Khám phá

Học trước lớp 1 và sức ép tâm lý

(GD&TĐ) - Thời điểm này, nhiều bé mầm non 5 tuổi đang phải cặm cụi đánh vần, luyện viết chữ và cả học Toán trước chương trình. Có những bé đã được bố mẹ cho đến cô giáo, “lò” luyện vào lớp 1, từ trước nhiều tháng nay. Cảnh tượng các bé mẫu giáo 5 tuổi vài buổi tối trong tuần, hoặc nhằm ngày nghỉ phải mang bút vở đi học trước lớp 1, chẳng còn xa lạ ở các thành phố, những khu vực có điều kiện học tập thuận lợi...

Cho con học trước: Người này nhìn người kia...

9h tối, một nhóm phụ huynh đứng, ngồi trong ngách nhỏ (ở nội thành Hà Nội), họ nói chuyện với nhau về cùng một chủ đề, bởi con họ cùng đang học trong lớp của một cô giáo dạy lớp 1, đó là “hành trang” những đứa trẻ mới 5 tuổi được các bậc cha mẹ này chuẩn bị cho, trước khi các bé bước vào lớp 1. Không phải ai cũng xin được cho con vào học trong lớp học này, lớp chật chội, lại chỉ nhận con của “người quen” gửi gắm... Gọi là lớp, nhưng thực ra chính là nhà của cô giáo dạy lớp 1. Cô đã có “tên tuổi” lâu năm trong việc luyện chữ, dạy Toán cho trẻ trước khi vào lớp 1.

Thường các lớp học trước như thế chưa đến hè thì được tổ chức vào buổi tối, vì cô giáo ngày dạy lớp 1 ở trường, tối mới về mở lớp dạy thêm, luyện vào lớp 1. Vậy là cha mẹ và các bé cũng phải theo cô, sau mỗi buổi học ở trường mầm non, các bé 5 tuổi mỗi tuần khoảng 1-3 buổi đến lớp học trước chương trình. Nhiều người nói đùa, các bé đi học sớm mà mệt mỏi, căng thẳng không kém gì các anh chị lớn đi luyện thi đại học.

Chẳng ai ép những phụ huynh này cho con 5 tuổi đi học trước lớp 1. Họ tự nguyện. Thậm chí phải xin xỏ mãi cô mới nhận dạy con của họ.  Những lớp học trước chương trình lớp 1 như thế thường được tổ chức trước khi trẻ đi học chính thức nhiều tháng. Tháng 9 con vào lớp 1, nhưng có phụ huynh “tầm” cô xin cho con học trước từ tháng 2, tháng 3, thậm chí sớm hơn thế. Những lớp học như thế “nở rộ” nhất khi những phụ huynh đã “chọn” được “mặt” cô giáo để gửi con vào lớp của cô ở trường tiểu học. Thường thì cô giáo “tương lai” sẽ dạy thêm trước chương trình cho những học sinh “tương lai” của mình. Cũng có nhiều trường hợp vì mối lo con không được học trước mà phụ huynh nghe ai mách có “cô hay”, “cô giỏi” là tìm mọi cách đến xin cho con học, dù cô giáo ấy có dạy khác trường, khác lớp, thậm chí khác quận nơi con mình sẽ học lớp 1.

Mối lo có nguyên nhân

Sống trong khu chung cư cao cấp thuộc huyện Từ Liêm (Hà Nội), nhưng chị Nhung vẫn cho lần lượt cả 2 con của mình đến tận nhà cô ở quận Đống Đa để học thêm. Chị Nhung cũng là một điển hình lo lắng đặc biệt cho việc học của con mình. Cả 2 con của chị đều học trước chương trình lớp 1. Chị lý giải, người ta như thế, con của mình không thể không như thế. Mình có điều kiện, chỉ ngại đưa con đi học xa vào buổi tối, nhưng tại sao không cố, mẹ cố thì con cũng phải cố.

Tất cả những gì tạo ra làn sóng cho con học trước chương trình lớp xuất phát từ kinh nghiệm của những phụ huynh có con đã học qua lớp 1 cho rằng không học trước thì không thể theo nổi, khi vào học chính thức, cả lớp hầu hết đứa trẻ nào cũng đã biết đọc, biết viết, con mình “không biết gì” thì khó tránh vất vả, khó tránh “đứng” sau các bạn về kết quả học tập.

Điều khiến phụ huynh có con chuẩn bị học lớp 1 lo lắng nhất là hình ảnh những đứa trẻ học lớp 1 trước con họ đã đi học bán trú cả ngày ở trường, tối về ăn cơm xong lại ngồi đến tận khuya ở bàn học để tập đọc, luyện chữ. Trong suy nghĩ của phụ huynh, việc học sinh lớp 1 phải làm nhiều bài tập ở nhà, phải luyện đọc, luyện viết mỗi tối theo “giao bài” của cô giáo chứng tỏ chương trình học “rất nặng”, nội dung học rất nhiều, ở lớp học không hết còn phải mang về nhà học, nếu không cho trẻ học trước chương trình làm sao trẻ có thể đáp ứng được yêu cầu của cô, của lớp(!?).

Việc cho con học trước chương trình lớp 1, thực tế một phần do tâm lý của phụ huynh, tâm lý “lan tỏa” trong phụ huynh. Mối lo quá đà về chuyện học, khi mà các bé mới 5 tuổi chưa thể “gánh” nổi những nét chữ luyện trước (thông thạo với chữ to- bút chì), hay đánh vần đủ cả đoạn tiếng Việt (theo bài cô soạn để dạy trước), thậm chí phải làm trước thông thạo Toán cộng- trừ (trong phạm vi 10), dù còn nhiều tháng nữa các bé mới trở thành học sinh lớp 1.

Sức ép tâm lý về chuyện cho trẻ học trước làm lung lay cả những bậc phụ huynh vốn đã quyết không cho con lớn học trước lớp 1, thì nay con nhỏ vào lớp 1 lại băn khoăn với ý định “hay là cho đi học trước?”. Hỏi ra thì cũng có cha mẹ không phải vì sợ con mình không học trước thì không theo được chương trình, mà vì sợ xã hội người ta toàn như vậy, mình không vậy thì sốt ruột...

Chị Hiền (quận Hoàng Mai) có con gái lớn năm nay đang học lớp 5. Nhà chị có điều kiện kinh tế, nhưng lúc con gái chị chuẩn bị vào học lớp 1, thấy đứa con bé bỏng sắp “hết được chơi”, bắt đầu những năm tháng dài học tập, chị đã tranh luận thật nhiều với gia đình để giữ quan điểm không cho con đi học trước. Đúng ngày trường tập trung thì con chị mới biết mặt cô giáo dạy lớp 1, biết thế nào là trường tiểu học. 5 năm qua, năm nào con chị cũng đạt học sinh giỏi, mặc dù không phải học sinh xuất sắc, nhưng vẫn được cô giáo đánh giá là tiếp thu được, không bị đuối so với các bạn. Chị cũng giữ quan điểm không cho con đi học thêm nhiều. Nhưng năm nay, cậu con trai bé đến tuổi học lớp 1, thì chị Hiền lại lo lắng vì thấy dư luận thật ồn ào với chuyện có nên cho trẻ đi học trước lớp 1 hay không. Đọc thông tin trên mạng, trên các diễn đàn, thấy nhiều mẹ khuyên nên cho trẻ đi học trước, để vào học lớp 1 đỡ vất vả, rồi không học trước thì vào lớp sẽ toàn bị cô chê là học dốt, tiếp thu chậm.v.v. Ngay các bạn của chị có con đang tuổi tiểu học cũng khuyên rằng, đứa lớn khác, bây giờ đứa nhỏ không đi học trước, nhỡ đâu gặp phải cô giáo “bệnh thành tích” đòi hỏi học nâng cao, không đi học trước thì làm sao theo cô, theo các bạn được.

Vậy là tháng 9 này con vào lớp 1, tháng 4 chị Hiền đã tất tả hỏi xem khi nào cô giáo lớp 1 mở lớp dạy trước chương trình để xin cho con vào học. Chị Hiền, cũng như nhiều bậc phụ huynh khác, khó có thể yên tâm khi đe con “tay không” vào lớp 1.
Thật khó trách phụ huynh vì họ cho con đi học trước chương trình lớp 1. Họ cũng rất thương đứa trẻ bé bỏng, mới 5 tuổi đã phải tập viết chữ, tập đọc, làm Toán. Mất đi cả một khoảng thời gian của tuổi thần tiên, khi mà trẻ mầm non 5 tuổi vẫn cần được chơi nhiều hơn học, nếu có học thì chỉ phù hợp với hình thức “học mà chơi, chơi mà học”. Biết cho con học trước là vất vả cho các bé và cho chính gia đình, nhưng hầu hết các bậc phụ huynh cho rằng, nếu không vất vả như thế thì trẻ sẽ không tiếp thu được nội dung chương trình lớp 1- như yêu cầu lớp đầu tiên của cấp Tiểu học đòi hỏi.

 

Mai Hương

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo