FTA thế hệ mới và cơ hội đối với Việt Nam
Nhật Bản ủng hộ Thái Lan sớm gia nhập Hiệp định CPTPP / Doanh nghiệp được áp dụng hồi tố thuế suất nếu tuân thủ các điều kiện của CPTPP
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Đà Nẵng. Trong ảnh: Bốc xếp container hàng hóa tại cảng Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN
Trong những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có bước phát triển mới cả về chiều rộng và chiều sâu. Việt Nam tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó có 12 FTA đã có hiệu lực. Việt Nam đã chủ động hơn trong việc tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định ngoài khuôn khổ của thành viên ASEAN như trước đây. Mức độ cam kết trong các hiệp định cũng ngày càng sâu rộng hơn.
Với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao nhất trong số các FTA trước đây của Việt Nam, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Tác động của EVFTA
Về tăng trưởng kinh tế, theo nghiên cứu gần đây của Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (MUPTRAP, 2017) cho thấy Hiệp định EVFTA sẽ mang lại tác động tích cực tới GDP của Việt Nam. Tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm lũy tiến 2,5%; 4,6% và 4,3% tương ứng vào năm 2020, 2025 và 2030 (giả định Hiệp định có hiệu lực từ năm 2020) so với trường hợp không có Hiệp định. Tính trung bình, GDP tăng thêm mỗi năm 5,3 tỷ USD, tương đương với 0,34 điểm %. Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Về thương mại, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh, song lợi thế bổ trợ thương mại đang có xu hướng giảm dần vì vậy tiềm năng mở rộng thị trường sang EU sẽ có xu hướng giảm. Mặc dù vậy, EVFTA có tác động tích cực tới kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang EU.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm lũy tiến khoảng 20% vào năm 2020 và 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với kịch bản không có Hiệp định EVFTA. Tác động của Hiệp định tới tổng xuất khẩu của Việt Nam tăng lần lượt 3,1%; 5,7% và 5,6% tới các năm 2020, 2025 và 2030. Như vậy có đến 74-76% xuất khẩu tăng thêm sang EU là do việc chuyển hướng từ các thị trường khác.
Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Nhập khẩu của Việt Nam từ EU sẽ tăng nhanh do mức thuế quan hiện nay Việt Nam đang áp dụng với hàng nhập khẩu của EU đang ở mức cao. Tuy nhiên, gia tăng nhập khẩu sẽ không tập trung vào thời điểm ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vì Việt Nam có lộ trình xoá bỏ thuế dài, từ 7-10 năm.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF, 2019), nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 15,28% vào năm 2020, hơn 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào 2030. Cũng như xuất khẩu, tác động của chuyển hướng nhập khẩu chiếm tỉ trọng lớn, vì tác động của Hiệp định tới tổng nhập khẩu là tương đối thấp, chỉ tăng 3,2% vào năm 2020, 6,1% vào các năm tương ứng.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong trung và dài hạn, dòng vốn FDI vào Việt Nam là nhân tố khiến xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhất, tiếp đến là tác động của việc cắt giảm thuế và giảm các hàng rào phi thuế quan, và sự cải thiện năng suất. Hiện nay chưa tính được con số chính xác về FDI tăng thêm từ tác động của EVFTA. Tuy nhiên, kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện Hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư.
Về chất lượng đầu tư, với Hiệp định EVFTA, các đối tác đầu tư có nguồn gốc từ các nước phát triển sẽ có xu hướng tăng, do Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa cũng như dịch vụ cho các doanh nghiệp EU. Cơ cấu lĩnh vực đầu tư cũng có thể thay đổi khi Việt Nam thu hút được các đối tác đầu tư mới và các lĩnh vực thu hút đầu tư được mở rộng.
Với Hiệp định EVFTA, cơ cấu dòng vốn FDI vào lĩnh vực dịch vụ có thể tăng (do mức độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên, đặc biệt là dịch vụ kinh doanh, dịch vụ môi trường, dịch vụ bưu chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển), bên cạnh đó là những lĩnh vực đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thể tăng như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Tác động của CPTPP
Kết quả đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam cho thấy, CPTPP về tổng thể có lợi cho Việt Nam. Việc cắt giảm thuế quan sẽ có tác động mở rộng xuất khẩu, tạo thêm việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đối với thu ngân sách và đầu tư, mức ảnh hưởng của Hiệp định không lớn do thuế nhập khẩu hiện đang chiếm tỷ trọng ít. CPTPP cũng sẽ có những tác động khác nhau tới các ngành; trong đó ngành dệt may và da giày được dự báo sẽ được hưởng lợi lớn nhất trong khi ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn do năng lực cạnh tranh yếu.
Về tăng trưởng GDP, CPTPP có tác động tích cực đến tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam dù mức độ không lớn như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (2017), do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD (trong TPP, con số này là khoảng 6,7%). Tác động này có thể sẽ lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ (2,01%).
Về thương mại, nhờ cắt giảm thuế quan, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm về kim ngạch xuất khẩu trên 4% (tương đương 4,09 tỷ USD) so với trường hợp không có CPTPP. WB (2018) cũng cho rằng xuất khẩu của Việt Nam tăng 4,2% tính đến năm 2030, trong trường hợp giả định năng suất bình thường và 6,9% với giả định kích thích tăng năng suất.
Trong khi đó, mức độ nhập khẩu tăng thêm do CPTPP từ các nước trong khối là không lớn, việc tăng nhập khẩu chủ yếu từ các nước ngoài CPTPP (tăng thêm 3,8%, chiếm 83% tổng nhập khẩu tăng thêm). Như vậy, nếu Việt Nam tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu như một số nước hiện nay (Trung Quốc, Hàn Quốc) thì Việt Nam có thể không được hưởng lợi nhiều do quy định nguồn gốc xuất xứ trong CPTPP.
Về đầu tư, Hiệp định CPTPP sẽ gia tăng cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam nhờ các các cam kết toàn diện về đầu tư, về sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp, thương mại điện tử sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư. Mặc dù vậy, các phân tích cho thấy tự do hóa và cải thiện môi trường đầu tư từ CPTPP có thể tác động không đáng kể tới luồng đầu tư, do: bản thân môi trường đầu tư của Việt Nam đã cải thiện tích cực trong thời gian qua, nhờ sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (2014); các đối tác đầu tư lớn trong CPTPP (Australia, Nhật Bản, Singapore) đều đã tham gia các FTA với Việt Nam; trong đó, các cam kết về đầu tư đã được mở rộng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tính toán cho thấy tác động của tự do hóa đầu tư trong CPTPP tới tăng trưởng của Việt Nam ở mức thấp nhất trong số 11 nước CPTPP (0,003 điểm %), tương tự với Nhật Bản, Chile (cao nhất là Malaysia và Singapore).
Những ngụ ý chính sách
Nhìn chung, các nghiên cứu đánh giá tác động của EVFTA và CPTPP đến kinh tế Việt Nam gần đây đều cho thấy việc tham gia và ký kết các Hiệp định FTA CPTPP và EVFTA sẽ mang lại tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, việc thực thi hai FTA này sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại thông qua các cam kết cắt giảm thuế quan và mở rộng thị trường, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và tăng cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ảnh minh họa: TTXVN
Nhờ các cam kết cao và toàn diện trên nhiều lĩnh vực, CPTPP và EVFTA có thể đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế của Việt Nam, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cải cách doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ và bảo vệ môi trường Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực, việc tham gia và thực thi các cam kết của EVFTA và CPTPP cũng sẽ đặt kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức. Những thách thức lớn nhất xuất phát từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam như hạn chế về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước; hệ thống các chính sách pháp luật còn thiếu, yếu và chồng chéo cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực hiện các cam kết; hạn chế trong hiểu biết và nhận thức của các doanh nghiệp và cộng đồng; các thách thức ngành.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động cho CPTPP (Quyết định 121/QĐ-TTg, 2019) với khá nhiều các giải pháp tổng thể. EVFTA chưa được phê duyệt của Quốc hội cả hai bên. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA cũng đang được bắt đầu thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhìn chung, các giải pháp chính sách đưa ra hiện nay là khá tổng hợp, đồng bộ. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần chú ý thêm một số giải pháp sau:
Một là: Tích cực phổ biến tuyên truyền về hai hiệp định này rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việc phổ biến tuyên truyền hiện nay vẫn đang thiếu những thông tin cụ thể, theo ngành (mặc dù cũng đã có một số sự kiện, kênh tuyên truyền riêng cho một số ngành cụ thể).
Hai là: Trong thời gian tới, cần chủ động sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã quy định của Hiệp định EVFTA. Cần khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để chủ động thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với Hiệp định EVFTA.
Ba là: Khẩn trương chuẩn bị các báo cáo đánh giá về tác động đầu tư (cả FDI và nội địa). Đây đang là những nội dung thiếu hụt trong các nghiên cứu, báo cáo hiện nay. Bên cạnh đó cần tiếp tục phân tích, tính toán về sự sẵn sàng của nhà nước và doanh nghiệp trên các góc độ nhu cầu hạ tầng đón nhận dòng FDI mới cũng như đầu tư của doanh nghiệp, cá nhân trong nước.
Bốn là: Nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Việt Nam cần kiên trì thực hiện các giải pháp cải cách về nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh như đã nêu trong các Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ. Bên cạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính để giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, điều quan trọng là Chính phủ cần thực hiện rà soát, sửa đổi toàn bộ các điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm là: Khẩn trương xây dựng báo cáo đánh giá tác động tiêu cực của EVFTA, CPTPP; trong đó chỉ rõ nhóm, ngành chịu nhiều tác động tiêu cực. Đồng thời, có các giải pháp tuyên truyền phù hợp, tránh tuyên truyền một chiều về các hiệp định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo