Hội nhập AEC: Hàng hóa ASEAN sẽ đua nhau tràn vào Việt Nam
Một thị trường ASEAN mở
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, khi AEC ra đời, khoảng 90% dòng thuế quan giữa các nước thành viên sẽ giảm về 0% và 10% số thuế còn lại sẽ về 0% trong năm 2018. Ngoài ra, AEC mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp các nước ASEAN nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng thông qua việc mở ra một thị trường rộng lớn, bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường ASEAN, một thị trường rộng lớn với tổng GDP trên 2,7 tỷ USD; tăng trưởng trung bình 5 - 6% mỗi năm; thu hút đầu tư nước ngoài năm 2012 là 110 tỷ USD; tổng trị giá giao dịch thương mại đạt 2,5 nghìn tỷ USD…
Sự ra đời của AEC sẽ khuyến khích các hoạt động kinh doanh và đầu tư lớn hơn ở khu vực, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng; tạo lập một khu vực thị trường và sản xuất thống nhất. Khi tham gia vào AEC, thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn, đặc biệt là từ các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn như Singapore, Indonesia…
ASEAN hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là động lực giúp nền kinh tế nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu trong nhiều năm qua. So với năm 2002, thương mại hai chiều Việt Nam - ASEAN năm 2013 đã tăng 5 lần, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước. Giai đoạn 2002 - 2013, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang ASEAN đạt 28,4%/năm và nhập khẩu đạt 27%/năm.
Khi AEC được hình thành, các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng sang ASEAN với mức thuế suất gần về 0%. Bên cạnh đó, các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục thông quan đỡ rườm rà hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo dự báo, trước thềm AEC, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với trên 99% dòng thuế của ASEAN-6 đã về mức 0% theo Hiệp định ATIGA.
Sau khi gia nhập AEC, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thị trường xuất khẩu rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, khi thuế suất trong ASEAN giảm xuống 0%; các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện để giảm chi phí giá thành sản phẩm, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh. Theo quy định của ASEAN, các sản phẩm sản xuất có tỷ lệ nội khối 40% được xem là sản phẩm vùng và sẽ được hưởng các ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường khu vực.
Cơ hội lớn nhất mà Việt Nam có thể nhận được sau khi AEC được hình thành chính là khả năng thu hút đầu tư từ các nền kinh tế lớn và phát triển. Việc xây dựng một ASEAN thống nhất sẽ giúp các nhà đầu tư nhìn nhận ASEAN như một sân chơi chung, một công xưởng chung với nguồn nhân lực có kỹ năng và chi phí rẻ.
AEC cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh từ thủ tục hải quan, thủ tục hành chính tới việc tạo ra các ưu đãi đầu tư. Thu hút đầu tư nhiều hơn đồng nghĩa với quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra nhanh và tích cực hơn; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp; tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam phát triển ngang bằng với các quốc gia khác.
Hàng hóa ASEAN tràn vào Việt Nam
Theo bà Nguyễn Thị Bích, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế, từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết ATIGA. Sẽ chỉ còn 7% dòng thuế, tương đương trên 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm nhất chưa cắt giảm về 0%.
Như vậy, hầu hết mặt hàng của các nước trong khu vực ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam nếu đáp ứng đủ điều kiện xuất xứ theo quy định của ATIGA sẽ được hưởng thuế suất bằng 0%. Chỉ còn một số nhóm hàng đặc biệt nhạy cảm như sắt thép, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô… sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế xuống 0% vào năm 2018. Hai nhóm mặt hàng xăng dầu và thuốc lá đang được đàm phán để giảm thuế sau năm 2018. Riêng các nhóm mặt hàng đặc biệt nhạy cảm trong nông nghiệp như muối, đường, thịt gà, thịt heo, trứng, các loại hoa quả nhiệt đới như cam, quýt,… Việt Nam đã đàm phán để bảo lưu mức thuế 5%.
Với phần lớn hàng hóa trong nội khối ASEAN, liệu hàng hóa từ các nước ASEAN có ồ ạt vào Việt Nam trong thời gian tới do giá sẽ rẻ hơn, bà Bích cho rằng, hàng hóa ASEAN sẽ không ồ ạt tràn vào Việt Nam bởi lộ trình cắt giảm thuế quan ASEAN đã được thực hiện trong 15 năm qua, kể từ năm 1999. Việc cắt giảm thuế quan ASEAN đã diễn ra từng bước qua từng năm. Như trong giai đoạn 2012 - 2014, Việt Nam đã đưa trên 7.000 dòng thuế về 0% và còn lại trên 2.000 dòng thuế đã cắt giảm về thuế suất 5%.
Từ năm 2011 trở về trước, nhập siêu từ ASEAN của Việt Nam khoảng 5 - 7 tỷ USD/năm, nhưng có xu hướng giảm dần từ năm 2012 và hiện nay con số này khoảng 3 tỷ USD/năm. Mặt hàng nhập siêu chủ yếu từ ASEAN là xăng dầu, trong khi Việt Nam xuất khẩu dầu thô sang ASEAN trung bình 1,6 tỷ USD/năm và nhập xăng dầu từ ASEAN là 4,6 tỷ USD/năm. Có thể nói, nhiều mặt hàng trong nước đã có sức cạnh tranh với hàng trong khối ASEAN như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử, sản phẩm nhựa… Xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN trong 3 năm gần đây gia tăng đáng kể, chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI, trong khi nhập khẩu hầu như không tăng.
Cũng theo bà Bích, hàng hóa giao thương trong nội khối ASEAN muốn được hưởng chính sách ưu đãi theo cơ chế của ASEAN phải đáp ứng tiêu chí xuất xứ với hàm lượng giá trị được tạo ra trong ASEAN tối thiểu 40% và phải có giấy chứng nhận xuất xứ từ ASEAN (form D), do đó, không có chuyện hàng hóa các nước khác như Trung Quốc vòng qua các nước trong ASEAN để vào Việt Nam, Thái Lan và Malaysia để được hưởng ưu đãi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng cao trong 3 năm tới
AWS dự kiến đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Thái Lan
Việt Nam SuperPort cùng đối tác hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt, nâng cao năng lực thương mại quốc tế
Bộ Công Thương dẫn đầu các bộ về phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024
Giá vàng thế giới ngày 9/1/2024: Chạm đỉnh trong gần bốn tuần
Giá heo hơi ngày 9/1/2025: Nhích tăng tại miền Bắc