Hậu quả khó lường từ thuốc kích thích cho trẻ ăn
Thấy con ăn ít, nhiều bà mẹ tự tìm mua các loại thuốc, si rô, cốm kích thích ăn cho trẻ ăn. Hậu quả là càng làm trầm trọng hơn tình trạng của bé cũng như có thể để lại di chứng như béo phì, ức chế não, khô mắt, khô miệng, táo bón,...
Trong khi trên thị trường hiện nay bày bán rất nhiều loại thuốc có tác dụng giúp trẻ ăn ngon, ngủ nhiều. Nhưng vấn đề sử dụng thuốc như thế nào cho hợp lý thì chưa được các bậc làm cha mẹ quan tâm.
Vô tư sử dụng
Chị Trần Thanh Ngọc, ngụ ở đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Con mình rất biếng ăn, nghe các mẹ chỉ là mua xi rô cho uống. Lâu nay mình cứ cho cháu uống, đâu có hỏi ý kiến bác sĩ gì đâu”.
Theo chị Ngọc, thuốc xi rô rất dễ mua, cứ đến hiệu thuốc hỏi mua thuốc cho trẻ ngủ ngon là họ bán ngay.
Tương tự, chị Ngô Kim Cúc (quận 9) cũng cho biết : “Lên mạng, thấy các bà mẹ hay rỉ tai dùng sirô loại này, cốm kích thích loại kia hiệu quả tức thời nên tôi cũng mua cho con tôi dùng”.
Khảo sát tại khu chợ dược dược Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM), các trình dược viên tại đây cho biết, đa số các bà mẹ đến đây mua thuốc đều chỉ hỏi ngắn gọn “có thuốc bổ nào giúp con em ngủ ngon, ăn nhiều không”.
Một trình dược viên tại một quầy thuốc khu chợ dược Tân Định, quận 1, cho biết: “Hàng ngày quầy thuốc của tôi cũng bán rất nhiều loại thuốc xi rô như : xirô Phénergan, xirô Théralène,...có tác dụng giúp trẻ ngủ ngon hơn, ít quấy khóc; nhưng hầu hết các bà mẹ đến mua đều không quan tâm đến việc có nên cho con mình sử dụng loại thuốc này không, bỏ ngoài tai những lời khuyến cáo. Cá biệt có trường hợp em bé chỉ hơi quấy khóc, mẹ đã chạy đến mua ngay loại thuốc này”.
Nghiên cứu của viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tình trạng thiếu vi chất vẫn còn phổ biến ở trẻ em Việt Nam, thể hiện ở tỷ lệ thiếu máu, thiếu vitamin A tiền lâm sàng (retinol huyết thanh thấp), thiếu kẽm,… còn ở mức cao. Số trẻ em đến khám vì lý do biếng ăn cũng ở mức rất cao (tỷ lệ 45,9% - 57,7%).
Quan niệm mong con “hay ăn chóng lớn” vô hình tạo nên một áp lực lớn đối với cha mẹ, thậm chí gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ. Nhiều khi công việc bận rộn, không ít cặp vợ chồng trẻ hằn học nhau vì chuyện cho con ăn gì, ăn như thế nào để bé chịu ăn và phát triển tốt. Nhiều mẹ chồng - nàng dâu cũng xích mích nhau chỉ vì chuyện trẻ biếng ăn và chậm phát triển.
Đáng lưu ý là nhiều điểm bán thuốc đã lợi dụng tâm lý của các bà mẹ để cố bán được hàng mà không hề có sự hướng dẫn và khuyến cáo.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, Giảng viên chính bộ môn dược Đại học Y Dược TP.HCM, việc dùng các thuốc dạng xirô hoặc viên nghiền nhỏ pha với thức ăn, nước uống giúp trẻ ngủ ngon đã phổ biến từ những năm 1975. Tại các nhà thuốc hiện nay, các loại thuốc này cũng bán phổ biến dưới dạng không kê toa. Nhiều bà mẹ cứ thấy con mình chán ăn, ít ngủ, quấy khóc cả ngày là tìm mua về pha với nước hoặc sữa cho trẻ uống mà không hề có sự hướng dẫn hay tư vấn của bác sĩ. Vị ngọt của xirô làm trẻ thích thú, uống một cách dễ dàng và nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ để mẹ an tâm làm việc. Cứ thế, việc dùng xirô giúp ngủ ngon là một thói quen hàng ngày của không ít những em bé thời nay. Cả những cơ sở nuôi dạy trẻ cũng có nguy cơ lạm dụng các loại thuốc trên để tiện lợi cho công việc của họ.
Hệ quả khó lường
Tuy nhiên, theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, việc lạm dụng và tự ý dùng các loại thuốc này sẽ rất nguy hiểm cho trẻ, nhất là các trẻ dưới 2 tuổi.
Nhiều loại thuốc quảng cáo rất tốt nhưng chẳng thấy có tác dụng, mà khi dừng dùng thuốc thì bé lại quấy khóc hơn trước và người tọp hẳn đi. Nhiều bà mẹ khi mang con đến trung tâm tư vấn dinh dưỡng khám mới thực sự hoảng hốt khi các bác sĩ cho hay, các bé đến khám ngoài bị còi cọc còn bị chứng khô miệng, khô mắt do lạm dụng quá nhiều các loại thuốc, sản phẩm kích thích ăn ngủ ngon.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, thực chất một số loại thuốc kích thích ăn và làm tăng trọng, tăng trưởng dùng cho trẻ rất có hại. Đây là các loại thuốc không thể trị được chứng biến ăn mà chỉ giữ nước, tạo béo giả tạo. Từ đó, gây nguy cơ táo bón, tiêu chảy, gây khô miệng, khó tiều tiện, phù nề và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, hàng tháng có hơn 3.000 trẻ đến khám và tư vấn dinh dưỡng thì có đến 70% trẻ đến khám do biếng ăn. Trong số đó, rất nhiều bậc cha mẹ tìm đến các hiệu thuốc mua những sản phẩm giúp con ngủ ngon hơn, ăn nhiều hơn mà không qua lời khuyên của bác sĩ. Việc mua và bán thuốc dễ dàng trên đã kéo theo một bộ phận không nhỏ các bà mẹ cho con mình uống thuốc bổ sung như một phản ứng dây chuyền thiếu cơ sở khoa học. Chưa kể việc ở nhà khi không có người lớn bên cạnh, các bé thường cầm nguyên chai thuốc “ngon, ngọt” uống hết một mạch, vượt quá những điều trong chỉ dẫn.
Việc biếng ăn, chậm tăng trưởng ở trẻ có nhiều nguyên nhân. Vì vậy, khi trẻ biếng ăn, thấp, còi các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa dinh dưỡng để tìm ra giải pháp tốt nhất cho trẻ, không nên tự động mua thuốc biếng ăn để tiền mất, tật mang.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo