Hạ lãi suất về 0, ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn chưa bắt đúng bệnh?
Với động thái này, ECB không nằm ngoài xu hướng hạ lãi suất và nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương, những định chế tài chính từng được tung hô là “người hùng” đối với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sức mạnh này giờ đã bị nghi ngờ.
Tấm gương đầu tiên là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với việc hạ lãi suất xuống mức về 0 và chương trình mua trái phiếu khổng lồ hay còn gọi là nới lỏng tiền tệ (QE) vào năm 2008. Động thái này đã giúp thị trường khởi sắc đáng kể, tuy nhiên, chỉ có hiệu quả tới một giới hạn nhất định. Ở đợt QE đầu tiên khởi động từ tháng 12/2008 đến tháng 11/2010, chỉ số S&P 500 đã tăng 33%. Song thị trường đã không tăng nhiều so với đợt nới lỏng định lượng lần 2 và 3.
Thực tế, mục tiêu cơ bản trong chính sách của ngân hàng Trung ương châu Âu khi duy trì mức lãi suất thấp là để kích thích xuất khẩu và giảm giá trị của đồng Euro.
Theo đó, ECB đã thành công với sự mất giá tương đương 25% của đồng Euro từ giữa năm 2014 tới cuối năm 2015. Nhưng kết quả không như mong đợi khi từ giữa tháng 9/2014 đến tháng 9/2015, xuất khẩu ròng ở Eurozone chỉ tăng gần 3 tỷ Euro, “muối bỏ bể” so với nền kinh tế trị giá 11.000 tỷ euro.
Mục đích tiếp theo của chương trình mua trái phiếu của ngân hàng Trung ương châu Âu nhằm tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng thuộc Eurozone, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hộ gia đình được vay tiền. Tuy nhiên cho đến nay, sự gia tăng các khoản vay vẫn còn rất hạn chế.
Trong một khu vực mà niềm tin vào nền kinh tế chưa phục hồi, lãi suất thấp và nguồn vốn dồi dào chưa hẳn kích thích các hộ gia đình và doanh nghiệp vay tiền. Các ngân hàng có thể tận dụng nguồn vốn giá rẻ đầu tư vào các thị trường tài chính, thay vì nới lỏng tín dụng, khiến thị trường chứng khoán tăng cao. Trong khi tiêu dùng hay đầu tư sản xuất, những lĩnh vực sản sinh GDP thực tế được hỗ trợ ít ỏi.
Ngoài ra, ECB muốn đạt mục tiêu lạm phát dưới 2%. Theo đó, kỳ vọng vực dậy mức gia tăng trong nguồn cầu thực tế, bằng cách giảm tỷ lệ thất nghiệp tới mức tiền lương tăng nhanh hơn giá hàng hóa, tương tự hiệu quả của gói nới lỏng tiền tệ mà FED đưa ra. Đây là một chiến lược không thực tế tại Eurozone, bởi tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn khoảng 12%, cao hơn so với trước khủng hoảng suy thoái tới 5%.
Các chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng Trung ương châu Âu có thể thúc đẩy lạm phát cao hơn thông qua việc tăng giá nhập khẩu so với sự mất giá của đồng Euro. Với quá trình rất hạn chế này, lạm phát cơ bản ở Eurozone vẫn dưới 1%. Theo ước tính, 2016 sẽ là năm thứ 3 lạm phát khu vực đồng tiền chung đăng ký mức lạm phát thấp hơn mục tiêu 2%.
Trong ngắn hạn, giảm lãi suất và chương trình mua trái phiếu vẫn là những công cụ đầu tiên các ngân hàng trung ương viện đến để ngăn chặn sự lao dốc tức thời của thị trường tài chính. Xét về lâu dài, thiếu những cải cách cơ cấu và kích thích tài chính, đây sẽ chỉ còn là canh bạc may rủi mà các định chế tài chính khổng lồ tham gia với hy vọng khuyến khích đầu tư và tiêu dùng cá nhân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới