Hiệp định CPTPP

Hai năm thực thi CPTPP: Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường mới rất ấn tượng

DNVN - Xuất khẩu hàng hóa sang 2 thị trường châu Mỹ là Canada và Mexico có sự bật tăng mạnh mẽ trong 2 năm đầu tiên Hiệp định Đối tác Toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Đây cũng là 2 thị trường Việt Nam mới có hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hàn Quốc sẽ tích cực xem xét việc tham gia CPTPP trong năm nay / Chính phủ Anh thông báo sẽ gửi thư gia nhập CPTPP

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019 xuất khẩu sang 6 quốc gia đã phê chuẩn CPTPP (gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Canada và Mexico) đạt 34,3 tỷ USD, tăng 8,1%. Canada, Mexico là 2 nước lần đầu tiên chúng ta có quan hệ FTA nhưng đạt mức tăng trưởng rất cao, lần lượt tăng 29% và 26,2%. Với các nước còn lại, vì Việt Nam đã đang thực thi các FTA khác nên tác động từ CPTPP không rõ rệt. Đơn cử, với Nhật Bản, New Zealand mức tăng trưởng là 8%, Singapore 0,3%.
Tuy nhiên, đến năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất khẩu sang 6 quốc gia duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD.

Ảnh minh họa.

Đáng chú ý trong bản đồ xuất khẩu sang thị trường CPTPP, Canada, Mexico là 2 nước lần đầu tiên chúng ta có quan hệ FTA nhưng đạt mức tăng trưởng rất cao. Trong năm 2019 xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Canada tăng 29%, đến năm 2020 đạt 4,4 tỷ USD tăng 12% - cao hơn nhiều so với con số 7% xuất khẩu chung của cả nước. Đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh Covid-19.
Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng mạnh tới trên 62% là thiết bị máy móc, điện thoại các loại. Tăng 25% là các sản phẩm mây tre, cói, máy vi tính, bánh kẹo, phương tiện vận tải… Và tăng 15% với các sản phẩm gỗ, rau quả, đồ chơi - dụng cụ thể thao..
Còn với thị trường Mexico, xuất khẩu bình quân của Việt Nam tăng 19% trong năm 2019-2020. Tương tự Canada, sản phẩm tăng trưởng mạnh cũng là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, điện thoại. Mức tăng trưởng bình quân 32-35% ở đồ chơi - dụng cụ thể thao, túi xách, ví, vali…
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, CPTPP đã mở ra cơ hội thị trường mới, thu hút đầu tư, cũng như phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày Việt. Kể cả khi Mỹ rút khỏi FTA này thì sức ảnh hưởng từ hiệp định trong việc kéo các nhà đầu tư đến Việt Nam từ trước đó vẫn tích cực, giúp đưa tỷ lệ nội địa hóa của ngành từ 30% đạt trên 50%.
Cũng theo bà Xuân, tỷ trọng xuất khẩu da giày sang các nước khối CPTPP đã tăng 13% so với trước đây. Canada và Mexico là hai thị trường mới ngành này tiếp cận được sau khi CPTPP có hiệu lực, đồng thời gia tăng được tỷ lệ đơn hàng được ký trực tiếp thay vì phải qua trung gian như trước đây.
Những con số này khẳng định, CPTPP đã mở đường rộng cho hàng Việt sang châu Mỹ, vốn rất mới mẻ và tiềm năng. Ngoài 2 thị trường thuộc khu vực châu Mỹ có mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong 2 năm liên tiếp, thị trường có mối liên hệ chặt chẽ nhất với các DN Việt Nam trong CPTPP là Nhật Bản. 40% DN cho biết họ có hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường này, tiếp đó là nhóm các thị trường Australia, Canada, New Zealand.
Đánh giá về con số tăng trưởng trên, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho biết, khi nhìn vào những con số về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa các thị trường, chúng ta cần phải có một cái nhìn công bằng.
"Với những thị trường mà chúng ta đã có giao dịch lớn như thị trường Nhật Bản, để tăng kim ngạch giao thương thêm 1% cũng cực kỳ khó khăn, bởi vì dung lượng hàng hóa, xuất nhập khẩu sẵn có đã rất lớn rồi. Trong khi ở những thị trường mới, dung lượng thị trường, thực tiễn giao dịch còn nhỏ, nên chỉ cần một mức tăng vừa phải cũng đã đủ để đẩy tỷ lệ tăng nhiều hơn", bà Thu Trang chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Thu Trang, có thể nhìn thấy một nguyên nhân khác là các thị trường mới sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn trong hợp tác. Các điều kiện để ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ, hàng rào phi thuế quan… không gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nên cũng được chú trọng hơn. Mặc dù vậy, mức độ tăng trưởng như trong 2 năm vừa qua vẫn còn ít, nhất là khi so sánh với các FTA khác cùng thời điểm ban đầu thực thi, như việc tận dụng ưu đãi thuế quan trong EVFTA cao hơn đáng kể.
"Điều này cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để tận dụng tốt hơn các cơ hội của CPTPP, đặc biệt trong việc tiếp cận thị trường cực kỳ lớn là thị trường châu Mỹ thông qua Canada và Mexico. Ngoài ra, đây cũng là vấn đề cho thấy ở những thị trường mới, các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tận dụng và khai thác", Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết.
Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm