Khám phá

“Bạo chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn: Chân tướng kẻ tàn độc

Ngày ngày, Cẩn vận áo bà ba lụa trắng, chân đi guốc mộc, miệng bỏm bẻm nhai trầu, luôn mồm ra lệnh để sai khiến người hầu, kẻ hạ….

Chiến dịch tình báo thành công nhất của Liên Xô trong Thế chiến II / Bi kịch của Nữ hoàng cuối cùng Hawaii

Con đường chạy ngang từ bờ sông An Cựu dẫn lối lên nhà thờ chánh tòa của họ đạo Phủ Cam đã rất nhiều năm lặng lẽ, náu mình trong tiếng chuông rung và lời cầu kinh của những con chiên ngoan của Chúa. Bỗng một ngày trở nên nhộn nhịp đến lạ thường, ngay cả những giáo dân đi lễ nhà thờ lệ thường vẫn khép nép, nay khuôn mặt nào cũng trở nên rạng rỡ, họ nhanh chóng truyền tai nhau cái tin Hoàng đế Bảo Đại đã ban hành quyết định thuận tình đưa Ngô Đình Diệm trở về Việt Nam để làm Thủ tướng. Người ta nhìn thấy lối vào nhà của “mệ cố” Anna Phạm Thị Thân và đứa con trai mê cờ bạc, đá gà, câu cá… trở nên tấp nập người ra, kẻ vào.

Những kẻ thức thời đó không ai khác là các nhân vật tham gia đảng phái chính trị, những sĩ quan quân đội, cảnh sát quốc gia và cả những kẻ từng có quá khứ theo Việt Minh để tham gia kháng chiến nay vì không vượt qua được những cám dỗ đời thường nên “dinh tê” về thành để đầu hàng theo địch… tất cả những con người “xôi thịt” ấy đều khúm núm đến gõ cửa căn nhà rường cổ để vái chào Út Cẩn.

Những ngày sau khi ông anh Ngô Đình Diệm được về nước nắm quyền, cũng là lúc ở miền Trung, Cẩn biểu lộ một cách rõ nét sự trịch thượng, khinh người của một gã trọc phú mang dáng dấp của một phú nông hách dịch ở một số làng quê thời phong kiến. Ngày ngày, Cẩn vận áo bà ba lụa trắng, chân đi guốc mộc, miệng bỏm bẻm nhai trầu, luôn mồm ra lệnh để sai khiến người hầu, kẻ hạ… Cứ mỗi lúc cần đến ai đó là ngay lập tức, Cẩn cầm chiếc chuông nhỏ trên tay để rung rung làm hiệu. Rủi cho gia nô nào mà không đáp ứng kịp yêu cầu của Cẩn là cầm chắc bị nhiếc mắng thậm tệ hoặc là đánh đập đến khi nào thấy máu chảy mới chịu buông tay…

Nhiều bậc cao niên am tường về gia đình họ Ngô Đình ở Huế đã nói rằng: Sở dĩ sau khi nắm quyền hành trong tay, ông Cẩn thường có lối sống ngạo mạn, khinh khi với mọi người là vì những tháng năm trước đó, ở Huế không mấy ai thiện cảm với gia đình ông. Những người sống xung quanh nhà thờ chánh tòa Phủ Cam vẫn kể với nhau rằng: Khi ông Ngô Đình Khả bị triều đình An Nam bãi chức. Ông Khả thường mặc đồ màu nâu, quần ống cao, ống thấp, chân đi guốc gỗ và thường đến ngồi trước sân nhà thờ Phủ Cam, miệng lẩm bẩm chửi bới đích danh các vị quan lớn đương triều… Và họ cho rằng, cách hành xử của ông Khả là "thái độ hằn học một cách sống sượng với các vị đại thần, việc làm này biểu thị thái độ căm thù vì quyền lợi bị mất mát, con đường hoạn lộ bị bế tắc…".

Người con trai cả của gia đình ông Khả là Ngô Đình Khôi, khi đương chức Tổng đốc tỉnh Quảng Nam - một tỉnh lớn thứ hai của triều đình An Nam và của xứ Trung Kỳ cũng là một ông quan ô lại và có tác phong bê bối. Nhiều câu chuyện ông Khôi tằng tịu với vợ con của thuộc cấp và ăn hối lộ kể cả những đồng tiền rất nhỏ, cho đến bây giờ vẫn còn nhiều người nhắc đến…

Thời bấy giờ, những dòng họ có người làm quan to ở Huế như họ Phạm, họ Võ, họ Thân Trọng, Hồ Đắc, Trương Như, Nguyễn Khoa, Tôn Thất… đều coi anh em nhà họ Ngô Đình như người xa lạ, nếu không muốn nói là như kẻ thù. Sở dĩ có tình trạng đó là vì dòng họ Ngô Đình vừa theo đạo Thiên Chúa vừa không xuất thân từ hàng khoa giáp, không có trình độ học vấn cao mà chỉ dựa vào thế lực của các cố đạo và các quan cai trị Pháp để được thăng quan tiến chức một cách mau lẹ…

>> Xem thêm: Đồ cổ độc đáo ở Hà thành

Anh em Ngô Đình Cẩn trong ngày mừng thọ bà Anna Phạm Thị Thân.
Vậy là chỉ sau một đêm ngủ dậy, từ một cậu ấm con của ông quan đại thần bị bãi chức, ngày ngày chỉ biết câu cá, đá gà, gái trai, cờ bạc, cây cảnh, chim muông… đã trở thành "ông cậu" - một nhân vật quan trọng bậc nhất trong dòng họ Ngô Đình có mặt ở miền Trung mà hầu hết những người đang sinh sống, làm việc, kinh doanh… trên miền đất ấy đều phải nể sợ. Núp bóng dưới uy quyền của ông anh làm thủ tướng, Cẩn là một kẻ xu thời nên thay đổi khá nhanh, kiểu hống hách của một kẻ có người nhà đứng đầu thiên hạ. Tuy nhiên, cũng không dễ một sớm một chiều mà có thể lột xác được hoàn toàn cung cách và bản chất của một kẻ quê mùa, bặm trợn ấy.

Sau khi ông Diệm nắm quyền, ngôi nhà ở dốc Phủ Cam, nơi Ngô Đình Cẩn đang phụng dưỡng mẹ già được nhà cầm quyền biệt phái đến một tiểu đội lính bảo vệ do đại úy Tôn Thất Độ, người ở xã Hương Hồ, huyện Hương Trà làm chỉ huy. Những sĩ quan và hạ sĩ quan trong tiểu đội này có nhiệm vụ phục dịch trong nhà, làm công tác vệ sinh, chăm lo cây cảnh, chim chóc, đặc biệt là còn phụ trách luôn công việc đồng áng, mùa màng cho mấy mẫu ruộng ở vùng An Cựu và vùng ven của các lăng vua Nguyễn.

Sau này, có một người từng là lính trong tiểu đội biệt phái bảo vệ gia đình Ngô Đình Cẩn kể lại: Mặc dù trong nhà ông Cẩn, tiền bạc châu báu chất chồng nhưng ông Cẩn vẫn lưu cữu cái tính keo kiệt, bủn xỉn như thuở hàn vi. Vì lẽ đó mà những quân nhân trong tiểu đội biệt phái bảo vệ gia đình ông Cẩn hàng tháng phải chung tiền nhau lại để mua chổi, bóng đèn, vòi nước, gạch đá, dụng cụ làm vườn và rất nhiều thứ gia dụng linh tinh khác… vì đã có lần họ xin ông Cẩn cấp ngân khoản để bảo trì hàng tháng, nhưng đã bị ông ta mắng chửi rất thậm tệ và còn dọa đuổi khỏi đơn vị tác chiến…

Bên cạnh những quân nhân bị đối xử chẳng khác nào những gia nô khác, ông Cẩn còn có một văn phòng quân chính (quân sự và chính trị) do đại úy Minh (một người Công giáo di cư) làm chánh văn phòng để lo việc giấy tờ, thư tín và liên lạc với những người ở bên ngoài.

Giai đoạn này, hàng ngày Cẩn chỉ việc ngồi ở nhà ăn trầu, uống rượu, nhận quà đút lót và tiếp chuyện bọn xu nịnh, bọn đến nhỏ to hiến kế cơ hội để hoạt động, bọn chạy chức, chạy quyền, mua quan bán tước… những cuộc tiếp xúc, giao kèo ấy cũng giúp Cẩn kiếm được tiền, tuy rằng nó vẫn mang tính chất người ta đến với thế lực hậu trường của ông anh thủ tướng. Thông qua sự ngọt nhạt của đám chầu rìa xu nịnh, dần dần Cẩn cũng cảm thấy thích thú và cần thiết phải có thực quyền riêng. Cẩn biết, để khuynh đảo được mọi chuyện ở miền Trung, chẳng còn cách nào khác hơn là Cẩn phải có một vị trí quyền lực chính danh trong bộ máy cai trị của ông anh Ngô Đình Diệm.

Từ đó, Cẩn mới tạo dựng vây cánh xung quanh mình, để làm việc cho mình. Nghĩ là làm, Cẩn lập ngay một dự án tổ chức hoạt động của phe nhóm chính trị, mà thực chất là tổ chức mật vụ trá hình dưới một chức danh do Cẩn đứng đầu "Cố vấn chỉ đạo các đoàn thể cách mạng trong và ngoài nước: "để đệ trình lên hai ông anh trai mình là Thủ tướng Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu. Khi hồ sơ, dự án này được gửi vào Sài Gòn để chờ đợi sự đồng ý của hai ông anh trai, thì tại Huế, Cẩn ráo riết thiết lập bộ máy hoạt động riêng không dính líu đến các tổ chức định chế của chính quyền Sài Gòn ở Thừa Thiên và Trung phần.

Bộ máy mật vụ của Cẩn gồm những tên giang hồ, dao búa, những tên sĩ quan khét tiếng gian ác, những phần tử "dinh tê" phản bội cách mạng kháng chiến và cả những kẻ môi giới chính trị… tất thảy kết thành một lực lượng vũ trang trá hình đặc biệt, liên tục tiến hành các hoạt động bắt bớ, thủ tiêu những người Cộng sản, những nhà yêu nước và bất cứ ai dám đối đầu với Ngô Đình Cẩn.

Một mặt, Cẩn cho đám tay chân thân tín rêu rao, tuyên truyền: "Ông cậu có mệnh đế vương. Triển vọng không làm được quốc trưởng thì cũng làm tổng thống sau khi ông Diệm hết nhiệm kỳ". Cẩn rất khao khát được ông anh thủ tướng thuận tình bổ nhiệm cho cái chức "Cố vấn chỉ đạo các đoàn thể chính trị trong và ngoài nước". Vì chỉ có địa vị của tổ chức ấy mới tạo cho Cẩn một hậu thuẫn vững vàng.

Quyền hành ấy cho phép Cẩn được ban ơn cho bọn tay chân, để chúng hoạt động một cách đắc lực và trung thành, gây ảnh hưởng thanh thế cho Cẩn. Hơn thế, Cẩn cũng nắm được một lực lượng hậu thuẫn đủ mạnh để đối mặt với những khó khăn có thể xảy ra, và một khi Diệm không còn nữa, thì Cẩn sẽ đủ thế lực để ra tranh cử chức vị tổng thống.

Vì Cẩn có công chăm nuôi mẹ già, hương khói cho cha và giữ nhà thờ hương hỏa nên từ giám mục Ngô Đình Thục, tổng thống Diệm, cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu và vợ là Trần Lệ Xuân cũng đều phải "nể mặt" cưng chiều đôi chút như hồi Út Cẩn còn hàn vi. Chính vì sự cưng chiều đó mà cả Diệm và Nhu đều phải giả câm, giả điếc, mặc cho đứa em ngỗ ngược của mình làm mưa, làm gió, thao túng, đọa đày dân chúng ở miền Trung…

Cẩn cậy thế nuôi mẹ và được bà Anna Phạm Thị Thân hết mực thương yêu. Sau khi ông Diệm ngồi vào ghế tổng thống VNCH… thì Phủ tổng thống nhận ngay được một bức điện tín khẩn được gửi đi từ Huế. Bức điện có nội dung: "Mợ đau thập tử nhất sinh, e không thể qua khỏi mấy ngày nữa…".

Tin điện khẩn cấp ấy đã khiến ông Diệm phải bỏ dở công việc ở Sài Gòn để bay về Huế thăm mẹ. Khi Diệm đi chuyến phi cơ đặc biệt đến sân bay Phú Bài, thằng em ma mãnh không chịu ra đón như bọn tay chân, việc này làm Diệm trên đường từ sân bay về nhà ở dốc Phủ Cam rất lo lắng. Khi xe về đến cổng nhà, Diệm lại càng lo hơn khi không thấy ai ra đón, cánh cổng chính vẫn đóng im lìm.

Trong khi Diệm chưa biết xử trí thế nào thì Cẩn đã cho người ra nói với Diệm: "Ông cậu cho hỏi, cụ về đây với tư cách tổng thống đi kinh lý, hay là con trai về thăm mẹ, nếu là con về thăm mẹ thì đừng bắt phải mở cửa chính ra đón tiếp". Nghe xong, Diệm tức đến trào nước mắt, nhưng sau khi trấn tĩnh lại, ông ta vẫn theo người nhà đi đường cửa phụ để vào bên trong, đến bên giường bà Thân đang nằm để vấn an. Lúc đó, bà Thân đã nói với Diệm bằng những lời trách móc nhẹ nhàng: "Bấy lâu anh bôn ba, chỉ có thằng út ở nhà với mợ. Khổ sở lắm. Mợ thương thằng út thiệt thòi, mà con không nâng đỡ nó làm mợ tủi buồn". Diệm ngớ người nói với mẹ: "Thưa mợ! con có mần chi hắn mô?".

Bà Thân lại thở dài: "Con bây chừ quyền cao tột bực, con cần phải lo cho các em, mà nhất là thằng Cẩn. Nó ít học nhưng có hiếu với mợ lắm. Mợ chỉ mong con đừng làm chi cho em phải buồn phiền". Nghe mẹ trách móc những chuyện liên quan đến Cẩn. Diệm chợt nhớ đến bức thư cùng dự án hoạt động của "Cố vấn chỉ đạo các đoàn thể chính trị trong và ngoài nước" nên thở dài thưa với bà Thân: "Con xin vâng lời mợ, con xin để Út Cẩn làm "cố vấn chỉ đạo miền Trung". Nói xong, Diệm cúi đầu chào mẹ rồi trở lại Sài Gòn ngay trong hôm ấy.

Lúc còn lép vế, suốt ngày thui thủi bên mẹ già, Cẩn hay bị người đời khinh miệt, nên găm lòng căm giận thề sẽ trả thù, thậm chí Cẩn từng tuyên bố "mai sau nếu có quyền sẽ "thịt" ngay bất cứ ai dám coi thường Cẩn". Vì lẽ đó mà chỉ một thời gian ngắn sau khi được dựa thế cầm quyền của anh trai Ngô Đình Diệm. Ở Trung phần, Cẩn đã nổi tiếng tàn bạo với các cuộc thanh trừng những người vốn trước đây có hiềm khích với Cẩn.

Khi Cẩn ra tay, tất nhiên những con người xấu số đó một là phải chết, hai là phải sụp lạy dưới chân Cẩn để quy hàng, ví như dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, người Quảng Trị, Giám đốc Hãng thuốc O.P.V. Với lý do trước đó, Thăng là bạn thân của kẻ thù Ngô Đình Cẩn, đồng thời khi Cẩn còn lận đận, Thăng từng chê bai Cẩn là "hạng nhai trầu, dựa thế tên tuổi cha anh mà làm tàng, hàng chánh tổng cày ruộng làm sao đòi lên làm lãnh tụ…".

Thâm thù như thế, nên khi có quyền trong tay, Cẩn quyết phải trừng trị Thăng bằng mọi giá. Cẩn ra lệnh cho đám thuộc hạ gồm Lê Quang Tung, Trần Thái (Thái Đen) ném lựu đạn vào tiệm thuốc Trường Tiền nằm trên đường Trần Hưng Đạo - Huế của dược sĩ Thăng. Bị khủng bố, Thăng quá lo sợ, đành phải nhờ người có thế lực môi giới để đến yết kiến với "cậu Cẩn" nhằm mục đích xin tạ tội và quy hàng. Lễ ra mắt là 200.000 đồng bạc, đồng thời Thăng tình nguyện lo việc kinh tài cho Ngô Đình Cẩn để chuộc lại cái tội "nhỡ hỗn láo với ông cậu trước đây". Sau buổi ra mắt ấy, nhà thuốc Trường Tiền của dược sĩ Thăng được chuyển giao cho người của Cẩn quản lý, còn Thăng thì vào Sài Gòn để tiếp xúc với vợ chồng Ngô Đình Nhu theo sự giới thiệu của Cẩn.

Sau chuyến Nam du ấy, Thăng được chỉ huy ngành xuất nhập cảng thuốc Tây để lo chuyện kinh tài cho anh em họ Ngô. Ít lâu sau, Thăng trở thành một dân biểu tích cực của chế độ Diệm. Sau này, khi gia đình trị họ Ngô bị trừng phạt, Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống chính quyền Sài Gòn, Thăng vẫn được trọng dụng làm cố vấn kinh tài và tích cực xây dựng một quốc hội bù nhìn cho Nguyễn Văn Thiệu. Tuy nhiên, trong lúc ông Thăng đang hăng hái hoạt động thì bị mắc chứng bệnh ung thư mà chết.

Có thể nói rằng, Cẩn là một con người có máu lạnh của một tên đồ tể, vì khi đã trừng phạt thì không bao giờ khoan nhượng một ai. Cũng vì vậy mà cái hỗn danh "bạo chúa miền Trung" trong một thời gian ngắn đã vang xa đến tận nhiều nơi ở vùng Trung phần nghèo khó.
Clip có thể bạn quan tâm:
- Video: Kinh hoàng cách Gia Cát Lượng nằm trong mộ vẫn có thể trừng phạt 9 kẻ đã chôn mình. Nguồn: Cổ Sử Trung Hoa.


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm