CPTPP mãi mãi chỉ là cơ hội nếu…
Chúng ta đã đi qua 6 tháng đầu tiên của quá trình thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Liệu các ngành sản xuất, xuất khẩu có thể vượt qua những trở ngại trong quá khứ để bứt phá mạnh mẽ khi tận dụng CPTPP?
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường CPTPP: Đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe / CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam: Từ ngày 14/1/2019, đơn giản hóa thủ tục khai nguồn gốc xuất xứ sản phẩm
Bài học từ việc thực hiện 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có của Việt Nam những năm qua cho thấy chúng ta có nhiều lý do để lo lắng, rằng những cơ hội này mãi vẫn chỉ là cơ hội. Bởi lẽ, các FTA đang có cũng từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được cho đến nay vẫn còn khiêm tốn. CPTPP là FTA thế hệ mới lớn nhất, tiêu chuẩn cao nhất và có mức độ tự do hóa sâu rộng nhất, nên cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng lớn hơn, và điều kiện để hiện thực hóa càng không đơn giản.
Sức ép lớn của CPTPP đòi hỏi phải thay đổi toàn diện, nếu không mãi mãi chỉ là cơ hội.
Cơ hội cho cộng đồng DN ai cũng thấy
Tóm lại DN đang đứng trước những cơ hội tăng doanh thu và lợi nhuận. Vì trong bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới diễn biến phức tạp, dòng chảy thương mại đầu tư bị tác động biến dạng ở nhiều nơi, nhiều chỗ, những cơ hội này càng có ý nghĩa hơn với DN Việt Nam.
Với việc 6 thị trường xuất khẩu hấp dẫn trong CPTPP loại bỏ 78-95% dòng thuế cho hàng hóa Việt Nam, tức 8.000-9.000 loại sản phẩm được hưởng mức thuế ưu đãi 0%, đã tạo cho DN xuất khẩu lợi thế đặc biệt trong cạnh tranh với các đối thủ đến từ các nước khác chưa có FTA.
Tiếp đến là cơ hội từ cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường dịch vụ trong CPTPP, đặc biệt các dịch vụ hỗ trợ sản xuất như logistics, tài chính, bảo hiểm… sẽ giúp DN sản xuất lựa chọn và sử dụng các dịch vụ có chất lượng tốt hơn, với giá cả cạnh tranh hơn. Điều này rất có ý nghĩa cho DN sản xuất, khi chi phí dịch vụ hàng hóa hiện đang phải “cõng” rất nặng nề.
Vượt ra ngoài những lợi ích về kinh tế và thể chế, CPTPP còn có thể là con đường để chúng ta đi tới đích phát triển bền vững. Các yêu cầu quy tắc tiêu chuẩn cao của CPTPP về môi trường, phòng chống tham nhũng… chắc chắn sẽ khiến DN mất thêm chi phí tuân thủ, nhưng sẽ mang lại cái được to lớn cho uy tín và thương hiệu hàng hóa “made in Vietnam” trong mắt người tiêu dùng thế giới.
Nhưng vướng 2 rào cản lớn
Nhưng vướng 2 rào cản lớn
Nhìn vào con số chỉ 39% kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường đã có FTA tận dụng được ưu đãi thuế quan của năm 2018, chúng ta vui mừng vì đây đã là bước tiến đáng kể so với những năm trước. Nhưng chúng ta càng sốt ruột hơn khi qua nhiều năm thực thi, phân nửa lợi ích thuế quan kỳ vọng từ các FTA vẫn đang vuột khỏi tay DN và người dân Việt Nam.
Thực tế, hiện có 2 rào cản đang níu kéo sản xuất, xuất khẩu tận dụng cơ hội, khiến DN khó hiện thực hóa các cơ hội từ các FTA nói chung và CPTPP nói riêng.
Thứ nhất, khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan. Với không ít ngành xuất khẩu mũi nhọn lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các khu vực lãnh thổ không thuộc CPTPP, đang là điểm yếu cốt tử ngăn cản DN hiện thực hóa cơ hội thuế quan.
Nhiều năm trước, đây vốn chỉ là vấn đề đau đầu của những ngành truyền thống như dệt may, da giày, nhưng nay cả những ngành vốn có thế mạnh nguồn nguyên liệu như chế biến thủy sản, hạt điều… cũng bắt đầu phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trong nước.
Chúng ta cũng đã nhận diện khá nhiều giải pháp. Thí dụ, đối với dệt may, da giày là phát triển ngành dệt nhuộm, thuộc da; phát triển vùng nguyên liệu; tăng giá trị các khâu trên đáy như thiết kế, phân phối trong “đường cong nụ cười” lợi nhuận...
Nhưng những hành động quyết liệt để triển khai các giải pháp này trên thực tế lại vắng bóng. Hoặc có hành động thật nhưng thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, ràng chân buộc tay DN.
Thí dụ, một bên khuyến khích đầu tư công nghiệp dệt nhuộm vào địa phương, nhưng một bên lại áp dụng các yêu cầu ngặt nghèo quá mức cần thiết về tiêu chuẩn nước thải, các thủ tục liên quan tới cơ sở hạ tầng rườm rà và tốn kém…
Thứ hai, khả năng vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (TBT-SPS) để thực sự bước chân vào các thị trường xuất khẩu hấp dẫn nhưng rất kỹ tính. Chúng ta đều biết thuế quan chỉ là một phần thách thức trong xuất khẩu hàng hóa, TBT-SPS và những hàng rào phi thuế khác có khi lại là phần lớn hơn của thách thức xuất khẩu.
Thậm chí với hàng rào thuế quan, nếu có cao DN dù chật vật nhưng nếu nỗ lực vẫn có thể vượt qua. Trong khi đó, với các tiêu chuẩn về hóa chất, nguồn gốc hợp pháp, dư lượng kháng sinh, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, thậm chí yêu cầu đơn giản về cách thức ghi nhãn, đóng bao bì… của các thị trường xuất khẩu, DN không có lựa chọn, hoặc là đáp ứng đúng và đủ, hoặc không thể vào thị trường - không có thương lượng, cũng không thể thay đổi, chỉ có thể tuân thủ.
Nếu không thay đổi,mãi mãi vẫn là cơ hội
Nếu không thay đổi,mãi mãi vẫn là cơ hội
Ứng phó với những hàng rào trên trước hết vẫn là chuyện của DN. Mỗi DN phải tìm hiểu các yêu cầu TBT-SPS của thị trường xuất khẩu, điều chỉnh chuỗi sản xuất để đáp ứng yêu cầu, duy trì hệ thống giám sát nội bộ đối với từng khâu và từng sản phẩm cuối cùng. Nhưng có những việc từng DN khó làm, thậm chí không làm được.
Chẳng hạn đàm phán và hợp tác kỹ thuật để có được visa nhập khẩu từng loại trái cây Việt vào một thị trường; thực hiện quy trình tiền kiểm đối với nông thủy sản trước khi xuất khẩu; tập hợp, cập nhật và phổ biến thông tin về các loại TBT-SPS đối với từng loại hàng hóa, ở từng thị trường, theo từng thời điểm, để DN có nguồn tra cứu tin cậy và đầy đủ… là những việc DN tự thân khó có thể làm được.
Trong khi đó, các cơ quan nhà nước đã có những nỗ lực nhất định, nhưng chừng đó chưa đủ. Thực tế đâu đó vẫn có tình trạng “tự mình làm khó mình”, bằng các yêu cầu TBT-SPS đối với hàng xuất khẩu vượt quá mức yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Chẳng hạn vẫn tồn tại những hiện tượng bất hợp lý, độc quyền hay tiêu cực trong quá trình tiền kiểm hàng xuất khẩu. Còn DN vẫn đang tự mình loay hoay góp nhặt thông tin về các biện pháp TBT-SPS ở các thị trường, ít khi nhận được thông tin từ các cơ quan nhà nước liên quan.
Quy tắc xuất xứ và hàng rào TBT-SPS chỉ là 2 trong số nhiều câu chuyện DN sản xuất, xuất khẩu phải đối mặt khi hội nhập hay tận dụng cơ hội từ các FTA trước đây và với CPTPP hôm nay. Còn nhiều câu chuyện khác như chi phí logistics quá cao (xấp xỉ 20% GDP); cơ sở hạ tầng vừa thiếu vừa yếu; chất lượng nguồn nhân lực chưa đủ đáp ứng nhu cầu, năng suất lao động thấp (chỉ bằng 7% của Singapore, thua Lào); thủ tục hành chính dù cải thiện nhưng vẫn còn muôn vàn những bất cập trong thực tế thực thi…
Tất cả những điều này ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới năng lực cạnh tranh của DN, và tất nhiên tác động tức thời tới tình hình kinh doanh và khả năng bứt phá tận dụng cơ hội CPTPP nói riêng và hội nhập nói chung của DN xuất khẩu.
Thực trạng trên đều đã được ghi nhận, những tác nhân gây ra cũng đã được gọi tên, thậm chí các giải pháp đã được tính tới. Mặc dù vậy, dường như chuyển biến còn quá mờ nhạt. Đây là sức ép lớn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi toàn diện.
