Hưng Yên: Hiệu trưởng mầm non bị tố nhiều sai phạm
Hàng loạt sai phạm
Sự việc xảy ra trong ngôi trường mầm non nhỏ bé tại xã Song Mai, huyện Kim Động, Hưng Yên từ những năm 2009, cho tới cuối năm 2011 mới bắt đầu được phanh phui. Sau khi có đơn tố cáo của hai giáo viên Vũ Hiền Lương và bà Lê Thị Toan, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh vụ việc.
Theo kết luận xác minh số 80 ngày 9/5/2011, nội dung đơn đề nghị của giáo viên Trường Mầm non Song Mai (bà Vũ Hiền Lương và bà Lê Thị Toan) về những việc làm của bà Đào Thị Lan Anh - giáo viên, nguyên hiệu trưởng trường Mầm non Song Mai do Phòng giáo dục huyện Kim Động cho thấy, bà Lan Anh từ khi làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Song Mai đã liên tiếp mắc hàng loạt sai phạm.
Cụ thể, bà Lan Anh đã thực hiện sai quy chế công khai trong nhà trường (vi phạm quy chế thực hiện công khai với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT) như tự thu chi, chi từ năm 2009-2010 không công khai rõ ràng.
Bà Lan Anh đã sai phạm khi vẫn để tên bà Trần Thị Thơm (giáo viên trường) trong danh sách giáo viên nhà trường và nhận phụ cấp hàng tháng của Nhà nước từ tháng 8/2010 đến hết tháng 3/2011 với tổng số tiền 5.840.000 đồng (trong đó đóng phí Bảo hiểm xã hội và một số khoản phí khác cho bà Thơm là gần 2,5 triệu đồng), mặc dù thời gian này bà Thơm xin nghỉ không đi làm và cũng không ký hợp đồng lao động với nhà trường năm học 2010-2011.
Cũng theo nội dung kết luận, bà Lan Anh quản lý công tác chuyên môn trong nhà trường sai quy chế, vẫn trả tiền lương cho bà Đào Thị Bằng trong thời gian bà này đi học tự túc 7 tháng với tổng số tiền 7 triệu đồng và cả tiền công trưa khi hầu như không tham gia đứng lớp.
Ngoài ra, bà Lan Anh với cương vị hiệu trưởng đã cho giáo viên dồn học sinh các lớp lại giao một số giáo viên trông, còn những giáo viên khác về nhà mình làm hộ việc riêng (xây nhà).
Kết luận cũng nói rõ, bà Lan Anh quả lí công tác chuyên môn trong nhà trường sai quy chế khi đã lợi dụng chức quyền cho bà Đào Thị Bằng (chị chồng) làm thủ quỹ và đứng lớp 50% lớp 5 tuổi tại khu Mai Xá, đến nay bà Bằng không hề có bất cứ loại hồ sơ sổ sách nào của giáo viên đứng lớp. Tất cả các đợt hội giảng đều không tham gia.
Ngoài ra, theo kết luận xác minh, bà Lan Anh có nhiều hành vi ứng xử, phát ngôn không có tính sư phạm, không chuẩn mực trong trường.
Kết luận số 28 ngày 11/11/2011 của Ủy ban nhân dân xã Song Mai cho rằng, để xảy ra những sai phạm trên là do trình độ quản lí tài chính, kinh tế non kém, kém hiểu biết của vị hiệu trưởng này. Tuy nhiên, điều đặc biệt cần lưu ý trong vụ việc này là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thể hiện sự buông lỏng kiểm tra giám sát đã để cho Trường Mầm non Song Mai tùy tiện, tự thu, chi các năm 2009-2010 dẫn đến thu, chi không sổ sách.
Hiện những người tố cáo vẫn chưa đồng ý với kết quả xác minh về một số nội dung nên tiếp tục khiếu nại của các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Kim Động.
Theo bà Vũ Hiền Lương, việc thu hồi hơn 10 triệu đồng của bà Đào Thị Lan Anh và bà Đào Thị Bằng do vi phạm quy định về quản lý kinh tế là chưa phù hợp: “Chúng tôi vẫn chưa nhất trí với kết luận của Ủy ban nhân dân xã con số hơn 10 triệu đồng trên. Tôi nghĩ không dừng lại ở mức 10 triệu mà phải nhiều con số đó”, bà Lương khẳng định.
Bà Vũ Hiền Lương, người trực tiếp nộp đơn tố cáo nguyên hiệu trưởng Đào Thị Lan Anh nói rằng,
bản kết luận vừa qua của các cơ quan chức năng là chưa chính xác. Ảnh: Xuân Trung
“Cảnh cáo” bằng cách điều chuyển
Những sự việc liên quan tới bà Đào Lan Anh đã được Ủy ban nhân dân xã Song Mai phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có Phòng Giáo dục & Đào tạo xác minh làm rõ một số sai phạm trong công tác của bà Lan Anh và ngày 15/8/2011, Ủy ban nhân dân huyện Kim Động cũng đã có quyết định kỷ luật đối với bà Lan Anh ở hình thức... "cảnh cáo". Sau đó 3 ngày, 18/8/2011, bà Lan Anh đã được điều chuyển công tác sang làm Hiệu trưởng Trường mầm non Vũ Xá (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên).
Tuy nhiên, trên thực tế, việc điều chuyển này vấp phải sự phản đối gay gắt của các giáo viên trong Trường Mầm non Vũ Xá và các bậc phụ huynh. Thậm chí, tập thể giáo viên nhà trường đã làm đơn đề nghị đến các cơ quan chức năng không chấp nhận bà Lan Anh về làm hiệu trưởng tại trường, còn các bậc phụ huynh phản đối bằng cách không cho con đi học.
Có mặt tại trường mầm non Vũ Xá, chúng tôi dò hỏi những giáo viên ở đây về cách điều hành, quản lí của bà Lan Anh từ khi về làm việc tại trường. Hầu hết đều gặp những ánh mắt e ngại, rất ít người dám chia sẻ ý kiến, bởi hầu hết đều lo sẽ bị “trả thù”.
Một trong số những người chia sẻ với chúng tôi là bà Phạm Thị Ngoãn, nguyên giáo viên Trường Mầm non Vũ Xá cho biết, từ khi về nhận chức tại Trường Mầm non Vũ Xá, tân Hiệu trưởng Đào Thị Lan Anh đã làm sai phạm quy định của ngành giáo dục khi thường xuyên dự giờ không theo quy định các lớp học, cho các giáo viên đi dọn vệ sinh trong giờ lên lớp, giữa trưa khi các cháu đang ngủ vào kiểm tra khiến trẻ mất ngủ làm lớp mất ổn định...
Những việc làm của bà Đào Thị Lan Anh thường vấp phải sự phản đối của tập thể giáo viên, điển hình như từ khi về Trường Mầm non Vũ Xá, chưa khi nào bà Lan Anh triệu tập được một cuộc họp nhà trường, nội bộ tại trường này đang tiếp tục có nhiều vấn đề.
Theo GDVN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loài cá duy nhất trên thế giới không ai bắt được khi còn sống: Dài đến 9m, được yêu thích ở Việt Nam
Một ngôi mộ cổ được tìm thấy trong hồ chứa nước, ngay cả những chiếc đinh trong quan tài cũng bằng vàng, chủ nhân của ngôi mộ là ai?
Y học Ai Cập cổ đại đã biết điều trị ung thư từ 4000 năm trước? Dấu vết điều trị 'ung thư' gây sốc được tìm thấy
Vàng đến từ đâu và được hình thành như thế nào?
Top 10 loài động vật dài nhất thế giới: Vị trí số 1 lên tới 55 mét
Top 5 con ‘quái vật’ bí ẩn gây ám ảnh nhất cho người Việt Nam: Con thứ 2 hoàn toàn có thật trên đời!