Tin tức - Sự kiện

Hơn 70% người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng hàng Việt

Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết rõ hơn về hàng sản xuất trong nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam…
Đồng thời đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối hàng hóa có thế mạnh do các doanh nghiệp trong nước làm hạt nhân, tạo điều kiện các nhóm hàng hóa trên đến tay người tiêu dùng. Cùng đó là hàng loạt các giải pháp phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động phải phù hợp với cam kết quốc tế mà hàng Việt Nam là thành viên và không nhằm mục đích bảo hộ mậu dịch, bài trừ hàng ngoại hay đóng cửa nền kinh tế".
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã cho biết quan điểm như vậy về Đề án phát triển thị trường trong nước tại Hội thảo "Các giải pháp phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ này tổ chức chiều 8-5 tại Hà Nội.
 
Kết quả khả quan
 
Bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị qua 3 năm thực hiện đã bước đầu tạo phong trào, xu hướng lựa chọn và tiêu dùng hàng Việt của đông đảo nhân dân. Chưa bao giờ nhận thức của cộng đồng về dùng hàng Việt lại sâu rộng như thời gian qua. Trên thị trường hàng hóa nội địa đã dồi dào, phong phú, dần khẳng định được thương hiệu với lợi thế giá cả, chất lượng ổn định, mẫu mã đa dạng.
 
Cùng đó, các doanh nghiệp đã tiếp cận, nắm bắt nhu cầu thị trường từng vùng, từng khóm dân cư, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về giao thông; đồng thời triển khai vận chuyển hàng hóa, mở rộng mạng lưới bán buôn, bán lẻ…Hàng trăm lượt doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, doanh số bán hàng đều vượt ngoài dự kiến và số doanh nghiệp có hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng tăng lên.
 
Bà Nga cũng cho hay: Thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách cũng như hành động cụ thể nhằm khuyến khích và phát triển thị trường nội địa để tháo gỡ những khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tạo một cú hích và định hướng tiêu dùng nội địa thúc đẩy  mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên cả nước.
 
Điều này đã tác động đến những doanh nghiệp Việt Nam vốn đã quen làm hàng xuất khẩu phải quy về thị trường trong nước. Thực tế cho thấy từ năm 2009 đến nay, việc quay về thị trường nội địa là giải pháp giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn và góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua suy thoái.
 
Thống kê từ Bộ Công Thương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng Việt chiếm tỷ trọng lớn từ 80-90% là hàng sản xuất trong nước (hệ thống siêu thị Big C tỷ lệ là 90%, hệ thống siêu thị Saigon Coop chiếm 95% và hệ thống siêu thị Vinatex Mart chiếm 100%).
 
Đáng chú ý là trong hệ thống các cửa hàng bình ổn thị trường cũng có tới 90% là hàng Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà thị hiếu người tiêu dùng cũng đã có sự thay đổi đáng kể khi 71%  quan tâm lựa chọn hàng Việt và tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả cũng đã có tới trên 58% người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm.
 
Còn nhiều hạn chế
 
Theo bà Lê Ngọc Đạo, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong nước đã được chú trọng và có sự hỗ trợ tích cực ban đầu từ các cơ quan quản lý nhà nước nhưng nhìn chung các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của  sản phẩm trong nước.
 
Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng cũng như nguồn lực để đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, thực hiện công tác, quảng bá, khuyến mãi, bảo  hành cho hàng Việt để tạo sự an tâm khi sử dụng sản phẩm. Hơn nữa, công tác tuyên truyền, vận động ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ đối với một bộ phận người lao động có thu nhập thấp vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế do thói quen tiêu dùng hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng nhưng giá rẻ.
 
Không những thế, công tác quản lý thị trường hiện vẫn đang đối mặt với những khó khăn và thách thức to lớn khi một lượng không nhỏ hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa lưu thông bất hợp pháp trên thị trường cạnh tranh trực tiếp và làm ảnh hưởng tới uy tín hàng Việt Nam cũng như gây trở ngại đối với việc đầu tư, sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp trong nước.
 
Cùng quan điểm này, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam (Fivimart) cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng đến khâu kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hoặc có chú trọng nhưng không sử dụng được vì giá cao nên chất lượng sản phẩm còn hạn chế và không đều. Một số sản phẩm sử dụng nguyên liệu ngoại nhập nên phụ thuộc và giá dễ bị thay đổi theo tỷ giá của đồng ngoại tệ.
 
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng ít có tính chủ động với việc giữ giá cho sản phẩm nên giá bán thường hay thay đổi. Các sản phẩm bán chạy thường bị làm giá hoặc tạo khan hiếm giả, gây sốt hàng hoặc tăng giá theo kiểu thay đổi khối lượng, mẫu mã gây phản cảm cho người tiêu dùng.
 
Bên cạnh việc tích cực thực hiện Cuộc vận động, đại diện các Sở Công Thương và doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ về thuế, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường xuất khẩu cũng như các quy định pháp lý nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành nghề.
 
Cùng đó, Chính phủ và Bộ ngành cần sớm ban hành các quy hoạch ngành nghề cho các địa phương, các vùng và có chính sách cụ thể khuyến khích phát triển liên kết vùng giúp các địa phương mạnh dạn, kết nối  khai thác hiệu quả thế mạnh sẵn có của mình trong sản xuất sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa. Riêng các tỉnh, thành cần tích cực phát huy vai trò của mình trong việc đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu, kết nối vùng miền để hỗ trợ sản xuất, phát triển hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
 
Ngoài ra, công tác quản lý thị trường cần được thực hiện chặt chẽ cơ sở phối hợp giữa các địa phương kiểm soát tốt nguồn hàng lưu thông trên thị trường, đảm bảo chất lượng hàng hóa, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả.
 
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Với mục tiêu phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá; hỗ trợ đào tạo, tư vấn và tổ chức, quản lý phân phối hàng Việt trong nước có thế mạnh giúp doanh nghiệp và hàng Việt tiếp cận rộng hơn, sâu hơn, bền vững hơn tới người tiêu dùng cả nước, Bộ Công Thương đã đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2014-2020.
 
Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua đó nâng cao nhận thức, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và hành vi của người tiêu dùng Việt Nam. Mặt khác, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác phát triển hệ thống phân phối hàng hóa có thế mạnh trong đó doanh nghiêp trong nước sẽ làm hạt nhân./.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo