GS. Ngụy Như Kontum - Hình mẫu người thầy
Thạc sĩ Vật lý đầu tiên của Việt Nam
Quê gốc ở xã Minh Lương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên nhưng sinh ra tại Kontum năm 1913, Ngụy Như Kontum có cả một tuổi thơ gắn bó với xứ sở đại ngàn Tây Nguyên huyền thoại. Đó là lý do người cha - một chủ sự bưu điện, một thầy thuốc có tiếng lấy tên đất đặt tên cho ông.
Năm Ngụy Như Kontum tròn 11 tuổi, gia đình chuyển về Huế, ông vào học lớp Nhì của Trường Cao đẳng Tiểu học Huế. sau học tiếp Trường Thành chung và lên Trường Quốc học. Thông minh, ham học, ông đã phấn đấu trở thành một học sinh xuất sắc của Trường Quốc học Huế, đậu “đíp - lôm” (diplomat) năm 1930 và được học bổng ra học tại Ban tú tài bản xứ ở trường Bưởi, Hà Nội. Theo hồi ức của GS Nguyễn Xiển (nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ) thì cấp học này chỉ tuyển số học trò đã đậu hạng xuất sắc của các Trường Quốc học Trung kỳ và các Trường Thành chung Bắc Kỳ. Năm 1932, với trí tuệ thiên bẩm và sự nỗ lực của bản thân, Ngụy Như Kontum đã tốt nghiệp xuất sắc cả 2 bằng Tú tài bản xứ gồm Tú tài Tây ban Toán và Tú tài Tây ban Triết. Ông được cấp học bổng toàn phần sang Pháp học đại học. Đặt chân tới Thủ đô Paris hoa lệ, vượt qua những bỡ ngỡ, choáng ngợp của chàng thanh niên đến từ một đất nước thuộc địa, ông đã say sưa học, đọc, nghiên cứu và chỉ sau gần 3 năm đã nhận tấm bằng cử nhân khoa học xuất sắc. và cũng chỉ thêm bằng đó thời gian, ông trở thành Thạc sĩ Vật lý đầu tiên của Việt Nam trên đất Pháp.
Đầu năm 1939, chàng thanh niên trí thức Việt Nam Ngụy Như Kontum được nhà bác học Vật lý hạt nhân người Pháp nổi tiếng, GS Giôliô Quyri đồng ý nhận hướng dẫn làm luận án Tiến sĩ Vật lý. Đây cũng chính là khoảng thời gian ông bắt đầu tiếp xúc với những tư tưởng yêu nước tiến bộ. Về sau khi kể lại với học trò, đồng nghiệp về giai đoạn này, GS. Ngụy Như Kontum vẫn còn trăn trở: “Rất tiếc khi tôi đang làm luận án Tiến sĩ mới được một năm thì đại chiến thế giới thứ 2 bùng nổ. Phòng thí nghiệm của nhà bác học G.Quyri bị Bộ Quốc phòng Pháp trưng dụng. Giáo sư G. Quyri khuyên, nếu tôi muốn tiếp tục ở lại phải có hai điều kiện là xin nhập quốc tịch Pháp và được Bộ Quốc phòng Pháp tuyển dụng, nhưng tôi nghĩ rằng đất nước của anh cần anh hơn là nước Pháp”. Không đắn đo, ông đã nghe theo lời khuyên chân thành đó và trở về nước vào cuối năm 1939 tham gia giảng dạy tại trường Trung học Chasseloup (Sài Gòn) rồi trường Bưởi (Hà Nội) chính vào thời điểm phong trào Việt Minh chống Pháp đang dâng cao trên toàn quốc. Không chỉ đóng là một thầy giáo, ông còn là một thành viên tích cực tham gia các phong trào của giới trí thức để giáo dục tinh thần yêu nước cho thanh niên. Năm 1942, ông cùng các đồng nghiệp như Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thúc Hào... cho ra đời tờ Khoa học, một tờ báo khoa học có giá trị, do GS. Nguyễn Xiển làm chủ bút.
Vị hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
Cách mạng Tháng Tám thành công, chiều 22/8/1945, nhiều trí thức, sinh viên, thanh niên, học sinh tổ chức mít tinh ủng hộ cách mạng ở Khu học xá Đông Dương. Khi ấy, Giám đốc Khu học xá Đông Dương đã cùng với GS. Nguyễn Xiển, GS. Nguyễn Văn Huyên, GS. Hồ Hữu Tường trực tiếp tham gia rồi lên diễn đàn phát biểu ý kiến đồng thanh ủng hộ Việt Minh.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tình nguyện khoác ba lô rời Hà Nội lặn lội lên núi rừng Việt Bắc tham gia công tác cách mạng, cùng toàn dân chống Pháp.
Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định bổ nhiệm GS Ngụy Như Kontum giữ chức Hiệu trưởng và ông đã lãnh trọng trách này cho tới khi về hưu. Ông cũng là vị Hiệu trưởng người có thâm niên làm Hiệu trưởng lâu nhất trong lịch sử giáo dục đại học hiện đại Việt Nam.
Biểu tượng đẹp về người thầy
Ấn tượng còn lưu lại sâu sắc trong suy nghĩ của các thế hệ cán bộ, sinh viên đã từng gắn bó với GS. Ngụy Như Kontum là bên cạnh vai trò của một nhà quản lý có tầm, có tâm, ông còn là một nhà Vật lý tài ba, có kiến thức chuyên môn uyên bác.
Ông chính là Trưởng đoàn khoa học Việt Nam đầu tiên dự Hội nghị Vật lý địa cầu quốc tế ở Moskva năm 1957 là tác giả nhiều công trình nghiên cứu Vật lý hiện đại và một số sách giáo khoa Vật lý ở bậc trung học và đại học. Cùng với GS. Nguyễn Xiển, ông đã góp phần đặt nền móng cho ngành Vật lý địa cầu nước ta. Sau ngày nghỉ hưu, GS vẫn tiếp tục giảng dạy và tham gia Hội đồng Khoa học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, làm ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, tham gia biên soạn phần Vật lý của Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Ông là hình mẫu tiêu biểu của một thế hệ các nhà khoa học yêu nước, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc cho đến hơi thở cuối cùng, là biểu tượng đẹp cho cốt cách của một người thầy giáo luôn tận tuỵ, liêm khiết, khiêm tốn, góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, trong đó nhiều người đã trở thành những nhà giáo, nhà khoa học tài năng.
Ông còn là nhà hoạt động xã hội có uy tín với những đóng góp không nhỏ ở những vị trí như: đại biểu Quốc hội khóa II, III và IV, Ủy viên ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Chánh thư ký Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục thế giới, Ủy viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt - Pháp... Phần thưởng dành cho ông sau cả cuộc đời cống hiến thầm lặng, không mệt mỏi là những Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân... và hơn hết là lòng biết ơn, ngưỡng mộ của các thế hệ người thân, học trò, bạn bè, đồng nghiệp.
Năm tháng đi qua, nhưng những ký ức đẹp đẽ, thiêng liêng về GS.NGND Ngụy Như Kontum còn sống mãi trong lòng những người yêu mến ông, cả những địa danh ông đã từng gắn bó và để lại dấu ấn. Bài viết nhỏ này xin được coi như một sự tri ân, như một nén trầm hương kính vọng nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của ông (3/5/1913 - 3/5/2013)...
Cố GS Ngụy Như Kontum (3/5/1913 - 28/3/1991)
- Quê: Hương Trà, Thừa Thiên Huế
- 1939 - 1946: Dạy học, sáng lập các tổ chức yêu nước chống Pháp; Giám đốc Khu học xá Đông Dương.
- 1946 - 1950: Tổng Giám đốc trung học vụ kiêm Đổng lý sự vụ Bộ Quốc gia - Giáo dục.
- 1951 - 1956: Giám đốc Trường Sư phạm cao cấp ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc).
- 1956 - 1982: Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
- 1982 - 1991: Nghỉ hưu đồng thời vẫn kiêm Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam.
Mai Hương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tại sao người ta lại đốt quần áo sau khi chết? Không phải mê tín mà là khoa học
Thực hư việc rắn có độc đến mấy cũng không giết được lợn? Sự thật vô cùng kinh ngạc
Đây là động vật có phân ‘ngon’ nhất thế giới, những loài khác phải xếp hàng để ăn, cá sấu làm ‘vệ sĩ’ bảo vệ
Con tàu mất tích gần 100 trăm năm bỗng nhiên xuất hiện một cách thần kỳ, sự thật có liên quan tới tam giác quỷ?
Tại sao người xưa đặt tên cho con trai lại không có chữ 'Thiên', con gái không có chữ 'Tiên'?
Thực hư về loại cá 2cm có tuổi đời nghìn năm tuổi, chỉ sống ở một nơi duy nhất trên thế giới