Hải sản đua nhau lên mạng kiếm khách
(VnExpress) Chưa từng có kinh nghiệm bán hàng ở chợ, cũng không biết nhiều về tôm cá, chị quyết định "mạo hiểm" vì có lợi thế là người nhà làm ở một công ty chuyên cung cấp hải sản ở Hạ Long.
Với mối hàng sẵn có, chị Lan mở cửa hàng hải sản online từ năm 2011. Cách thức kinh doanh của chị là gom đơn đặt hàng của khách, sau đó mới nhập hàng. Hải sản được chuyển từ Quảng Ninh lên Hà Nội trong ngày, sau đó phân phát đến tận tay người mua. Chồng của chị làm việc về máy tính, nhưng cũng không ngại "xe ôm" giúp chị đi giao từng thùng cá tôm, cua ghẹ cho khách.
Ngọc, nhân viên một cơ quan truyền thông lại chọn mặt hàng chính là hải sản lấy từ Cửa Lò. Quê Ngọc ở cảng biển miền Trung, mẹ cô đang sinh sống gần đó nên mỗi sáng sớm có thể đi lấy hàng giúp Ngọc.
Hàng được gửi lên xe khách lúc 7h30 mỗi sáng và ra Hà Nội lúc 16h chiều. Khâu tiếp theo, vận chuyển hàng do anh trai Ngọc đảm nhiệm. Còn cô vẫn ngồi ở cơ quan nhưng thực hiện việc quảng cáo trên mạng, nhận đơn hàng từ khách. Sau đó cô thông báo số lượng về quê để lấy hàng, giao địa chỉ nhà từng khách cho anh trai ở Hà Nội.
Trào lưu bán hải sản trên mạng đang dần lan rộng. Trên các diễn đàn mạng, ngày càng nhiều người mang tôm cua cá lên bán. Đa số hải sản được mang đến từ các vùng biển gần Hà Nội như Quảng Ninh, Cửa Lò, Nam Định hay Cát Bà. Ốc biển cũng là mặt hàng ngày càng phổ biến, nhất là các loại ốc trước đây được coi là hiếm ở Hà Nội như ốc hương, ốc mỡ.
Do bán trên mạng, nên "phương tiện" chính để những tiểu thương này kinh doanh là chiếc máy tính, kết nối với đủ mọi diễn đàn, mạng xã hội để quảng bá đến càng nhiều khách càng tốt.
Bán hàng hải sản trên mạng lợi thế ở chỗ dễ được lòng người tiêu dùng vì họ không phải ra chợ chọn từng con cua, con cá. Khách chỉ việc ngồi một chỗ, xem ảnh hoặc đọc miêu tả, sau đó đặt hàng và ngồi nhà chờ. Ngoài ra, hàng chủ yếu bán theo đơn đặt trước nên tiểu thương cũng không sợ tình trạng tồn kho.
Tuy nhiên, hải sản bán trên mạng cũng có nhiều bất lợi, nhất là về mặt vận chuyển. Khi giao hàng cho khách, để đảm bảo thực phẩm được tươi sống, người vận chuyển phải mang theo một thùng đá cồng kềnh phía sau.
Ngoài ra, do phải phụ thuộc vào xe vận chuyển từ các địa phương, chính người bán cũng không chủ động được thời gian giao hàng. Ngọc kể có lần xe đi từ Cửa Lò ra Hà Nội gặp sự cố, hàng đến muộn 3 tiếng đồng hồ. Lần đó Ngọc nhận không ít lời phàn nàn của khách vì làm họ chờ lâu.
Ngoài ra, thay vì ngồi một chỗ và chờ khách đến, người bán hàng trên mạng bận bịu hơn nhiều lần. Họ phải "tay năm tay mười" vừa gõ phím quảng cáo trên mạng, nghe điện thoại nhận đơn của khách, vừa tất bật lo việc phân phối, trả hàng.
Tuy vất vả, các tiểu thương cho biết nếu chăm chỉ và được lòng khách thì có thể tiêu thụ được nhiều hàng hơn so với việc bán ở chợ. Ví dụ như với Ngọc, thời gian đầu cô chỉ bán cho những người cùng cơ quan, sau đó mở rộng ra bạn bè của đồng nghiệp. Cửa hàng ảo trên Facebook của cô giờ đây đã có hơn 1.000 người yêu thích. Lúc mới bán, mỗi ngày Ngọc tiêu thụ được 15 kg, giờ số lượng đã tăng lên gấp đôi. Tiền kiếm được từ bán hải sản đã đủ để cô trang trải thuê nhà, xăng xe đi lại mỗi tháng. Sắp tới, Ngọc dự định sẽ mở rộng bằng cách thuê một địa điểm làm nơi tập kết hàng, tăng thêm lượng khách phục vụ.
Còn với chị Lan, cửa hàng hải sản của chị giờ đây đã mở rộng gấp nhiều lần so với trước. Lúc đầu chỉ bán một số mặt hàng hải sản, giờ đây chị bán thêm cả thực phẩm đóng gói sẵn, hoa quả đặc sản các vùng miền. Thu nhập từ việc bán buôn ổn định, chị dự định sắp tới sẽ mở thêm một số tên miền để quảng bá sản phẩm.
Thanh Bình
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao giá vàng thế giới lao dốc hơn 2%?
Nhận diện động lực sẽ giúp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển
Giá ngoại tệ ngày 12/11/2024: USD tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 12/11/2024: Cà phê, hồ tiêu giữ mức ổn định
Cảnh báo mạo danh Amazon để lừa đảo người tiêu dùng
Giá heo hơi ngày 12/11/2024: Duy trì mức giá cao trên toàn quốc