Khám phá

Hướng dẫn con có ý thức trách nhiệm

Trong xã hội ngày nay có rất nhiều thanh thiếu niên chưa có khái niệm gì về trách nhiệm. Nhiều bậc cha mẹ chưa yêu cầu con cái mình phải chịu trách nhiệm trong gia đình.


Hậu quả là trẻ lớn lên không có trách nhiệm trong các môi trường khác, ví dụ như trường học và cơ quan, hay thậm chí không có cả trách nhiệm chăm sóc chính bản thân mình. Chính vì vậy, việc cha mẹ dạy con cái biết ý thức về trách nhiệm của mình là một điều vô cùng quan trọng. Điều này không hề đơn giản nhưng nếu kiên trì thi nó sẽ mang lại những hiệu quả vô cùng lớn lao cho tương lai.

Đặt ra kỳ vọng đối với trẻ

Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà cha mẹ cần làm đó là đặt ra những kỳ vọng đối với con trẻ. Khi bạn có những kỳ vọng đối với con và mong con đạt được kỳ vọng đó, bạn sẽ từng bước giúp con thành công trong việc đạt được kỳ vọng của bạn và sau đó là các kỳ vọng khác trong cuộc sống của trẻ. Đây chính là bước đầu tiên trẻ có thể học cách chịu trách nhiệm trong cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, một điều cần lưu ý đó là cha mẹ chỉ nên đặt ra những kỳ vọng phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của trẻ. Chúng ta không nên đặt ra những kỳ vọng quá cao khiến trẻ không thể đáp ứng được. Những kỳ vọng đó phải rõ ràng và nằm trong khả năng của con.

“Trận chiến” việc nhà

Khi bạn bắt đầu giao cho trẻ trách nhiệm bằng cách phân công trẻ làm việc nhà thì rất có thể bạn sẽ bị cuốn vào một “trận chiến”. Phần lớn trẻ đều không hứng thú với việc nhà, đặc biệt là khi chúng đáng “tám” qua điện thoại, đang đi chơi, hoặc đang chat chit online với bạn bè. Tuy nhiên, trẻ cần phải hiểu được rằng trách nhiệm là điều không thể thiếu trong cuộc sống, dù chúng thích hay không, và việc nhà là một phần trong cuộc sống đó.

Tuyệt đối không để trẻ thắng trong “trận chiến” này. Hãy chắc chắn rằng trẻ phải hoàn thành những việc nhà mà bạn giao. Nếu không, trẻ sẽ bị cắt một số ưu tiên. Hoàn thành trách nhiệm là một trong những điều kiện tiên quyết để được hưởng các ưu tiên. Suy cho cùng thì đây chính là sự vận hành của cuộc sống. Điều quan trọng là trẻ phải học được những bài học này khi chúng đang ở độ tuổi thanh thiếu niên thay vì khi đã trưởng thành vì lúc đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Tùy thuộc vào độ tuổi, tính cách và những việc nhà của gia đình mà mỗi bậc cha mẹ có thể đặt ra những việc nhà, những trách nhiệm phù hợp với con mình, ví dụ như dọn dẹp phòng ngủ của trẻ, sắp xếp đồ đạc cá nhân gọn gàng, dọn dẹp phòng tắm… Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể giao cho trẻ làm việc vặt chung của cả gia đình, ví dụ như rửa bát, giặt quần áo… Không cần bắt trẻ làm quá nhiều, chỉ cần những việc đơn giản và chiếm khoảng 15 đến 30 phút mỗi ngày là một sự khởi đầu hợp lý trong quá trình giúp trẻ dần học được cách chịu trách nhiệm.

Cho trẻ lựa chọn


Không nên bắt trẻ phải làm việc nhà hoặc các nhiệm vụ giống nhau lặp đi lặp lại hàng tuần. Mỗi tuần, cha mẹ có thể cùng trẻ thảo luận về những việc cần làm trong tuần của cả nhà và cùng nhau phân công ai làm việc gì, từ cha mẹ cho đến trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ thấy công việc không nhàm chán và cảm thấy mình đang trưởng thành hơn và rằng sự giúp đỡ của mình có giá trị.

Khen thưởng khi trẻ có tinh thần trách nhiệm


Việc khen thưởng trẻ khi trẻ hoàn thành trách nhiệm là một điều cần thiết và quan trọng. Đây chính là một biện pháp hiệu quả để khuyến khích trẻ làm việc chúng cần phải làm. Cha mẹ có thể chỉ cần nói một câu “cảm ơn” đơn giản cũng đủ cho trẻ thấy rằng việc mình có ý thức trách nhiệm được đánh giá cao. Ngoài ra, có một số hình thức khen thưởng khác, ví dụ như tặng trẻ một đĩa CD hoặc một cuốn sách trẻ thích, đưa trẻ đi ăn món tủ của mình… Đương nhiên, chúng ta không thưởng cho từng việc trẻ làm vì điều đó sẽ khá tốn kém. Hãy khen thưởng thích hợp để trẻ biết rằng bạn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của con trong việc hoàn thành việc bạn giao.

 

 

Minh Thúy ( Theo An ninh thủ đô )

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo