Canada cần đặt thị trường Việt Nam vào vị trí ưu tiên thúc đẩy quan hệ
Không quá kỳ vọng đến tác động của CPTPP và EVFTA / Thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện của Việt Nam trong bối cảnh mới
Đó là phát biểu được ông Douglas Kennedy, Trưởng đại diện của Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) tại Trung tâm Doanh nghiệp Toàn cầu, đưa ra ngày 4/12 tại một diễn đàn cung cấp thông tin và kết nối đại diện thương mại của các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với lãnh đạo các doanh nghiệp Canada, cùng các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Canada vươn ra thị trường quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Canada, ông Kennedy cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng mạnh và bền vững, nhân tố có thể đưa Việt Nam lọt Top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050, so với vị trí thứ 32 hiện nay. Việt Nam và Canada có thể bổ sung cho nhau về kinh tế, cũng như về nhân khẩu học.
Canada, quốc gia duy nhất trong Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) có thỏa thuận thương mại với toàn bộ các nước thành viên G7 khác, sẽ tạo nền tảng để các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập thị trường G7. Trong khi đó, Việt Nam là cửa ngõ để Canada vào thị trường ASEAN. Ông Kennedy nhấn mạnh Canada cần chú trọng hơn vào khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Trong khi đó, bà Nguyễn Đài Trang, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam, cho biết kể từ khi CPTPP có hiệu lực, ngày càng nhiều doanh nghiệp Canada muốn kết nối và trao đổi với Việt Nam. Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam kể từ khi được thành lập vào năm 2010 đến nay đã tổ chức nhiều sự kiện như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2011, 2015 và 2017, Hội thảo Đầu tư Thái Nguyên 2012, Đà Nẵng 2018 và Thành phố Hồ Chí Minh 2019, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp hai nước có thêm thông tin, tìm hiểu thị trường để hợp tác, đầu tư.
Giới chuyên gia khẳng định CPTPP đem đến cho các doanh nghiệp Canada cơ hội mở rộng hoạt động tại một số nền kinh tế năng động nhất thế giới và đây là thời điểm các doanh nghiệp Canada cần vươn ra ngoài biên giới quốc gia để được hưởng lợi từ việc tiếp cận ưu đãi với 500 triệu người tiêu dùng ở 11 quốc gia thuộc 4 châu lục. Việt Nam đang được đánh giá là điểm sáng trên bản đồ CPTPP và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Canada.
Dự báo, trong năm 2019, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong khối ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 của “xứ sở lá phong” tại châu Á, sau Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,2 tỷ USD.
CPTPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa Canada với 10 quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gồm Australia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiện CPTPP đã có hiệu lực tại Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Việt Nam. Không có sự tham gia của Mỹ, 11 nước thành viên CPTPP vẫn chiếm khoảng 13% GDP của thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo