Hết hơi bởi thuốc gầy, thuốc béo
Khoẻ không thấy
Anh Vũ Đức V, 28 tuổi (Hà Đông, Hà Nội) vốn là một nhân viên văn phòng. Do công việc an nhàn, tĩnh tại, cộng với chế độ dinh dưỡng thiếu kiểm soát nên khối lượng cơ thể anh chẳng mấy chốc tăng nhanh. Cạp quần anh thì liên tục phải nới ra và anh phải thay thắt lưng xoành xoạch.
Dáng thì nặng nề, mệt mỏi, còn trẻ mà chậm chạp nên anh quyết định giảm cân. Nhưng do thời gian không có nhiều lại hay phải làm thêm nên anh không có thời gian tập thể dục. Khi nghe quảng cáo từ những nhà cung cấp thực phẩm chức năng anh thực sự bị cuốn hút.
Và anh quyết định dùng thử sản phẩm. Nghĩ là làm liền, anh V. hỏi thăm mấy người quen rồi gọi cho nhân viên kinh doanh thực phẩm chức năng hãng H.b. Trước mắt anh là một màn chào hỏi quá “hot”.
Một người mảnh mai, dáng chuẩn đến không thể chuẩn hơn, bước ra giới thiệu về bản thân và nói trước đây từng béo hơn cả sumo. Vậy mà sau khi dùng thực phẩm chức năng giảm cân của hãng H.b, hiệu nghiệm được như bây giờ với cơ thể “chuẩn không cần chỉnh”.
Anh V. mua ngay một thùng và làm theo đúng như hướng dẫn của nhân viên bán hàng. Uống 2 gói/ngày, hoà tan trước khi uống. Kèm theo là uống thật nhiều nước và một viên bổ sung bé như viên con nhộng. Nhưng hỡi ôi, kỳ vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu. Người bán hàng nói sẽ giảm được 5kg trong 1 tuần.
Thực đúng là như thế nhưng sau khi mất 5kg thì anh phải vô phòng khám tư để truyền dịch vì quá mệt và bơ phờ. Sau ngày đầu tiên thực hiện liệu pháp giảm cân, anh bị tiêu chảy như vừa dùng thuốc xổ. Đến ngày thứ hai thì anh thấy mệt rã rời. Sau ngày thứ 3 thì đầu óc choáng váng, da khô, môi khô, chẳng thiết làm việc. Được đúng 1 tuần, anh V. phải đi cấp cứu vì mệt lả.
Theo bác sỹ Phúc Hưng (Học viện Quân Y), anh V. không biết rằng thực chất thực phẩm chức năng giảm cân mà anh sử dụng chỉ là một loại thuốc nhuận tràng siêu mạnh dạng như thuốc xổ. Chúng làm mất nước và mất muối mạnh khiến cho anh mệt ra rời và phải đi truyền dịch bổ sung.
Mục tiêu của loại “thực phẩm chức năng” này là anh V. ăn bao nhiêu, ra bất nhiêu, thế là gầy!
Tuy nhiên, thị trường hiện nay đang rất sẵn thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng “thần kỳ”, từ thực phẩm chức năng giúp trẻ hoá, cân bằng hormone giúp cải thiện hệ sinh dục, thực phẩm chức năng giúp gầy thành béo, béo trở lại gầy, tốt da, đẹp tóc...
Chính việc quảng cáo khó kiểm soát (chủ yếu qua quảng cáo truyền miệng thông qua thành viên hệ thống bán hàng đa cấp, tờ rơi tờ gấp không phép) đã khiến nhiều người tiêu dùng tiền mất tật mang. Mánh khoé của người kinh doanh những loại thực phẩm chức năng này là vẽ ra những tác dụng ghê gớm của sản phẩm, có kèm theo ví dụ trực quan để người dùng bị thuyết phục.
Ví dụ như tạo ra các bức thư cảm ơn của người bệnh A, B, có kèm ảnh và số điện thoại. “Người thật việc thật” như thế nên người bệnh tin ngay, lúc đó việc của các tư vấn viên chỉ còn là đút tiền vào túi.
Coi chừng giảm thọ
Bản chất của giảm cân siêu tốc là làm mất nước và muối trong cơ thể, làm giảm cân nhờ vào làm mất nước mà không làm thay đổi cấu trúc và số lượng các tế bào mỡ, vốn là bản chất của thừa cân. Điều này khiến việc dùng thực phẩm chức năng giảm cân siêu tốc thực sự không đem lại một lợi ích nào cho cơ thể mà ngược lại, chỉ đem lại các nguy cơ nhiều hơn chúng ta tưởng.
Theo bác sỹ Phúc Hưng, sự mất nước và muối đột ngột do thực phẩm chức năng là do tác dụng của thuốc nhuận tràng dạng thuốc xổ. Chúng làm tăng tốc độ lưu thông của thực phẩm trong ruột, kéo nước và muối từ máu vào lòng ruột. Hậu quả là người dùng tiêu chảy “tuồn tuột”, cơ thể bị rối loạn cân bằng nước khiến da khô, môi khô, tế bào bị tổn thương.
Mức độ nặng hơn có thể làm cho tế bào teo lại. Trong khi đó, việc mất muối sẽ làm rối loạn cân bằng điện giải, làm thay đổi áp suất thẩm thấu, rối loạn hoạt động thần kinh cơ và các cơ quan, người dùng sẽ thấy rất mệt và gần như không còn sức lực.
Ngoài biến cố trên, dùng những thực phẩm chức năng dạng này còn gây ra thiếu hụt dinh dưỡng đột ngột. Việc này tương đương như việc tuyệt thực toàn bộ. Cơ thể sẽ bị rối loạn chuyển hoá Việc giảm cân siêu tốc bằng thực phẩm chức năng không làm thay đổi chuyển hoá mỡ, không làm thay đổi những mảng vữa xơ vốn là hậu quả của béo phì.
Mà chỉ nó làm giảm khối lượng nước tạm thời mà thôi. Và như vậy, đương nhiên, những mục tiêu tốt đẹp cho sức khoẻ của việc giảm cân không đạt được. Mà ngược lại, còn rất nguy hiểm.
Trong thời gian gần đây, nhiều người dùng còn tin tưởng loại “thuốc béo” giúp tăng cân nhanh, theo một số người từng dùng thuốc béo ở Hà Nội, trước đây thuốc béo có nguồn gốc Thái Lan được xách tay về Hà Nội sau khi quá cảnh tại Lào.
Đặc điểm của sản phẩm này là giúp người dùng ăn ngon, thậm chí mức độ dung nạp thực phẩm gấp 4-5 lần bình thường, ngủ tốt, lên cân nhanh chỉ sau 1-2 tuần dùng thuốc.
Tuy nhiên, sau khi ngừng thuốc, họ lại bị chán ăn, mệt mỏi và phải tiếp tục dùng thuốc, tình trạng này cứ lặp đi lặp lại. Gần đây, một loại “thuốc béo” như vậy có tên là Tăng Phì hoàn, xuất xứ Malaysia nhưng chưa có giấy phép nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam cũng được khá nhiều người tin dùng do có thể giúp tăng 2-4 kg sau khi uống 60 viên Tăng phì hoàn này.
Theo các chuyên gia, rất cần cảnh giác với loại thuốc tăng cân siêu tốc này, do có thể sản phẩm chứa corticoid, một hoạt chất có tác dụng giữ nước, cơ thể béo giả tạo và tác dụng phụ nghiêm trọng là gây giòn xương và ảnh hưởng chức năng gan.
“Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hai sai sót thường thấy trong quảng cáo thực phẩm chức năng gần đây là quảng cáo không phép và quảng cáo quá mức cho phép. Các sai sót trong quảng cáo thực phẩm chức năng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số vi phạm nói chung về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để tránh mua/dùng phải những sản phẩm không phù hợp với sức khoẻ, người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm đã công bố tiêu chuẩn chất lượng tại cơ quan chức năng, đồng thời đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, xem liều dùng, công dụng, đồng thời khảo sát kỹ về giá cả, nếu không bạn có thể bị “hớ” vì các hướng dẫn tác dụng trên mây của tư vấn viên thực phẩm chức năng.
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hiện tại Việt Nam đã có khoảng 3.700 loại thực phẩm chức năng được công bố tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm này hỗ trợ điều chỉnh 26 chức năng của cơ thể, như hỗ trợ chức năng gan, tiêu hoá, trí nhớ, bổ sung vitamin...
Thực phẩm chức năng là thành tựu của khoa học kỹ thuật, rất phù hợp với xu thế tiêu dùng trong điều kiện công việc bận rộn như hiện nay. Tuy nhiên, các quảng có quá mức hiện tại đang làm mất đi hình ảnh của thực phẩm chức năng, khiến người tiêu dùng có thể nghi ngờ ngay cả với sản phẩm có tác dụng và chất lượng.
Theo ông Phong, điều này rất nguy hiểm bởi nếu cứ quảng cáo quá mức mãi, người dân mất niềm tin vào thực phẩm chức năng thì đó cũng là một xu thế hoàn toàn không phù hợp và việc phản tác dụng là một nguy cơ hiển hiện.
Theo VTC
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo