Tìm cơ hội xuất khẩu từ thị trường CPTPP
Ngành dịch vụ hậu cần: Mở rộng quy mô thị trường nhờ CPTPP / Xuất khẩu da giày tăng 12,5%
Da giày được đánh giá là một trong những mặt hàng sẽ có sự tăng tốc về giá trị xuất khẩu trong những năm tới Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Bình Tiên (Biti's), nhà máy Đồng Nai. Ảnh: Văn Gia |
Mặc dù vậy, thực tế tham gia hiệp định cũng đã mang lại những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt về đơn hàng từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì nổi lên vấn đề chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đặc biệt là ở nguồn nguyên liệu sản xuất. Sự chủ động để tham gia của doanh nghiệp Việt vẫn còn thấp bởi trình độ, công nghệ còn thấp nên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền.
Cơ hội của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Nhận định của Bộ Công thương cho thấy, mặc dù không còn đối tác Hoa Kỳ tham gia nhưng các nước thành viên CPTPP vẫn là thị trường lớn khi chiếm đến 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10 ngàn tỷ USD. Trong đó có các cường quốc kinh tế như: Nhật Bản, Canada, Úc, Mexico… sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt có hy vọng tham gia vào chuỗi cung ứng mới hình thành này, từ đó nâng tầm trình độ phát triển, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Điều quan trọng là khi các nước giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa của Việt Nam thì sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Một số mặt hàng như: nông, lâm, thủy sản; điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Với mức độ cam kết như vậy, theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch - đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới được công bố vào tháng 3-2018 cũng dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP sẽ tăng từ 54 lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu.
Theo ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đang là nền kinh tế có độ mở lớn, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu; trong đó dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử… là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Đặc biệt, dệt may, da giày, đồ gỗ sẽ chịu tác động rõ nét từ CPTPP. Hiện quy mô xuất khẩu da giày Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, xuất khẩu dệt may đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và xấp xỉ bằng Ấn Độ, trong khi đó xuất khẩu đồ gỗ cũng nằm trong nhóm 5 nước hàng đầu thế giới.
Trước khi CPTPP có hiệu lực, thị trường các nước CPTPP đang chiếm 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, 16% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và 20% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ uống của Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, thị phần hàng nhập khẩu từ Việt Nam ở các nước trong khối này còn rất nhỏ. Trong CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống, đã có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương từ trước như Nhật Bản, Australia. Còn kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường như Canada, Peru, Mexico chưa nhiều. Do đó, dư địa cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu còn rất lớn.
Tương tự, ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực TP.Hồ Chí Minh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay Việt Nam đã có hơn 12 FTA có hiệu lực; 1 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán. Một số FTA còn có sự tham gia của các nước trong khối CPTPP và có những ưu đãi thậm chí còn tốt hơn so với hiệp định này, do đó, mức độ tận dụng lợi thế của doanh nghiệp trong tương lai sẽ tăng lên. Điều này cho thấy, CPTPP thật sự mang lại lợi ích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thách thức vẫn “bủa vây” doanh nghiệp
Bên cạnh những lợi ích về cắt giảm thuế quan, thúc đẩy cải cách thể chế, việc thực thi CPTPP cũng sẽ tạo ra không ít thách thức cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Ông Võ Tân Thành cho rằng, Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường các nước CPTPP nhưng mặt khác, Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường để đón hàng hóa của các nước vào. Đây chính là sức ép cạnh tranh không nhỏ cho doanh nghiệp ngay tại thị trường nội địa, nếu không chú ý, chúng ta có thể bị lấn lướt bởi hàng ngoại nhập và thực tế, với tâm lý sính đồ ngoại của người Việt, phải cần thời gian để thay đổi.
Ngoài ra, các điều kiện về quy tắc xuất xứ của CPTPP cũng tương đối chi tiết, phức tạp nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng để tận dụng được ưu đãi về mặt thuế quan. Chưa kể, CPTPP còn bao gồm nhiều cam kết mang tính bao trùm về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… Muốn hàng hóa vào được thị trường này, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các cam kết trong hiệp định khiến chi phí tăng lên đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng cạnh tranh. Đơn cử như trong ngành hàng may mặc, bà Khưu Thị Thanh Thủy, Tổng thư ký Hội Dệt may thêu đan TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất chủ động trong việc tận dụng các ưu đãi thuế quan khi xuất nhập khẩu. Vấn đề là việc thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ đang là “nút thắt cổ chai” chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Đồ họa thể hiện tổng kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước thuộc CPTPP so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tính trong năm 2018). (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân) |
“Sự phát triển lệch pha của ngành dệt may khi chủ yếu tập trung vào khâu cắt may, gia công xuất khẩu mà lĩnh vực dệt nhuộm lại không được nhiều địa phương quan tâm do vấn đề về vốn đầu tư, môi trường, lao động… Có 2/3 sản lượng sợi của Việt Nam phải xuất khẩu trong khi ngành may mặc phải nhập khẩu 70% nguyên vật liệu đầu vào. Nguồn nguyên liệu này phụ thuộc phần lớn từ Trung Quốc, quốc gia này không nằm trong CPTPP, nên không đáp ứng được xuất xứ để hưởng ưu đãi” - bà Thủy cho hay.
Một “sức ép” nữa đối với khối doanh nghiệp trong nước là sự cạnh tranh rất mạnh mẽ từ doanh nghiệp FDI. Trên thực tế có thể thấy, doanh nghiệp FDI đang sẵn sàng để tận dụng các lợi thế từ hiệp định mang lại tốt hơn doanh nghiệp nội. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp FDI xác định rất rõ mục tiêu đầu tư sản xuất tại Việt Nam là để tận dụng các ưu đãi mà hàng hóa Việt Nam có được từ các FTA, trong đó có CPTPP. Hơn nữa, doanh nghiệp FDI có lợi thế về quy mô, nguồn lực cũng như hiểu rõ các tiêu chuẩn, đặc trưng riêng về xu hướng tiêu dùng tại các thị trường bởi họ có bộ phận chuyên trách rất chuyên nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ hơn, chưa nắm bắt được thị hiếu của thị trường cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi.
Quan tâm hơn đến thị trường “nội địa mở rộng”
Trong khi phải chuẩn bị chiến lược “dài hơi”, bài bản để tham gia CPTPP cũng như các FTA với những đối tác lớn khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp nội cần chú trọng hơn đối với các nước trong khối Asean, khu vực được đánh giá là “thị trường nội địa mở rộng” của Việt Nam.
Ngoài Việt Nam thì hiện tại mới chỉ có 3 nước trong khu vực tham gia CPTPP là Singapore, Malaysia và Brunei, tuy nhiên các nước khác như Indonesia, Thái Lan, Philippines cũng đang rất quan tâm. Các nước trong khu vực cũng có chung Cộng đồng kinh tế Asean (AEC). Các chuyên gia đánh giá, lợi thế lớn nhất ở đây là về mặt địa lý, dịch vụ hậu cần so với các thị trường xa xôi khác trên thế giới.
Với một thị trường dân số gần 700 triệu người lại chung cộng đồng kinh tế, hơn đâu hết, Việt Nam cần phải nhanh chóng tìm hiểu thị trường Asean. Trong đó, Đồng Nai có thể là một điểm sáng khi gần đây xuất khẩu vào Asean tăng nhanh. Thống kê của Cục Hải quan Đồng Nai, 6 tháng đầu năm, Đồng Nai xuất khẩu vào Asean đạt gần 1,1 tỷ USD, đến 8 tháng của năm 2019 giá trị hàng hóa xuất đi lên tới 1,42 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng rất cao trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, trên bình diện cả nước, sự quan tâm của doanh nghiệp vào Asean còn rất ít. “Asean là thị trường nội địa mở rộng, nhưng chúng ta chưa tận dụng tốt, với riêng ngành gỗ, Việt Nam xuất khẩu vào đó mới được 70 triệu USD. Các nước xuất khẩu chéo qua nhau cũng ít, mới được 700 triệu USD. Trong khi đó, nhập khẩu gỗ của cả khối là hơn 3,4 tỷ USD. Doanh nghiệp ngành gỗ cũng như tất cả các ngành khác cần quan tâm hơn tới thị trường này” - ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh mong mỏi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo