Tin tức - Sự kiện

Huyền thoại Đá Hồng Ngọc xây Lăng Bác

Câu chuyện về đá Hồng Ngọc của bản Duồng được dùng để hoàn thiện Lăng Bác Hồ đã trở thành huyền thoại đối với người dân nơi đây.

40 năm trước khi xây dựng Lăng Bác Hồ, Bộ Chính trị đã quyết định chọn đá Hồng Ngọc (bản Duồng, xã Điền Hạ, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) để làm cờ Tổ quốc và cờ Đảng. Chuyện đá của bản được dùng để hoàn thiện Lăng Bác Hồ trở thành huyền thoại đối với người dân nơi đây.

 

Năm 1974, việc tìm đá xây Lăng Bác Hồ được Bộ Chính trị gấp rút triển khai. Các nhà địa chất đã tìm kiếm, nghiên cứu hàng trăm loại đá. Cuối cùng Bộ Chính trị đã lựa chọn loại đá Hồng Ngọc để ghép làm cờ Tổ quốc và cờ Đảng trong trong Lăng của Người.

 

Đá Hồng Ngọc có niên đại 400 triệu năm

 

Từ Thủ đô Hà Nội, vượt quãng đường hàng trăm cây số, chúng tôi đã về nơi đây gặp những nhân chứng sống, vinh dự góp công sức vào việc xây Lăng Bác Hồ.

 

Cụ Chủ lưu giữ viên đá Hồng Ngọc như bảo vật của mình.

 

Theo sự giới thiệu của ông Lục Công Đính, Chủ tịch UBND xã Điền Hạ, chúng tôi gặp cụ Trương Phúc Chủ, người được phân công chỉ đạo công trường khai thác đá năm xưa. Cụ Chủ năm nay đã hơn 85 tuổi nhưng rất khoẻ, cụ vẫn nhớ như in những kỷ niệm khi khai thác đá. Mở đầu câu chuyện, cụ Chủ giải thích cho chúng tôi về lý do Bộ Chính trị quyết định chọn đá ở bản Duồng chứ không phải đá nơi khác làm cờ đặt trong Lăng Chủ tịch.

 

“Các chuyên gia địa chất nói rằng, họ đi khắp nơi, tìm kiếm và phân tích hàng trăm loại đá quý. Nhưng khi nhờ chuyên gia Nga thẩm định thì họ đều lắc đầu, vì không đạt tiêu chí đề ra. Sau này, khi phân tích chất đá ở bản Duồng họ đồng ý. Đá đỏ nhiều nơi có, nhưng đây là đá trầm tích, chứa nhiều silic. Có tính chất riêng biệt đáp ứng nhiều tiêu chí như: Độ bền, không rạn nứt nhiều và không bị ăn mòn bởi nước. Kể cả axit cũng không thể ăn mòn. Đá đỏ này nằm trong lớp đá dày, lắng đọng từ trầm tích biển cánh đây 400 triệu năm”, cụ Chủ kể.

 

Cụ Chủ khi đó đương chức là Trưởng phòng Giáo dục huyện Bá Thước, là người có uy tín đối với dân chúng trong vùng. Vì thế, cụ được lãnh đạo huyện Bá Thước phân công trực tiếp chỉ đạo người dân khai thác đá.

 

Theo cụ Chủ: “Cuối năm 1973, đầu năm 1974 chính quyền địa phương đã huy động hàng nghìn người dân tham gia khai thác đá. Tất cả các xã trong huyện đều góp công, góp sức. Vào buổi sáng, hàng nghìn người dân từ các xã trong huyện kéo về bản Duồng để khai thác đá. Họ đến từ nhiều bản làng khác nhau, nhưng đều rất nhiệt tình khi tham gia công việc. Chúng tôi phân chia từng nhóm để đào đá. Và trong từng nhóm, phân chia nhiệm vụ mỗi người. Khi đó ngọn đồi Chợ Phét của bản Duồng như một đại công trường”.

 

Lăn đá trên bè gỗ

 

Việc khai thác đá Hồng Ngọc quả thực hết sức gian nan, tất cả các công đoạn đều thực hiện bằng thủ công. Cụ Chủ sợ, nếu dùng xà beng hay dùng kim khí đào dễ gây đá bị sứt mẻ. Vì thế, cụ yêu cầu người dân phải dùng gậy tre, hay cây gỗ xẻ ra để đào. Đá đào được đến đâu, tổ chức vận chuyển đến đó.

 

Cụ Chủ tổ chức vận chuyển đá bằng cách chặt thân cây làm đòn gánh, đặt đá lên vai cho mọi người gánh xuống chân đồi. Cách vận chuyển này là phương án tối ưu nhất, giúp cho đá được giữ nguyên vẹn.

 

Cụ Chủ cho hay, việc khai thác đá cam go nhất vào thời điểm cuối. Khi đó, gần đến hạn phải hoàn thành số lượng đá để đưa về Thủ đô, nhưng lượng đá vẫn chưa đủ. Cụ đốc thúc mọi người thay phiên nhau làm suốt ngày đêm.

 

Ông Đính đặt viên đá Hồng Ngọc ở vị trí trang trọng tại phòng làm việc.

 

“Nhờ nỗ lực của mọi người, chúng tôi phát hiện thêm một tảng đá khoảng 3m3, nặng khoảng 7 tấn, nằm cheo leo trên đồi Chợ Phét. Tôi vừa mừng vừa lo. Do khối đá quá lớn, không thể dùng sức người để vận chuyển. Nếu lăn khối đá xuống dưới, chắc chắn sẽ không còn nguyên vẹn. Như thế, đá không đảm bảo chất lượng. Trước khó khăn đó, chúng tôi đưa ra nhiều phương án. Trong đó, có phương án sẽ huy động dân chúng phá bỏ đi 3 ha rừng để làm bãi trống, sau đó nhờ Bộ Chính trị cấp cho chiếc trực thăng để cẩu đá xuống dưới. Nhưng nếu thế phải mất cả tháng trời để thực hiện. Như thế sẽ không kịp thời gian giao đá xây dựng Lăng”, cụ Chủ kể.

 

Sau rất nhiều ý kiến đưa ra, cuối cùng cụ Chủ đã quyết định phương án chặt cây trên rừng kết thành bè gỗ. Bè gỗ này được trải dài từ trên xuống dưới chân đồi. Sau đó, cho khối đá nằm trên gỗ để lăn xuống chân đồi. Mưu kế này của cụ Chủ đưa ra khiến người dân hào hứng, ai nấy đều khen ngợi cụ thông minh. Chỉ hơn một tuần, tốn ít công sức tảng đá được đưa xuống chân đồi một cách nguyên vẹn.

 

Để đưa khối đá lớn lên xe ô tô quả thực gian nan. Khi đó, kích và ròng rọc không thể đưa khối đá lên xe. Mọi người phải đào hầm dưới lòng đất, để cho ô tô lùi tới rồi dùng sức lăn khối đá vào thùng xe. Để xe ô tô có thể vào chân đồi chở đá, mọi người phải phá đá, mở đường trong vòng cả tháng trời. Công sức của người dân là không có gì đo đếm được.

 

Ông Nguyễn Văn Ngọc, nguyên Giám đốc Xí nghiệp vôi đá Đông Tân, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 1974, ông được mời lên Điền Hạ, Bá Thước giám sát kỹ thuật khai thác đá. Việc tuyển chọn đá rất kỹ càng, đá rạn nứt sẽ bị loại. Chính vì thế, suốt 7 tháng trời với hàng nghìn người khai thác, cuối cùng chỉ có 30 khối đá được sử dụng để làm Đảng kỳ và quốc kỳ trong Lăng Bác.

 

Mỏ đá thành khu trồng hoa màu

 

Theo chân ông Phạm Văn Lệch, Bí thư Chi bộ bản Duồng, chúng tôi leo lên đồi Chợ Phét – cách đây 40 năm công trường khai thác đá quý Hồng Ngọc đã diễn ra ở đây. Khi đó, ông Lệch còn nhỏ, nhưng ông được bố mẹ kể nhiều câu chuyện về khu đồi huyền bí này. “Có lần bố đưa tôi lên đây, kể về quá trình khai thác đá gian khổ, nhưng hết sức tự hào của dân bản. Bố tôi bảo, loại đá này trên thế giới chỉ có duy nhất ở bản chúng tôi”, ông Lệch kể.

 

Ông Lệch cho hay, trước đây ngọn đồi này rừng cây rất rậm rạp. Nhưng những năm qua, Nhà nước giao cho các hộ dân quản lý, vì thế họ đã phát quang bụi rậm để canh tác sản xuất hoa màu. Những hố đào đá năm xưa, giờ người dân cũng đã san lấp mặt bằng để trồng cây lương thực.

 

Hiện trên ngọn đồi này, vẫn còn lại dấu tích của 40 năm về trước. Đó là những hòn đá Hồng Ngọc còn sót lại. Những hòn đá này xưa kia người dân đào dưới lòng đất lên, nhưng cán bộ kỹ thuật kiểm tra không đủ tiêu chuẩn nên đành bỏ lại.

 

Người dân nơi đây rất tự hào vì đã đóng góp một phần công sức cho việc xây dựng Lăng Bác Hồ. Vừa qua, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có văn bản gửi các cơ quan ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa, đề xuất phương án thăm dò và khai thác đá Hồng Ngọc. Dự kiến họ sẽ khai thác khoảng 100m3 đá để xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu Di tích K9. Ông Lục Công Đính (Chủ tịch UBND xã Điền Hạ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).
Theo Kiến thức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo