Quốc tế

Hé lộ "chiến lược" của Nga khi rút quân khỏi Syria

(DNVN) - Có thể nói, lần rút quân tại Syria của Nga là lần rút quân đầy chiến lược của ông Putin khi vừa giữ được cục diện trên chiến trường, vừa tránh được sa lầy chiến tranh.

Tin tức trên báo Infonet, quân đội Nga bắt đầu rút quân khỏi Syria trong ngày 15/3. Động thái này diễn ra vào thời điểm cuộc đàm phán hòa bình diễn ra tại Geneva và đã gây bất ngờ đối với nhiều quốc gia cùng các bên liên quan.

Sau khi hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và giúp quân đội chính phủ giành lại thế chủ động trong cuộc nội chiến, giờ đây Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đang gây sức ép đối với đồng minh lâu năm của mình nhanh chóng chấp nhận hiệp ước hòa bình với phe đối lập.

Lực lượng không gian vũ trụ Nga tham gia diệt khủng bố ở Syria. Ảnh: Sputnik.

Trong ngày 15/3, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định rằng “các binh sĩ đang đưa các thiết bị, các loại phương tiện quân sự cùng nhiều vật dụng khác lên các máy bay vận tải”. Nhưng một số khí tài quân sự quan trọng vẫn ở lại. Theo một quan chức cấp cao của Nga, Moscow có ý định để lại các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 tại Syria.

Điều này có nghĩa là Nga vẫn tiếp tục kiểm soát vùng không phận Syria và có thể ngăn chặn các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê út và thậm chí là Mỹ thành lập một vùng cấm bay tại một số khu vực trong lãnh thổ Syria.

“Chúng tôi sẽ không mất cảnh giác”, Ngoại trưởng Nga Sergei Ivanov trả lời giới báo chí. “Chúng tôi sẽ xem xét đẩy mạnh cuộc chiến. Nhưng hiện tại chúng tôi không cần đến phương án mà chúng tôi đang thực hiện”. Ngoài các loại vũ khí quan trọng, các cố vấn quân sự của Nga đang hợp tác với quân đội chính phủ Syria cũng sẽ ở lại quốc gia này.

Theo các chuyên gia quân sự, việc Nga bất ngờ rút quân khỏi Syria nằm trong chiến lược của Nga. Bởi, quân đội Nga đã đạt được mục tiêu xuất quân ban đầu của họ - bảo vệ chính quyền Syria không bị lật đổ. Báo Viet Times thông tin.

Trước khi Nga phát động chiến dịch không kích, chính quyền tổng thống Bashar al-Assad ở bên bờ vực thẳm, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, Nga có nguy cơ bị đẩy ra rìa các sự vụ Trung Đông một cách triệt để. Với khẩu hiệu đưa quân sang Syria vì mục tiêu chống khủng bố, sau hơn hai tháng không kích kịch liệt, Nga đã tạm thời đứng vững ở Syria, xoay chuyển được cục diện bất lợi trước đó. 

 

Trong bối cảnh lực lượng phe đối lập phải đối lập với các đợt tấn công nặng nề của quân đội Nga, hiện tại quân đội chính phủ duy trì hiện trạng về mặt quân sự đã không còn là điều khó khăn, do đó, quân đội Nga đã có thể rút khỏi chiến trường.

Song song với đó, do mục tiêu của Nga chưa bao giờ là “thu hồi toàn bộ lãnh thổ” cho chính quyền tổng thống Bashar al-Assad, mà là phát huy độ ảnh hưởng của nước Nga, với tiền đề cục diện có lợi cho Nga, thúc đẩy giải quyết vấn đề Syria.

 Với cục diện chiến trường như hiện tại, từ đầu năm 2016 đến nay, quân đội chính phủ đã bao vây thành phố quan trọng Aleppo thuộc miền Bắc Syria, tuy nhiên việc chiếm lại thành phố Aleppo vẫn còn một khoảng cách nhất định.

Một khi Aleppo thất thủ, cục diện nội chiến ở Syria sẽ thay đổi hoàn toàn, đây cũng là mồi lửa trực tiếp khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi “đứng ngồi không yên”. Tuy nhiên, nước cờ mà Nga tính toán không nằm ở đó, dừng chân ngoài thành Aleppo, đồng thời thúc đẩy các bên tham chiến tại Syria tham gia vào vòng đàm phán hòa bình mới là phương thức phù hợp nhất với mục tiêu chiến lược của nước Nga.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine vẫn chưa kết thúc, bản thân nước Nga vừa không muốn đi vào vết xe đổ của cuộc chiến tranh Afghanistan, vừa không muốn tiếp tục gây bất hòa với phương Tây. Do đó, trên cơ sở giữ được thành quả đã đạt, Nga cần hợp tác với phương Tây để giành được nhiều lợi ích hơn.

 

Còn nếu Nga tiếp tục ở lại Syria sẽ gây ra chuỗi phản ứng dây chuyền  trong cộng đồng quốc tế, không những khiến cho mâu thuẫn với những người theo dòng Hồi giáo Sunni hằn sâu hơn, để Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi tiếp tục nhòm ngó và muốn nhảy vào Syria, mà còn khiến Mỹ và châu Âu tiếp tục tăng quân. Rút quân là để dập tắt cục diện leo thang không cần thiết, để sự căng thẳng trong khu vực giảm tới mức thấp nhất.

Rõ ràng là Nga không thể đủ sức để duy trì hoạt động lâu dài ở cả hai chiến trường Ukraine và Syria, tình hình kinh tế ảm đạm của nước Nga hiện nay chắc chắn cũng phải là một nhân tố quan trọng mà Tổng thống Putin buộc phải xem xét. 

Tuy nhiên, với phong cách cầm quyền của ông Putin, có lý do để tin rằng, nếu lợi ích chiến lược của Nga tại Syria chưa được đảm bảo ở mức căn bản, kể cả phải chịu nhiều tổn thất về kinh tế thì chắc chắn Nga cũng sẽ không rút quân.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo