Triển vọng xuất khẩu cho doanh nghiệp khi Việt Nam hội nhập vào AEC
Ông Hải cho biết, theo lộ trình, vào cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành và hiện tại đang là giai đoạn nước rút của ASEAN để tiến đến mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được kỳ vọng ra đời vào cuối năm 2015.
"ASEAN đang đứng trước triển vọng tăng cường hơn nữa vị thế của mình, trở thành khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp cần hết sức linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng dự kiến từ AEC để thúc đẩy khả năng tăng quy mô kinh tế của mình với không chỉ khối thị trường ASEAN mà còn với các thị trường khác, trong đó có các thị trường ASEAN đã ký kết Hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...", ông Hải cho biết.
Nhận định về khả năng phát triển thị trường của Việt Nam khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, ông Hải cho biết, ASEAN đã và đang thành công trong việc thu hút đầu tư và tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do với một số đối tác thương mại lớn, hội nhập khu vực với nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều Hiệp định thương mại tự do của ASEAN với các đối tác thương mại trong khu vực đã có hiệu lực nhằm khai thác tiềm năng to lớn về hợp tác và tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư giữa ASEAN với các đối tác, nhắm tới một khu vực ASEAN với sự tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ và lao động có kỹ năng và tự do dịch chuyển dòng vốn.
"Với việc hiện thực hóa AEC, ASEAN sẽ trở thành một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung, hướng tới sự phát triển năng động và cạnh tranh hơn; tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam như cơ hội về cắt giảm thuế quan, hưởng lợi ích từ việc áp dụng các thuận lợi hóa thương mại. Đồng thời giúp các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ ASEAN cho hàng hóa trao đổi trong khu vực", ông Hải khẳng định.
Tuy nhiên, ông Hải cũng lo ngại việc tham gia vào AEC cũng tạo ra không ít những thách thức đối với các doanh nghiệp, bởi hiện đang có sự chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển của các nước trong khu vực, thể hiện ở cả quy mô vốn của nền kinh tế, các doanh nghiệp, trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề lao động...
Do đó, khi AEC được thành lập, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm, dịch vụ, đầu tư của các doanh nghiệp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm và có ưu thế về dịch vụ trên thế giới cũng như của các doanh nghiệp của các nước trong khu vực ASEAN khác như Singapore, Malaysia... Bên cạnh đó, các cam kết tự do hóa sẽ đi vào thực thi như cắt giảm thuế quan, hàng rào phi thuế trong ASEAN… sẽ làm gia tăng sức ép không nhỏ về sự cạnh tranh này.
“Chính phủ đang rất nỗ lực để điều chỉnh các cơ chế, chính sách để phù hợp với tiến trình thì các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt hơn nữa các cơ hội trước mắt để tận dụng được những lợi ích khi AEC được chính thức thành lập. Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ các nước trong khu vực ngay cả trong thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chủ động nghiên cứu dự báo tình hình, sức ép cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đang tiếp tục đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do khác như TPP, EU, Liên minh Hải quan, v.v…”- ông Trần Thanh Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, khi hội nhập vào AEC, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng phát triển các lợi thế ngành của mình để phát triển xuất khẩu. Theo dự đoán của ông Hải, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định với những yếu tố hỗ trợ như tiếp tục hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN +6 là 0% theo ATIGA; Tự do hóa thuế quan; Xóa bỏ hàng rào phi thuế; Cải thiện yêu cầu về quy tắc xuất xứ; Thuận lợi hóa thương mại; Đơn giản, hiện đại hóa thủ tục hải quan; Hài hòa tiêu chuẩn và chứng nhận sự phù hợp; Áp dụng các biện pháp kiểm dịch vệ sinh động thực vật phù hợp.
"Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN những năm qua, có thể thấy hai mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch và tỷ trọng lớn nhất là dầu thô (thường chiếm tỷ trọng xung quanh mức 40%) sau đó là gạo (chiếm tỷ trọng trên 10%). Như vậy có thể thấy rằng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN chủ yếu là nông sản, hải sản và khoáng sản thô. Những mặt hàng này tuy hầu hết đều được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi CEPT tại các nước nhập khẩu nhưng do có giá trị thấp, giá cả phụ thuộc vào biến động trên thế giới, nên kim ngạch xuất khẩu không ổn định", ông Hải khẳng định.
Cuối cùng, vị Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, từ những thuận lợi đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu như: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sắt thép các loại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo