của Lâm trường để cải thiện cuộc sống. Được như vậy, bộ đội của đơn vị phải xuống tận nhà trồng mẫu cho bà con xem, rồi thu hái nấu thử để bà con ăn. Nhiều dự án được các Lâm trường của Đoàn triển khai giúp bà con xóa đói, giảm nghèo đã phát huy hiệu quả. Ví như, năm 2005, gia đình anh Nguyễn Văn Cảnh, ở bản Cao Lan, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái được Lâm trường 42 cấp bảy con lợn rừng giống và hướng dẫn cách chăm sóc. Đến nay, đàn lợn của gia đình anh Cảnh đã phát triển hàng trăm con, có thời điểm lên đến 250 con, trung bình mỗi năm thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng. Gia đình anh Cảnh đã mạnh dạn nhân giống cung cấp cho bà con trong vùng nuôi thương phẩm. Nhưng theo chị Ngô Thị Lại, vợ anh Cảnh thì, hiện nay nhu cầu thịt lợn rừng đã bão hòa, hiệu quả kinh tế không còn cao như trước, bà con cần chuyển đổi mô hình khác tốt hơn.
Thiếu tá Phạm Ngọc Lãm, Trợ lý dân vận của Lâm trường 155 khoe với tôi về việc triển khai dự án trồng cây ăn quả ở Phai Lầu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh): Đây là dự án chuyển đổi mà đơn vị đang triển khai ở Phai Lầu, một héc-ta cây ăn quả được trồng xen kẽ cây lấy gỗ, kết hợp trồng cỏ voi để phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê. Đơn vị hỗ trợ bà con cả giống vốn, phân, vừa hướng dẫn, vừa hỗ trợ ngày công đào hốc trồng cây, được bà con tích cực hưởng ứng. Chia sẻ niềm vui được chọn làm thí điểm của dự án, anh Hoàng Văn Điệp, ở bản Phai Lầu cho biết: “Đất nhà tôi trồng keo đã nhiều năm nên hiệu quả kinh tế kém, nay được Lâm trường giúp, tôi tin rằng với các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và nguồn cỏ để phát triển chăn nuôi, gia đình chúng tôi sẽ phát triển kinh tế hộ bền vững trong tương lai”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên