Hiệp hội của các tổ chức kinh tế: Những khía cạnh pháp lý cần tìm lời giải
PV: Luật về hội đã được đệ trình nhưng chưa được Quốc Hội thông qua nên còn nhiều cách hiểu khác nhau về hội. Theo ông, có thể khái quát về hiệp hội của các tổ chức kinh tế như thế nào cho phù hợp với thực tế hiện nay?
TS Tô Hoài Nam: Tại Việt Nam, Hiệp hội của các tổ chức kinh tế bao gồm các đa ngành như các Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa hay hiệp hội doanh nghiệp, hay các hiệp hội ngành hàng... là một khái niệm còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Ở nước ta, mặc dù ngay từ khi mới thành lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 52 năm 1946 về việc thành lập hội. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 (đã có sửa đổi bổ sung) và một số văn bản liên quan đến vấn đề này. Song, mặc dù dự thảo Luật về hội đã được đệ trình, nhưng chưa được Quốc Hội thông qua nên còn nhiều cách hiểu khác nhau về Hội. Tuy nhiên, có thể khái quát tựu chung lại như sau: Hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được Nhà nước cho phép thành lập. Hội viên là doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam, các cá nhân và các tổ chức xã hội khác có cùng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tự nguyện lập ra tổ chức của riêng mình nhằm mục đích đoàn kết, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần pháp triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiệp hội Doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải kinh phí, tự quản, không vì mục tiêu lợi nhuận, tuân thủ theo pháp luật và điều lệ của tổ chức mình.
PV: Thưa ông, ở nước ta đang có rất nhiều tổ chức hội hoạt động, có cả hội có mục đích kinh tế và hội không có mục đích kinh tế. Ông nhìn nhận như thế nào về hiện trạng này và theo ông có những vấn đề gì cần đặt ra hiện nay để việc thành lập và quản lý các hội phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn?
TS Tô Hoài Nam: Về số lượng, trước năm 1986 cả nước chỉ có gần 30 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc. Năm 1990 có khoảng 100 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, 300 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2002, có 240 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, 1.450 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2007 có 364 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, 3.625 hội có phạm vi hoạt động tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tính đến tháng 6 năm 2016, theo Vụ Tổ chức phi chính phủ - Bộ Nội vụ, cả nước có khoảng 68.128 hội và 2.000 quỹ, trong đó có 498 hội hoạt động trong phạm vi cả nước; 67.627 hội hoạt động phạm vi địa phương.
Riêng đối với hội của các tổ chức kinh tế Quy định tại Điều 10 của Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/7/1057 đã đề cập tới loại hình tổ chức tự nguyện của nhân dân vì mục đích kinh tế là một loại hình riêng, không đặt chung với các loại hình hội khác. Sắc lệnh ghi rõ: “Các hội có mục đích kinh tế không thuộc phạm vi quy định của Luật này”.
Sau khi Đại hội Đảng VI năm 1986 đề ra chủ trương thực hiện đổi mới, để khuyến khích các loại hình hội của tổ chức kinh tế phát huy hết khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngày 10/4/1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 38-HĐBT về liên kết kinh tế trong sản xuất, lưu thông, dịch vụ. Ngày 24/8/1995 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có thông báo số 125-TB/TW thông báo ý kiến của Ban Bí thư về tổ chức các hội ngành nghề và hiệp hội công thương với mục đích là “các tổ chức công thương đều sẽ là tổ chức của doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần”.
Tiếp theo, còn có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản của Đảng và nhà nước nói trực tiếp, hay gián tiếp đến loại hình hội của các tổ chức kinh tế, nhất là Hiến pháp năm 2013 và Văn kiện Đại hội XII của Đảng, đều mang quan điểm chung là khuyến khích thành lập, phát triển và tạo điều kiện hỗ trợ loại hình tổ chức này.
Cũng như các loại hình hội khác của Việt Nam, hội của các tổ chức kinh tế được ra đời xuất phát từ sự tự nguyện của quần chúng và hoạt động theo các nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản, tự trang trải về kinh phí hoạt động và phi lợi nhuận. Tuy nhiên, trên thực tế thì tính chất tự trang trải về kinh phí của hội của các tổ chức kinh tế được thực hiện mạnh mẽ, chủ động hơn các loại hình hội đoàn khác.
Mục tiêu cao nhất của hội của các tổ chức kinh tế là phục vụ cho nghề nghiệp, các doanh nghiệp - hội viên trong các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nhau, đối phó với ảnh hưởng, tác động, tác nhân bất lợi từ bên ngoài. Từ đó phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thêm lợi nhuận của các thành viên, hội viên.
Về bản chất, hội của các tổ chức kinh tế không phải là một tổ chức kinh doanh, nó là tổ chức phi lợi nhuận. Nhưng sự quan tâm lớn nhất lại là các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trong hoạt động nó lại tìm kiếm mọi tác động gián tiếp hoặc trực tiếp thông qua nhiều biện pháp khác nhau, rất đa dạng và phong phú để tạo nên những thuận lợi, những điều kiện tốt hơn trong môi trường kinh doanh để giúp cho cho các doanh nghiệp hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thêm lợi nhuận. Mặt khác, hội của các tổ chức kinh tế còn là nhân tố khả thi nhất để giúp chính phủ khỏa lấp những khiếm khuyết của thị trường giữa khu vực công và khu vực tư, theo quy luật cung cầu trong sản xuất hàng hoá và dịch vụ. Đó cũng chính là sự khác biệt, cũng là đặc điểm hoạt động để phân biệt loại hình hội của các tổ chức kinh tế với các loại hình hội đoàn khác.
Quỳnh Nhai (Sơn La): Nỗ lực giảm nghèo, đẩy...Bí quyết dẫn dắt người tiêu dùng thời số...Uber rút khỏi Việt Nam, nhiều người sẽ...NÊN ĐỌC
PV: Trên thế giới, ở các nước phát triển cũng như đang phát triển đều có một hệ thống quản lý về tổ chức và hoạt động của các hội, cả về mặt pháp lý cũng như thực tiễn sôi động của nền kinh tế thị trường. Liệu chúng ta có thể tham khảo gì từ đó hay không, thưa ông?
TS Tô Hoài Nam: Để tạo điều kiện phát triển bền vững cho tổ chức hội, sự ủng hộ nhất quán trong chính sách của Nhà nước là điều tối quan trọng. Các quốc gia thành công trong quản lý nhà nước về hội, như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, CHLB Đức, Cộng hòa Philippine... đều có hệ thống văn bản pháp lý đảm bảo tính thông suốt trong quản lý hội, dù các quy định đó thể hiện trong một văn bản luật về hội hoặc trong một số văn bản quy phạm ở các cấp độ khác nhau. Nhưng thông lệ chung là hội ra đời bằng việc đăng ký thành lập tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc bộ máy hành pháp hoặc cơ quan tư pháp, mà không phải bằng việc cho phép thành lập của cơ quan nhà nước có trách nhiệm. Điều đó bắt nguồn từ nhận thức về mối quan hệ giữa Nhà nước và các hội là quan hệ bình đẳng, đối tác mà không phải là quan hệ xin - cho, quan hệ thứ bậc, trên dưới.Ví dụ, về quyền tự do lập hội ở Hoa Kỳ, tuy không được quy định trực tiếp trong Hiến pháp, nhưng thông qua giải thích Hiến pháp của Tòa án tối cao, được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng của quyền tự do cá nhân cũng như là phương tiện để thực hiện các quyền hiến định khác được Hiến pháp bảo vệ. Trong các chính sách QLNN của Hoa Kỳ đối với tổ chức hội, nhấn mạnh các biện pháp về tài khóa của nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức hội, chủ yếu thông qua chính sách miễn giảm thuế, không chỉ đối với bản thân các hội, mà đối với cả những người tài trợ, quyên góp cho hội. Có thể thấy rằng, thành lập hội được coi là một trong những nội dung chính của quyền lập hội, một quyền cơ bản của con người tại nhiều quốc gia trên thế giới. Do vậy, thủ tục đăng ký cần rõ ràng, đơn giản, theo xu hương là khi đầy đủ tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận sự thành lập của hội thay vì quyết định cho phép thành lập hội. Thủ tục thành lập một hội ở một số quốc gia khác nhau cũng có những quy định pháp luật khác nhau, nhưng tựu chung đều hướng tới sự thiện chí, nhanh chóng và bình đẳng. Việc chậm trễ đăng ký, cấp phép cho một hội có thể coi là vi phạm quyền lập hội. Một khi từ chối đơn xin thành lập hội thì cơ quan nhà nước phải nêu rõ lý do và thông báo một cách rõ ràng. Những cá nhân tổ chức bị từ chối có quyền được khiếu nại trước một tòa án độc lập. Đồng thời, các cơ quan nhà nước khi đình chỉ hoạt động hoặc giải tán hội phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật.Đặc điểm nữa là, các tổ chức hội đều là các tổ chức độc lập, tự chủ, hoạt động theo Hiến pháp và các văn bản quy định pháp luật có liên quan. Ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, CHLB Đức và một số nước khác các văn bản pháp luật điều chỉnh loại này rất ít về mặt số lượng. Bên cạnh đó, các tổ chức hội thường được Chính phủ thuê với vai trò làm cơ quan phân tích, tham vấn cho Chính phủ trong xây dựng và thực hiện chính sách. Các hoạt động này thường được thỏa thuận dưới dạng hợp đồng.
PV: Từ thực tiễn hoạt động của các hội của các tổ chức kinh tế của Việt Nam cũng như những thông tin từ các quốc gia trên thế giới về vấn đề này, xin cho biết khía cạnh pháp lý của vấn đề ở đây nằm ở chỗ nào ?
TS Tô Hoài Nam: Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, hội của các tổ chức kinh tế đã và đang phát triển không ngoài quy luật chung, mọi vận động của nó gắn với sự phát triển kinh tế của đất nước và sự khuyến khích của Đảng và Nhà nước, và tương thích, phù hợp trong hội nhập quốc tế.
Vì thế, trước tiên cần xác định rõ mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và hội là mối quan hệ giữa hai khu vực khác nhau, có tính độc lập nhất định với nhau - khu vực nhà nước và khu vực xã hội dân sự.
Theo đó, phải đảm bảo trên thực tế quyền lập hội của người dân là một trách nhiệm trọng yếu, không thể thoái thác được của Nhà nước. Vì sự hình thành và phát triển các hội gắn liền với việc phát huy dân chủ. Dân chủ và hội có mối liên hệ với nhau hết sức chặt chẽ, có dân chủ thì các hội mới có môi trường tồn tại và không gian hoạt động, và sự hình thành các hội chính là biểu hiện căn bản của thực thi dân chủ và thiết chế XHCN.
Tiếp theo là, pháp luật nên quy định việc thành lập hội theo hướng đăng ký thành lập thay cho việc phải xin phép thành lập. Cần nhấn mạnh thêm là, việc đăng ký thành lập khác về bản chất so với việc xin phép thành lập hội, vì lập hội là quyền của người dân. Quyền này đã được hiến định tại Hiến pháp 2013. Do đó, Nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện, mà không phải là Nhà nước có thể cho phép hoặc không cho phép. Tât nhiên, các quy định phải đảm bảo được yêu cầu quản lý của nhà nước đối với hội.
Mặt khác, Nhà nước cần ban hành và tổ chức, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến việc thành lập và hoạt động của các tổ chức hội, nhằm tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo môi trường, thuân lợi cho tổ chức và hoạt động của hội, trong một khung pháp lý đầy đủ, toàn diện, cởi mở và hướng đến sự phát triển và tồn tại của các tổ chức hội, hướng đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với chất lượng phục vụ của bộ máy nhà nước đối với hội, đáp ứng các nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hội.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước