Hạn chế tiêu thụ nông sản thụ động, phụ thuộc tình thương
Bên lề Hội nghị "Xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tiêu thụ trái cây và các mặt hàng nông sản giữa TP Hà Nội và tỉnh Hải Dương” được tổ chức sáng ngày 5/6 tại Hà Nội. Phóng viên Báo Doanhnghiepvn.vn đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội về tình trạng và những giải pháp tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.
Thưa bà! Xin bà chia sẻ những giải pháp mà năm nay Hà Nội thực hiện để có thể tiêu thụ nhanh chóng và thuận lợi nhất các mặt hàng nông sản, đặc biệt là vải thiểu của tỉnh Hải Dương?
Đối với việc tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cung cầu cho các doanh nghiệp ở các tỉnh thành phố trong cả nước, riêng đối với tỉnh Hải Dương. Năm nay, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các phương án giúp tiêu thụ các mặt hàng nông sản ngay từ đầu năm.
Cụ thể, với những thành phố có mặt hàng có thế mạnh tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như là các mặt hàng có tính đặc thù chỉ tiêu thụ theo mùa vụ, Sở Công thương Hà Nội cũng đã tham mưu UBND thành phố ban hành ngay văn bản chỉ đạo rất cụ thể đối với các Sở, ngành như Công an, giao thông vận tải, thông tin truyền thông và Sở NN&PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã cùng các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt là vải thiều Hải Dương và Bắc Giang trong mùa vụ năm 2015.
Sở Công thương Hà Nội cũng chủ động phối hợp với Sở Công thương tỉnh Hải Dương nắm bắt thông tin, tình hình thị trường; khả năng cung ứng các loại trái cây, nông sản; các doanh nghiệp kinh doanh, hộ sản xuất...của tình Hải Dương và cung cấp nhu cầu của mọi người tiêu dùng thủ đô về mẫu mã, thị hiếu đối với các loại nông sản nhằm kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa. Thông báo các doanh sách các doanh nghiệp, trung tâm thương mai, siêu thị...của Hà Nội để các doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương và các tỉnh khác có thể kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Đối với việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) vụ mùa năm 2015, Sở công thương Hà Nội cũng tập trung yêu cầu các Ban Quản lý chợ chỉ đạo bà con kinh doanh trong chợ tích cực hỗ trợ bán các mặt hàng vải thiều trong mùa chín rộ.
Các trung tâm thương mại, siêu thị ngoài việc tổ chức bán tại các địa điểm đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội, tiếp tục hỗ trợ đưa vào các kênh phân phối của đơn vị tại địa bàn các tỉnh bạn. Riêng siêu thị Sài Gìn CoopMart Hà Nội hỗ trợ đưa vào hệ thống để tiêu thụ các tỉnh phía nam.
Ngoài ra, Sở Công thương Hà Nội cũng yêu cầu UBDN các quận, huyện, thị xã chị đạo các phường, xã, ban quản lý các chợ quan tâm, tạo điều kiện bố trí các khoảng đất trống trên địa bàn( không gây ách tắc giao thông), trong chợ để các doanh nghiệp, thương lái kinh doanh vải thiều của tỉnh Hải Dương có thể đưa xe về bán trực tiếp tại các địa điểm đã được thông báo.
Như vậy, theo bà! Đâu là giải pháp đặc biệt hơn so với mọi năm để có thể tiêu thụ các mặt hàng nông sản?
Năm nay, chúng tôi chỉ đạo các doanh nghiệp của các tỉnh thành phố phải cung cấp đầy đủ các thông tin hỗ trợ, đặc biệt là có những cam kết tiêu thụ với nhau giúp cho những người nông dân trên các tỉnh khác.
Đưa ra những hợp đồng mua bán cụ thể để xác định được lượng tiêu thụ ổn định cho cả một mùa vụ. Tránh tình trạng đầu vụ thì giá cao mà cuối vụ thì giá thấp. Ngoài ra, các doanh nghiệp ở các tỉnh vào thành phố tiêu thụ thì Giám đốc Sở đã giao cho lực lượng quản lý thị trường nắm bắt các thông tin và hỗ trợ từ lúc các doanh nghiệp đưa xe vào Hà Nội cho đến tận địa điểm tiêu thụ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các mặt hàng nông sản mới cho bán ra để đảm bảo niềm tin cho người tiêu dùng.
Xin bà cho biết, đối với các mặt hàng nông sản khác thì Sở đã có những giải pháp nào để giúp các doanh nghiệp, người nông dân các tỉnh khác tiêu thụ nhanh chóng và thuận lợi?
Các tỉnh thì có một thế mạnh riêng, mỗi một tỉnh có những sản phẩm rất đặc chưng. Phải nói rằng, những sản phẩm có chất lượng rất tốt, rất ngon...giá cả hợp lý nhưng người tiêu dùng của Thủ đô chưa được biết đến. Do đó, chúng tôi rất tích cực trong công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm đó cho các tỉnh.
Sẽ tổ chức các chương trình như đưa các doanh nghiệp Hà Nội đến tham quan các cơ sở sản xuất ở các tỉnh, và sẽ trực tiếp ký kết các hợp đồng tiêu thụ trong mùa vụ cũng như là lâu dài.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn cho doanh nghiệp các tỉnh xây dựng mẫu mã, bao bì để dễ phân phối hàng hóa cũng như tiêu thụ ở các kênh truyền thống trên địa bàn thành phố. Ví dụ, trong mùa vụ vải thiều, các xe vải của các tỉnh được bày bán rất nhiều trên đia bàn thành phố nhưng người dân không thể nhận biết đâu là vải Thanh Hà (Hải Dương), đâu là vải Lục Ngạn (Bắc Giang) nên các doanh nghiệp các tỉnh phải đưa ra các sản phẩm có mẫu mã, bao bì đề người dân có thể nhận biết, tin dùng sản phẩm đó.
Hơn nữa, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân tiêu thụ nông sản trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong năm nay, các phương tiện truyền thông đã ủng hộ tích cực trong việc giúp người dân tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, UBDN thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở thông tin và truyền thông Tài Chính...vào cuộc để giúp người dân một cách tối đa để việc tiêu thụ nông sản nhanh chóng và thuận tiện hơn. Ví dụ, Công an thành phố, và Sở giao thông vận tải tạo điều kiện cho các xe chở hàng nông sản của doanh nghiệp các tỉnh đưa vào thành phố tiêu thụ. Đặc biệt, trong mùa vải chín rộ thì các sẽ lưu thông vào trong thành phố sẽ được đưa vào nội thành, các chợ, các bãi đất trống để tiêu thụ một cách nhanh nhất, không để xảy ra tình trạng hàng tồn kho.
Thưa bà, một số chuyên gia đánh giá rằng cơ chế tiêu thụ mặt hàng nông sản hiện đang phụ thuộc tình thương của người tiêu dùng, ví dụ như trường hợp nhự vụ mua dưa hấu, hành tím...vừa qua. Như vậy, việc xúc tiến thương mại và kết nối giao thương với các tỉnh có phải để "đi trước đón đầu" tránh lập lại tình trạng trên hay không?
Thực tế, việc xúc tiến thương mại và kết nối giao thương với các doanh nghiệp, nông dân các tỉnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản thì Bộ Công thương và các Sở, ban, ngành đã có các kế hoạch rất cụ thể để chủ động chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình tiêu thụ sản phẩm từ khâu sản xuất cho đến khâu lưu thông và tiêu dùng lại có những khó khăn đột biến ví dụ như dưa hấu của Quảng Nam hay hành tím của Sóc Trăng và một số mặt hàng nông sản khác như vải thiều.
Do đó, Sở Công thương Hà Nội thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND TP. Hà Nội đã và đang chủ động xây dựng kế hoạch liên kết vùng, kết nối giao thương với các doanh nghiệp trong thành phố để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân của các tỉnh thành phố khác trong việc tiêu thụ các mặt nông sản. Tránh tình trạng tiêu thụ một cách thụ động, tiêu thụ bằng tình thương, khi xảy ra rồi mới tìm cách hỗ trợ như tình trạng kêu gọi mọi người mua dưa hấu vừa qua.
Đối với các Sở, tỉnh thành phố gặp các khó khăn đột biến. Sở Công thương Hà Nội sẽ tổ chức những chương trình tiêu thụ riêng và có tính kết nối một cách nhanh nhất, cụ thể nhất để có biện pháp hỗ trợ ngay đối với các tỉnh đang gặp khó khăn.
Xin chân thành cảm ơn bà!
End of content
Không có tin nào tiếp theo