RCEP không chỉ chuyển hướng mà tạo thương mại
Những điểm khác giữa UKVFTA và EVFTA / Gần 2,1 tỷ USD hàng hóa xuất EU được hưởng ưu đãi thuế từ EVFTA
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào ngày 15/11/2020 vừa qua được kỳ vọng sớm đi vào thực hiện và cải thiện tiếp cận thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tham gia ký kết RCEP là kết quả sau một thời gian nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam. Tham gia vào RCEP, Việt Nam hướng nhiều hơn đến tác động “tạo thương mại" của Hiệp định này, thay vì lo ngại về cạnh tranh chiến lược của Hiệp định này với các sáng kiến khác như TPP/CPTPP.
Phát biểu tại Hội thảo "Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội, hôm nay (20/1), TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Đối với hoạt động thương mại của Việt Nam, RCEP có thể mang lại một số cơ hội và cả thách thức. Bao phủ vùng lãnh thổ với 30% dân số toàn cầu, hiệp định RCEP tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu.
"Các nghiên cứu định lượng thực hiện cho đến nay đều cho thấy RCEP có tác động tạo thương mại, chứ không chỉ là chuyển hướng thương mại. Ngay cả với nhập khẩu, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ việc gia tăng chất lượng hàng nhập khẩu cho tiêu dùng. Cùng với việc gia tăng thương mại hàng trung gian, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực", TS. Trần Thị Hồng Minh nêu rõ.
Khác với các hiệp định thương mại chất lượng cao như EVFTA hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam tham gia RCEP với cách tiếp cận “tiệm tiến” hơn. Đặt trong bối cảnh tranh luận về tác động của hội nhập kinh tế quốc tế - đặc biệt là thương mại, đầu tư nước ngoài... đã trở nên “đa chiều” hơn, nhìn nhận vềRCEPcó đan xen cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực.
"Đối với Việt Nam, RCEP không phải là một kết quả ngẫu nhiên, mà chỉ có được sau một thời gian nỗ lực không ngừng nghỉ", bà Minh nói.
Ngay cả với nhập khẩu, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ việc gia tăng chất lượng hàng nhập khẩu cho tiêu dùng. Cùng với việc gia tăng thương mại hàng trung gian, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực. Tác động đối với cải cách thể chế cũng hiện hữu, chủ yếu theo hướng tăng cường thêm động lực cho Việt Nam thực hiện các cải cách đã được xác định gắn với các cam kết trong CPTPP và EVFTA, TS. Trần Thị Hồng Minh nhận định.
Viện trưởng CIEM cho hay, đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thêm cơ hội thu hút FDI từ sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại, công nghệ Mỹ - Trung Quốc, cũng như những xu hướng cân nhắc mới trong và sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, thách thức từ Hiệp định RCEP cũng không nhỏ, bởi nhìn nhận và xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với đầu tư nước ngoài ở thị trường RCEP là một thách thức lớn, thậm chí trở nên phức tạp hơn; Việc sàng lọc chất lượng của dự án FDI là chủ trương đúng, nhưng thực hiện không dễ sau khi RCEP đi vào thực thi; Kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài từ RCEP và hệ lụy đối với kinh tế vĩ mô vẫn là một vấn đề phức tạp; và khó khăn trong cân đối giữa thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và quyền xây dựng chính sách của Việt Nam. Những thách thức này ít nhiều đều ảnh hưởng đến mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.
Do đó các đại biểu cho rằng, để tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP, yếu tố cải cách càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong đó, hài hòa hóa quá trình cải cách thể chế khi thực hiện các FTA như CPTPP và EVFTA. Tuy nhiên, do CPTPP và EVFTA có tiêu chuẩn cao hơn và đã đi vào thực hiện, quá trình cải cách ở các lĩnh vực liên quan cần hướng tới các tiêu chuẩn trong Hiệp định này một cách nghiêm túc, thay vì “chờ đợi" đến khi có RCEP.
Bên cạnh đó, việc tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP cũng đòi hỏi nỗ lực cùng phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Theo đó, các nước ASEAN phải gia tăng hợp tác hiệu quả. Các lĩnh vực cần lưu tâm chính là những lĩnh vực cải cách liên quan đến thương mại và đầu tư (như môi trường đầu tư, kết nối trong chuỗi giá trị...) và những nội dung khác cần tiếp tục thỏa thuận và hoàn thiện sau khi RCEP đi vào thực thi.
Ở góc độ đối với doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để tận dụng hiệp định một cách hiệu quả các doanh nghiệp cần phải đáp ứng được những tiêu chuẩn đặt ra tại Hiệp định:
"Bản thân các nước RCEP, như Trung Quốc các tiêu chuẩn chất lượng đã tăng lên và đang ngày càng bị siết chặt hơn, do đó, doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được muốn xuất khẩu ngay cả đi Trung Quốc hàng hóa phải đáp ứng những yêu cầu cao. Thứ hai nữa là với những tiết thị trường lớn như EU, CPTPP và các thị trường khác, như Mỹ, Nhật… doanh nghiệp để mà xuất khẩu đi được thì vẫn phải đáp ứng tiêu chuẩn cao. Có lẽ là RCEP tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp ở các trình độ và ở các tiêu chuẩn khác nhau cùng được hưởng lợi từ hội nhập", bà Trang nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo