GS Phan Huy Lê: SGK vắng bóng Đại tướng là điều rất buồn
Trao đổi với PV, Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nêu quan điểm như vậy khi trong Sách giáo khoa lịch sử chưa nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thưa Giáo sư, tại sao trong sách lịch sử lại vắng bóng hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
GS Phan Huy Lê: Đây là một điều thiếu sót và rất buồn. Lịch sử Việt Nam hiện đại, trong các chiến dịch như chiến dịch Biên giới, Điện Biên Phủ, Tết Mậu Thân năm 1968 hay chiến dịch Hồ Chí Minh đều không có một dòng nào nói đến Đại tướng, nhưng ai cũng biết vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đại tướng rất lớn. Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lớp trẻ nhận ra không chỉ một vị anh hùng lẫy lừng với những chiến công mà là một biểu tượng của những gì tốt đẹp, đáng trân quý nhất của dân tộc Việt Nam.
Đó là Biểu tượng của ý chí độc lập tự do, của nghị lực và trí tuệ sáng tạo của dân tộc. Biểu tượng của một con người suốt đời sống và chiến đấu vì dân, vì nước. Qua biểu tượng Đại tướng, lớp trẻ như tìm lại được niềm tin và lẽ sống của mình. Việc vắng bóng hình ảnh Đại tướng trong sách lịch sử là điều đáng tiếc…
Thưa Giáo sư, hình ảnh gì hiện lên đầu tiên khi ông nghĩ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Hình ảnh ấn tượng mà tôi tiếp xúc Đại tướng đó là dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn bảo ông làm sử không chuyên nghiệp như chúng tôi, nhưng làm việc với ông mới thấy, ông là một nhà sử học lớn, nhà sử học bậc thầy, làm việc hết sức cụ thể, chi tiết, đúng tư duy và phong cách nhà sử học.
Cái ông quan tâm đầu tiên là phải tìm bằng được tư liệu, biết giám định tư liệu, sau đó tôn trọng những khái niệm đã từng được khái quát và sử dụng trong các thời kỳ lịch sử, luôn lật đi lật lại để tìm hiểu cách giải thích cho đúng. Mọi ý khái quát đều phải chứng minh bằng tư liệu.
Với tư cách là nhà nghiên cứu lịch sử, xin Giáo sư cho biết đánh giá của mình về vị trí của Đại tướng trong lịch sử hiện đại VN?
Mục tiêu của ông là giành bằng được độc lập tự do cho đất nước. Nhưng ông ý thức sâu sắc phải giành thắng lợi bằng cách ít tổn thất nhất cho quân đội và nhân dân. Khi quyết định một chiến dịch, một trận đánh, ông tính toán rất kỹ thắng lợi và tổn thất, tính đến từng sinh mạng, từng giọt máu của quân sĩ và nhân dân.
Trong hồi ký của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã nêu lên nhiều chứng minh về tinh thần này. Đó chính là truyền thống quân sự Việt Nam, là tính nhân văn và trách nhiệm cao cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tính nhân văn đó xét cho cùng xuất phát từ ý thức về sự tồn vong của dân tộc, một nước không lớn chống lại sự xâm lược của những thế lực hùng mạnh bậc nhất của thời đại.
Một ví dụ điển hình là khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi cách đánh ở trận Điện Biện Phủ. Nếu theo cách "đánh nhanh thắng nhanh" của cố vấn Trung Quốc thì hy sinh khủng khiếp mà chưa chắc đã giành thắng lợi. Đại tướng đã kiên quyết thay đổi phương châm tác chiến, chuyển sang "tiến chắc, đánh chắc". Phải mất thêm hai tháng để chuẩn bị, nhưng nhờ đó mới giành được thắng lợi oanh liệt và ít tổn thất như thế.
Vậy Hội khoa học Lịch sử Việt Nam đã kiến nghị đưa vào chương trình sách giáo khoa nội dung về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 sắp tới là cơ hội tốt để chúng ta cùng xem lại tất cả những nội dung cần thiết trong lịch sử mà chưa được đưa vào giảng dạy cho học sinh. Hội Sử học sẽ có ý kiến đóng góp về vấn đề này.
Việc đưa hình ảnh Đại tướng vào sách giáo khoa các thế hệ sau sẽ học được nhiều đức tính đáng quý từ ông, có ý nghĩa giáo dục lớn lao. Con người Đại tướng tạo nên ý chí, nghị lực và niềm tin phi thường. Là sự toàn tâm, toàn ý vì dân vì nước, vì độc lập dân tộc. Đó là nền tảng cơ bản tạo nên động lực, động cơ của vị đại tướng nhân dân, mà chỉ ở thế hệ ấy mới gặp được những con người tiêu biểu như vậy.
Việt Nam-Hồ Chí Minh, Việt Nam-Võ Nguyên Giáp đã trở thành biểu tượng của Việt Nam. Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm rạng danh non sông, đất nước Việt Nam. Đó không phải là quốc gia bình thường mà một dân tộc đứng lên đấu tranh để tự giải phóng mình, đấu tranh cho độc lập, tự do.
Do vậy, phải thay đổi dần tất cả những quan niệm đó để việc dạy học lịch sử cho học sinh có hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn GS.
End of content
Không có tin nào tiếp theo