Từ ngày 2/7, các trường mầm non, tiểu học, THCS ở Hà Nội bắt đầu tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2012-2013. Dù quy hoạch mạng lưới trường mầm non, tiểu học, THCS đáp ứng đủ nhu cầu học của con em nhân dân trên địa bàn, nhưng không ít người vẫn muốn xin học ở phường khác, quận khác, gây xáo trộn công tác tuyển sinh và đặt ra bài toán không lời giải đối với cấp quản lý.
Người xin, người cho đều khổ
Theo kế hoạch tuyển sinh của Sở Giáo dục - Đào tạo, năm học 2012-2013, các trường tiểu học, THCS đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho học sinh đủ điều kiện và trong độ tuổi; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp trong độ tuổi là 90%, trẻ ở độ tuổi đi nhà trẻ là 32%.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Đoàn Hoài Vĩnh khẳng định: Hà Nội có nhiều loại hình trường đáp ứng đủ nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, không học sinh nào gặp khó khăn trong việc tìm chỗ học.
Sau vài năm kiên trì "ba giảm" (giảm sốhọc sinh trái tuyến, giảm sĩ số học sinh/lớp, giảm số lớp đối với những trường có quy mô lớn) cùng với "ba tăng" (tăng quy mô tuyển sinh, tăng đầu tư cơ sở vật chất, tăng chất lượng công tác tuyển sinh), sĩ số học sinhlớp, số lớp/trường ở Hà Nội đã có nhiều cải thiện.
Tính đến năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh/lớp ở các cấp học đều thấp dưới mức quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Ở tiểu học, bình quân toàn thành phố có 33,97 HS/lớp (quy định là 35 học sinh/lớp); ở cấp THCS là 35,37 học sinh/lớp (quy định là 45 học sinh/lớp).
Rõ ràng, Hà Nội không thiếu chỗ học. Nhưng do nhiều yếu tố, trong đó có phần từ nhu cầu của phụ huynh, nên các trường khu vực nội thành thường có quy mô lớn hơn, ví dụ 13/20 trường tiểu học ở quận Đống Đa, 11/17 trường ở Ba Đình, 11/20 trường ở Hà Đông có quy mô vượt quy định.
Ở cấp THCS, giữ kỷ lục về quy mô là Trường THCS Giảng Võ với 70 lớp, bình quân 49 học sinh/lớp; còn tại quận Đống Đa, Trường THCS Đống Đa, THCS Nguyễn Trường Tộ đều có quy mô hơn 40 lớp, bình quân hơn 50 học sinh/lớp…
Chọn trường cho con là nhu cầu chính đáng của phụ huynh. Nơi họ chọn có thể là ngôi trường có uy tín, gần nhà, hoặc tiện đường đưa - đón… Song cũng có không ít người tìm mọi cách xin vào trường này, trường kia chỉ căn cứ qua thông tin… truyền miệng. Những người "được xin" cũng vô cùng khó khăn để cân nhắc chọn ai, bỏ ai trong vô vàn mối quan hệ.
Để giảm bớt phiền hà, cứ đầu tháng 7, điện thoại của lãnh đạo các quận, huyện và giám hiệu trường điểm luôn ở chế độ "bận". Một vị cán bộ phòng Giáo dục - Đào tạo quận nọ khi tiếp nhận nguyện vọng học của cháu ruột vị chủ tịch UBND đơn vị bạn cũng đành nhăn nhó đề nghị xác nhận rõ trong đơn để làm căn cứ duyệt chỉ tiêu.
Cũng đã từng có chuyện hai hiệu trưởng căng thẳng với nhau suốt vài tháng liền vì chuyện học sinh lẽ ra "của mình" lại sang học bên trường người.
Phân tuyến thế nào?
Vài năm nay, các phòng Giáo dục - Đào tạo được giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Nhiều giải pháp đã được triển khai để giải quyết những vướng mắc trong công tác tuyển sinh, nhất là để hạn chế tình trạng xin học trái tuyến.
Ngoài việc tăng đầu tư cho giáo dục lên mức 40%, Hoàn Kiếm còn mạnh dạn luân chuyển những cán bộ quản lý giỏi tới những trường khó khăn để giảm dần sự cách biệt giữa các đơn vị.
Quận Tây Hồ quan tâm rà soát chính xác số lượng học sinh trong độ tuổi và điều kiện đáp ứng của từng trường, làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh và phân tuyến phù hợp. Năm học vừa qua, quận đã triển khai đánh giá chung cho toàn bộ học sinh lớp 8 và lớp 9 (4 lần/năm học) để kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy - học, nâng mặt bằng chất lượng giữa các trường…
Kết quả năm học 2011-2012 cho thấy, bên cạnh những đơn vị có truyền thống dạy tốt - học tốt, có sự xuất hiện của nhiều cái tên ít được phụ huynh biết đến.
Ở quận Hoàn Kiếm có thêm Nguyễn Du, Thanh Quan; Cầu Giấy có THCS Nam Trung Yên; Đống Đa có THCS Thái Thịnh; Hai Bà Trưng có tiểu học Trưng Trắc, Quỳnh Mai; THCS Đoàn Kết, Lương Yên, Ngô Quyền, Quỳnh Mai… Đây là những đơn vị đã có giáo viên, học sinh giỏi dự thi và đoạt giải cấp quận, cấp thành phố.
Một giải pháp được các đơn vị đặc biệt quan tâm là phân tuyến tuyển sinh. Thực tế, nếu xác định đúng tuyến hợp lý thì trái tuyến sẽ giảm.
Vì vậy, việc rà soát số học sinh trong độ tuổi trên địa bàn và các dữ liệu liên quan là khâu được các phòng Giáo dục - Đào tạo thực hiện kỹ để xây dựng phương án phân tuyến hợp lý, trong đó có việc xác định đối tượng tuyển sinh. Trước hết, học sinh đúng tuyến là những em có hộ khẩu tại địa bàn khu vực tuyển sinh hoặc có bố (mẹ) có hộ khẩu trong khu vực.
Sau khi tuyển hết số này thì tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa bàn, các đơn vị có thể mở rộng diện đúng tuyến cho những HS cư trú thực tế trên địa bàn (KT3) để tạo thuận lợi nhất cho học sinh, tránh tình trạng nhà gần trường nhưng phải đi học xa hơn hoặc ở ngay cạnh trường mà vẫn là học sinh trái tuyến.
Riêng ở mầm non, khi hệ thống trường công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu, việc bốc thăm được coi là giải pháp phù hợp. Từ năm ngoái, Tây Hồ đã thí điểm ở 4 trường và được phụ huynh đồng tình, Đống Đa đã có kế hoạch cho 6 trường triển khai theo hình thức này.
Nhiều quận, huyện cũng đã thông báo lộ trình tuyển sinh từ ngày 2 đến 16/7 theo hướng chia nhỏ đối tượng học sinh theo độ tuổi, ưu tiên tuyển sinh trẻ 5 tuổi để hạn chế tình trạng tập trung quá đông người tại trường, giảm bớt áp lực cho công tác tuyển sinh.
Theo Hà Nội mới