Theo đó, cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, giải phóng sức sáng tạo và mở ra cơ hội lợi nhuận cho hơn 500.000 DN, hàng triệu hộ kinh doanh cũng như cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động và cả nền kinh tế.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN: CPTPP-nhiều DN còn mơ hồ Được đánh giá là một trong những ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP chính thức có hiệu lực, thuế quan vào các thị trường lớn của ngành gỗ như Nhật Bản giảm mạnh, cũng như cơ hội khai thác những thị trường mới như Canada, Chile, Peru… vì các thị trường này cũng từng bước giảm thuế. Song cho tới nay chúng tôi cũng chưa có một đánh giá tổng quát nào liên quan đến việc CPTPP có hiệu lực thì ngành gỗ sẽ tăng trưởng ra sao. Đã nửa năm trôi qua từ thời điểm ngày 14-1-2019, nhưng nhiều DN chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ về CPTPP, chưa có nhận thức sâu sắc về những cam kết của Việt Nam với những nước thành viên. Hiện chúng tôi vẫn đang tự mình tìm hiểu thông tin, phổ biến với các hội viên và khuyến khích hội viên tự tìm hiểu thêm. Hiệp hội cũng kỳ vọng từ nay đến cuối năm sẽ tổ chức được nhiều chương trình phổ biến thêm thông tin cho hội viên, đồng thời có kế hoạch tận dụng tốt hơn trong những năm tiếp theo. Trên thực tế để có thể thực sự hưởng lợi từ CPTPP DN cần vượt qua một vài thách thức lớn. Thứ nhất, khai thác thị trường mới nói thì dễ nhưng thực hiện không hề đơn giản. Muốn tìm được đối tác phải hiểu thị trường đó như thế nào, thị hiếu ra làm sao… mà đã tìm hiểu thì không thể trong một sớm một chiều. Thứ hai chính là sức ép từ nguyên liệu, các quốc gia trong CPTPP đều đòi hỏi rất cao về tính pháp lý của nguồn gốc gỗ nguyên liệu cũng như chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Nếu không thận trọng chúng ta cũng khó để hưởng lợi. Song cũng có một tín hiệu vui là một số nước trong CPTPP có tiềm năng lâm nghiệp lớn, nên DN Việt Nam có thể khai thác nhập khẩu nguyên liệu đảm bảo chất lượng và tính hợp pháp để phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM: EVFTA - nút thắt từ xuất xứ Việc Việt Nam và EU ký kết hiệp định thương mại tự do (EVFTA) cũng là một bước quan trọng để từng bước thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có mặt hàng dệt may. EU là thị trường lớn thứ 2 của ngành với mức tăng trưởng hàng năm 7-10%, chỉ đứng sau Mỹ. Năm 2018, dệt may Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4 tỷ USD sang thị trường EU. Tuy nhiên, việc gia tăng xuất khẩu sang EU sẽ khó đến nhanh vì các hiệp định thương mại tự do thường có độ trễ, đồng thời cam kết giảm thuế của EU sẽ từ 5-7 năm. Bên cạnh đó, để hưởng được những ưu đãi về thuế DN Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu về xuất xứ. Tuy những quy định về quy tắc xuất xứ để dệt may được hưởng ưu đãi thuế trong Hiệp định EVFTA dễ thở hơn nhiều so với quy định trong CPTPP (nếu CPTPP quy định quy tắc xuất xứ phải từ công đoạn “từ sợi trở đi” mới được ưu đãi, thì EVFTA bắt đầu từ công đoạn vải trở đi), nhưng hiện nay chúng ta cũng chưa đáp ứng được nhiều. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư trong nước lâu nay chưa quan tâm đến sản xuất vải, do chưa có nguồn đầu ra tốt nên nếu không cẩn trọng trong đầu tư có thể bị lỗ. Thêm vào đó, các nhà nhập khẩu trước đây cũng chưa quan tâm đến việc khai thác các nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của châu Âu, chẳng hạn như vải sản xuất áo gió hiện nay chủ yếu vẫn nhập từ Trung Quốc. Trước thách thức này sẽ có 2 hướng giải quyết, một là hướng các đối tác nhập khẩu từ châu Âu quan tâm đến các loại vải khác có xuất xứ từ Việt Nam, hoặc từ các nước có FTA với châu Âu như Hàn Quốc. Hai là chúng ta cũng có thể kỳ vọng vào việc tăng đầu tư vào sản xuất vải của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Đài Loan khi EVFTA được ký kết. |
Theo saigondautu.com.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo