Hiệp ước Buôn bán vũ khí của Liên hợp quốc chính thức có hiệu lực
Nhân sự kiện này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gửi thông điệp tới tất cả 193 quốc gia thành viên, hoan nghênh việc UNATT chính thức có hiệu lực, đồng thời kêu gọi các nước chưa ký hoặc chưa phê chuẩn sớm có quyết định tham gia hiệp ước.
Trong thông điệp, ông Ban Ki-moon khẳng định UNATT đã mở sang trang mới trong lịch sử kiểm soát vũ khí trên toàn thế giới, bảo đảm sự minh bạch và có trách nhiệm trong lĩnh vực buôn bán vũ khí. Ông hy vọng kể từ nay, tất cả các quốc gia tham gia UNATT cùng phải có trách nhiệm pháp lý trong mọi thương vụ buôn bán vũ khí, đồng thời các hoạt động chuyển giao vũ khí qua biên giới sẽ được theo dõi, giám sát bằng các biện pháp và phương tiện tối ưu nhất.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh việc cách đây gần hai năm, Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua UNATT chứng tỏ quyết tâm của các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và các xã hội dân sự, ngăn chặn việc trao đổi, buôn bán vũ khí một cách vô trách nhiệm như lâu nay, để cùng hướng tới một mục tiêu cao cả là giảm bớt những đau thương, chết chóc của con người.
Ông hy vọng UNATT sẽ giúp ngăn chặn có hiệu quả việc tuồn vũ khí vào những nơi đang có xung đột, bạo lực, và không để vũ khí lọt vào tay các chế độ quân sự độc tài, chà đạp quyền con người cũng như các băng nhóm khủng bố và các tổ chức tội phạm.
Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Raad al-Hussein coi việc UNATT bắt đầu có hiệu lực là sự kiện mở ra kỷ nguyên mới về bảo vệ quyền con người, giúp các quốc gia có cơ sở vững chắc để kiểm soát việc mua, bán vũ khí thông thường, cũng như việc sử dụng chúng, không để những vũ khí này được dùng để chống lại con người.
Hiện đã có tổng cộng 130 quốc gia ký kết UNATT, trong đó có 60 nước đã phê chuẩn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cường quốc chưa phê chuẩn hiệp ước này.
Mỹ là quốc gia sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới nhưng hiện mới chỉ ký kết tham gia mà chưa phê chuẩn. Một số quốc gia có nền công nghiệp vũ khí phát triển khác như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ còn bỏ phiếu trắng tại cuộc họp thông qua văn kiện trên. Trong khi đó, ba nước phản đối UNATT là Iran, Triều Tiên và Syria.
UNATT được thông qua tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/4/2013, đánh dấu việc lần đầu tiên thế giới có một hiệp ước đặt ra những nguyên tắc toàn cầu đối với việc chuyển giao và sử dụng vũ khí nhằm đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ nhân quyền trong hoạt động buôn bán vũ khí thông thường.
UNATT yêu cầu các quốc gia thiết lập cơ chế kiểm soát cấp nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí. Theo đó, những nước thông qua hiệp ước phải có trách nhiệm đảm bảo các hợp đồng vũ khí không vi phạm các lệnh cấm vận quốc tế, luật nhân quyền hay có nguy cơ để vũ khí rơi vào tay các nhóm khủng bố hoặc tội phạm.
UNATT được áp dụng đối với các chủng loại xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tàu chiến, tên lửa, các hệ thống phóng tên lửa và các loại vũ khí hạt nhân khác.
Sự ra đời của UNATT còn nhằm hạn chế các thương vụ buôn bán vũ khí bất hợp pháp trên thế giới, có doanh thu ước tính từ 60 - 85 tỷ USD.
Theo thống kê, mỗi năm thế giới có hơn 520.000 người thiệt mạng do bạo lực vũ trang và hàng triệu người rơi vào thảm kịch do vũ khí lọt vào tay các phần tử cực đoan, khủng bố.../.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc