Học ngoại ngữ ở... chợ
Không nói được tiếng Anh hả?! Vậy buôn bán khó lắm em ơi! -đó là lời đầu tiên chị chủ tiệm ăn trên đường Bạch Đằng, TP Hội An (Quảng Nam) nói với tôi.
Ở cả khu phố chợ sầm uất này, hàng ngày có đến vài nghìn lượt khách nước ngoài đến mua bán. Quả thật không nói được ngoại ngữ là một bất lợi không nhỏ. Có cầu ắt có... cung, chợ và các hàng quán ở Hội An thành "Trung tâm ngoại ngữ".
"Không biết chữ" nhưng biết tiếng Anh
Một ông lão tóc bạc trắng, đội chiếc mũ lưỡi trai sùm sụp đang đon đả chào gia đình vị khách Châu Âu. Ông lão nhiệt tình giới thiệu từng chút một về... ly nước mía, nói về xuất xứ, chất lượng, giá cả... bằng tiếng Anh.
Cô bạn đi cùng tôi là một phiên dịch viên tròn mắt ngạc nhiên rồi nhận xét: "Ông ấy nói nhanh và lưu loát quá, cách phát âm chuẩn từng câu chữ không khác gì người bản xứ!". Khi chúng tôi đến bắt chuyện với ông lão hơn 70 tuổi này, mới hay ông lão ngày trước vốn chỉ xuất thân là một tá điền, một chữ bẻ đôi không biết. Vậy mà nói tiếng Anh "như gió".
Ông cười hề hề: "Có chi mô! Hồi nào không biết thì học. Học bằng cách ngày nào cũng ra bến chợ đây ngồi, nghe họ nói chuyện, rồi mình nói lại với họ. Hơn 10 năm nay tui chỉ học bằng cách đó thôi. Nói riết rồi quen miệng, chừng về nói với mấy đứa nhỏ ở nhà cũng... bằng tiếng Anh luôn!".
Ông lão còn cho biết, ông còn kém, chứ nhiều người nói còn hay hơn ông nữa.
Quanh quẩn tại chợ Hội An bên sông Hoài, một tiểu thương buôn bán đồ gia công mỹ nghệ cho biết, có lẽ không chợ nào ở Quảng Nam, và cả miền Trung lại có nhiều khách nước ngoài như chợ Hội An này, thế nên để giao lưu và buôn bán tốt, không còn cách nào khác là tự cá nhân phải học ngoại ngữ để giao tiếp.
"100% tiểu thương ở chợ ni đều có thể nói tiếng Anh lưu loát, nghe hiểu khi trò chuyện với người nước ngoài, và cả đối đáp nữa"- một chị bán thực phẩm tươi sống khẳng định.
Chúng tôi dạo một vòng quanh chợ, từ các sạp trái cây rau củ, đến các tiệm ăn, các quầy quần áo, vải sợi, giầy dép cho đến các cửa hàng thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức hoặc các gian hàng nhỏ bán hủ tiếu, phở, bún bò... đều phải ngạc nhiên với những cuộc trao đổi, trò chuyện bằng ngoại ngữ giữa các tiểu thương và khách hàng là người nước ngoài.
"Buôn bán ở đây mà không biết ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thì có mà dẹp tiệm thôi!"- một chị bán bún vừa cười với hai vợ chồng người khách đến từ Úc, vừa tranh thủ trả lời chúng tôi.
Hỏi có khó không khi học tiếng Tây thế này, đặc biệt là với những người chỉ biết quanh năm buôn bán như các chị, các anh. Một chị bán trái cây nhanh nhảu trả lời: "Khó chi mô mà khó! Cứ nói qua, nói lại. Ban đầu mình nói chưa đúng thì họ nói lại cho mình nghe, lần sau mình sửa. Lâu dần nói được thôi! Cái quan trọng là mình phải nhanh nhẹn, đừng ngại người ta cười mình là được".
Quả thực có đến mua bán tại chợ Hội An này, mới có thể thấy được mức độ giao tiếp của người dân với du khách nước ngoài "linh hoạt" đến cỡ nào.
Theo lời kể của một tiểu thương, thì những năm về trước, số người buôn bán ở đây biết ngoại ngữ không nhiều. Vậy mà...
Một người bán hàng ăn ở chợ, nhưng có thể nói tiếng Anh chẳng kém người nước ngoài.
Chợ biến thành "Trung tâm ngoại ngữ"
Mỗi buổi trưa, cuối giờ chiều, những ngày nghỉ cuối tuần, chợ Hội An lại đón tiếp không ít những người là học sinh, sinh viên của các trường ở Hội An, Quảng Nam, và cả sinh viên từ Đà Nẵng vào để... học ngoại ngữ!
Bạn Nguyễn Thị Lệ (1990) là sinh viên khoa Du lịch của Trường Đại học Quảng Nam chia sẻ: "Chúng em là sinh viên, được học tiếng Anh hơn 7 năm khi còn ở bậc phổ thông, lên đại học được học chuyên ngành tiếng Anh du lịch mà vẫn không "ăn nhằm" gì nếu so với các cô chú buôn bán ở đây. Các cô chú nói tiếng Anh vừa trôi chảy, vừa chuẩn xác, đáng để học tập".
Cứ thế, vào thứ bảy, chủ nhật đều đặn hằng tuần, Lệ đều cùng một nhóm bạn đến đây, vừa phụ giúp các tiểu thương bán hàng, mà mục đính chính là được trò chuyện nhiều hơn với người nước ngoài, để nâng cao vốn ngoại ngữ, và cũng hiểu thêm về văn hóa, phong tục và thói quen của người nước ngoài để phục vụ cho công việc trong ngành du lịch sau khi ra trường.
Võ Văn Bản, sinh viên năm cuối của Trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An) thì cho biết: "Đọc sách, học trung tâm Anh ngữ cũng không bằng được nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài. Nói chuyện với họ chính là một cách học tiếng Anh hiệu quả nhất. Ngay cả các thầy cô dạy ngoại ngữ của trường cũng thường xuyên ra đây để trau dồi thêm!".
Bản cũng cho hay, ở đây giống như môi trường đa ngôn ngữ vậy, khi người mua người bán đều sử dụng các thứ tiếng nước ngoài nói chung và tiếng Anh nói riêng để nói chuyện với nhau. Bởi vậy hơn 3 tháng nay, tuần nào Bản cũng đến đây mong được giao tiếp bằng tiếng Anh với họ và với cả tiểu thương để nâng cao vốn ngoại ngữ.
Và cứ thế, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, có rất nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên đến chợ này. Họ tìm đến địa chỉ này để học khách nước ngoài. Còn không cũng chẳng sao, bởi luôn có những người cô, chị, bà... bán hàng có khả năng "nói ngoại ngữ như gió", thậm chí có người còn biết đến 3 - 4 ngoại ngữ khác nhau, khiến không ít khách du lịch khi tới đây đã phải "tròn xoe mắt" thán phục.
Theo Gia Ly (Báo Công an Đà Nẵng)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
Loại gỗ quý nhưng 'vô sinh' từng được đồn đoán chữa khỏi bệnh ung thư, cả Việt Nam chỉ còn 162 cây, đó là gỗ gì?
Một hành tinh rất gần Trái Đất có thể đầy cá đang bơi lội?
CLIP: Chó sói thoát chết ngoạn mục khi bị bầy chó nhà bao vây cắn xé
Cột tin quảng cáo