Hiệp định CPTPP

Hợp tác công - tư trong thực thi CPTPP: Điểm nghẽn và giải pháp

DNVN - Hợp tác công - tư trong bối cảnh hội nhập và thực thi CPTPP là một trong những nội dung nổi bật được các đại biểu chia sẻ sôi nổi tại Phiên hiến kế về doanh nghiệp và CPTPP với chủ đề chủ động khai thác có hiệu quả hiệp định CPTPP để phát triển bứt phá diễn ra vào ngày 02/5 tại Hà Nội.

CPTPP: Cơ hội nào cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo? / CPTPP: Thị trường Australia rất tiềm năng nhưng vô cùng khó tính

Theo điều phối viên Bùi Kim Thùy - Đại diện tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, một trong những loại hình hợp tác công - tư khả thi hiện nay giữa bộ, ngành và khu vực tư nhân là việc tập trung nguồn lực và giải pháp để triển khai các hoạt động dự báo, cung cấp thông tin thị trường, thông tin về công nghệ, tiêu chuẩn của các thị trường, đặc biệt các thị trường thuộc nhóm nước tham gia CPTPP hay một số FTA song phương khác giúp doanh nghiệp để đánh giá chính xác thông tin, cơ hội thị trường, sự cạnh tranh của các bên và hành động cần thiết đối với từng nhóm sản phẩm trong nước.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao tập trung vào ba "điểm nghẽn" mà các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý cần quan tâm hiện nay. Thứ nhất là vấn đề thông tin.
"Các hiệp hội với Nhà nước và Bộ chưa có mối quan hệ, chia sẻ với nhau đến cùng. Việc tiếp nhận và phổ biến thông tin chưa được sâu sát, nhất là về Hiệp định CPTPP. Chúng tôi phát hiện CPTPP có điểm mới rất thuận lợi cho mình. Những doanh nghiệp phi thực phẩm có thể tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau hơn 2 năm làm chương trình tiêu chuẩn, tôi thấy, thế giới có 3 thành phẩn nhà nước, doanh nghiệp, các nhà sản xuất tổ chức... trong khi khá nhiều ngành của ta lại không tồn tại thực sự 3 thành phần này", bà Kim Hạnh nói.
Bà Vũ Kim Hạnh phát biểu tại Phiên hiến kế về doanh nghiệp và CPTPP

Bà Vũ Kim Hạnh phát biểu tại Phiên hiến kế về doanh nghiệp và CPTPP. (Ảnh: VNE)

Thứ hai là vấn đề tiêu chuẩn: Việc doanh nghiệp Việt Nam đối phó khi làm tiêu chuẩn cần phải thay đổi. Vấn đề thứ ba là vai trò của hiệp hội. Hiệp hội nếu không đủ hiểu thị trường, không lắng nghe doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ rất thiệt thòi.
Từ góc độ các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ công - tư, Tiến sĩ Vũ Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, các hiệp hội cần bám sát hơn các văn bản quy phạm pháp luật.
Liên quan tới vấn đề thông tin, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, website về thông tin CPTPP tại Việt Nam rất đầy đủ, không thua kém một nước nào.
"Chúng ta nên hiểu rõ về vai trò của Nhà nước, rạch ròi giữa những gì Nhà nước làm, những điều doanh nghiệp cần làm. Nhà nước chỉ đưa thông tin chung, còn thông tin chi tiết, doanh nghiệp hay các hiệp hội cần phải làm. Tôi nghĩ thông tin không thiếu. Chúng tôi sẵn sàng đưa ra công văn cho 63 tỉnh thành. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nói không biết thông tin gì", ông Khánh chia sẻ.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết muốn thực hiện tốt đối tác công - tư, cần hiểu rõ chủ thể. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò yểm trợ, các hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm kết nối còn khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần phải được trao quyền và giao việc nhiều hơn để chủ động phát triển kinh tế.
Các hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin hội nhập. Muốn như vậy, phải chuyển giao dịch vụ công của nhà nước cho các hiệp hội doanh nghiệp. Các bộ ngành không nên "ôm" tất cả. Ngoài ra, đối tác công - tư muốn thành công thì cần nâng cao năng lực của nguồn nhân lực. Nhà nước cần tập trung làm thể chế, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Các bộ phần làm thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính cần làm việc độc lập mới đạt hiệu quả cao.
Trong khi đó, đề xuất giải pháp cho bài toán hợp tác công - tư, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch và Logistics Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế về đầu tư công - tư, sửa đổi nghị định đầu tư công tư số 63/2018cho phù hợp với tỉnh hình hội nhập sâu rộng hiện nay, phù hợp với các FTA thế hệ mới.
Thứ hai, việc hợp tác công - tư của các bộ ngành liên quan để phát triển kết cấu hạ tầng logistics. Với sự phát triển của xuất nhập khẩu, ông Tương đề nghị Bộ Giao thông vận tải nhanh chóng phát triển cảng biển, cảng hàng không, đường bộ.Với tốc độ phát triển vận tải biển khoảng 13-15%/năm và CPTPP thúc đẩy XNK và đầu tư do giảm thuế quan thì lượng hàng thông qua cảng biển sẽ tăng nhanh, trong khi hơn 90% hàng hóa XNK của nước ta là vận tải bằng đường biển.Vì vậy, nhà nước cần phát triển cảng biển nước sâu theo hình thức đầu tư công - tư.
Thứ ba, để mở rộng quy mô doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics các DN cung cấp dịch vụ logistics sẽ tận dung cơ hội này để mở rộng hợp tác, liên doanh liên kết với các DN cung cấp dịch vụ của các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là mua bán sáp nhập. Đối với các DN cung cấp dịch vụ logistics cần sự hợp tác công – tư trong việc phát triển các trung tâm logistics lớn, nhất là kho đông lạnh cho hàng hóa XNK của Đồng bằng Sông Cửu Long.
Có thể nói vấn đề hợp tác công - tư có vai trò rất quan trọng và động lực của kinh tế tư nhân trong phát triển nền kinh tế đất nước. Để hợp tác công - tư hiệu quả, thực chất đòi hỏi sự chủ động của các doanh nghiệp và khu vực tư nhân. Trong khi đó, vai trò của khu vực công là tạo định hướng, sự dẫn dắt, kiến tạo chiến lược cho các ngành hàng. Sự chủ động của khu vực tư nhân phối kết hợp với sự định hướng, dẫn dắt của các bộ, ngành, tạo ra chính sách minh bạch, rõ ràng từ khu vực công sẽ góp phần làm cho hợp tác công - tư đi vào thực chất và hiệu quả. Thay vì bị động chờ Chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân cần chủ động góp nhặt kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất ý kiến để các bộ, ngành tạo ra cách chính sách thân thiện với người sử dụng và mang hơi thở cuộc sống hơn. Chỉ có như vậy việc thực thi hiệp định CPTPP mới hiệu quả.
Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm