Khám phá

'Bí hiểm' chuyện chó đá báo ứng, người chết lia lịa ở Hưng Yên

Hai con chó đá đứng nép mình sau cánh cổng làng để trấn yểm cho vùng đất dữ và những việc động trời liên quan đến chúng gây hoang mang cho người dân.

Gần 300 mộ cổ 1.800 tuổi sừng sững ở Bắc Kinh / Những sự thật 'kinh hoàng' về tàu Titanic huyền thoại

Đất dữ Phục Lễ

Dư luận ở Hưng Yên bàn tán về những chuyện không hay xảy ra ở làng Phục Lễ, xã Lương Tài, Văn Lâm. Nhiều người cho rằng, đó là vùng đất dữ, có thể được xây dựng trên một nghĩa trang cổ nghìn năm nên "âm binh" thường xuyên quấy quả người sống.

Qua mỗi làng, câu chuyện ấy lại được thêu dệt thêm chút ít. Khi chúng tôi đến tận nơi, gặp ông Nguyễn Văn Quả, Trưởng làng Phục Lễ, ông Quả mới cười cười mà rằng: "Chuyện đất dữ hay đất lành thì không ai dám chắc. Nhưng tôi dám khẳng định Phục Lễ là làng cổ, là nơi sinh ra rất nhiều quan tướng thời phong kiến. Và từ ngày xưa, các cụ đều truyền lại câu chuyện về "long mạch" của làng.

Theo ông Quả, làng Phục Lễ xưa có 4 giáp: Giáp Đông, Giáp Đoài, Giáp Nam và Giáp Bắc. Các giáp này đều phải có cao nhân đứng đầu để giữ phong tục, lề lối và những biến thiên xảy đến. Thời xưa, vì đê kè chưa chắc chắn nên làng hay bị ngập trong nước hoặc dịch bệnh tràn lan khắp nơi. Một trong những phong tục cổ mà Phục Lễ còn giữ được là trai gái lập gia đình đều phải nộp cho làng một số lượng gạch theo quy định.

Theo cụ Trịnh Văn Chu, Trưởng tộc Trịnh ở Phục Lễ thì làng là nơi sinh ra Quận công Trịnh Căn. Khi cụ Trịnh Căn mất, trong làng xảy ra nhiều chuyện chẳng lành nên cao nhân của 4 giáp có mời một thầy địa lý đến xem lại "long mạch" để tìm cách trấn yểm khí xấu.

Cổng làng Phục Lễ.

"Thạch khuyển" trấn yểm

Cụ Chu cho hay: "Phải mất rất nhiều thời gian, thầy địa lý mới phát hiện ra mảnh đất mà làng đang ở là đất dữ, nhiều âm binh âm tướng. Khi Quận công Trịnh Căn qua đời, các âm binh này mới trỗi dậy làm loạn khiến cả làng không mấy khi được yên ổn. Bốn cao nhân của các giáp cũng không đủ sức mạnh chống lại".

Thầy địa lý phải dùng đến đôi "thạch khuyển" để trấn yểm khí xấu thổi vào làng. "Một con đặt ở phía cổng Tờ Vũ trấn yểm phía đông, con còn lại đặt ở cổng Tờ Chỉ trấn yểm phía tây. Vì làng Phục Lễ gần như là ngôi làng độc nhất vô nhị có hai cổng nên phải đặt hai con chó đá", cụ Chu tiết lộ.

Sau khi đặt đôi "thạch khuyển" ở hai cổng thì mọi chuyện ở làng Phục Lễ trở lại bình thường. Những tai ương cũng dần dần biến mất, dân làng ổn định làm ăn sinh sống đời này qua đời khác. Đôi chó đá cũng trở thành biểu tượng thiêng liêng của ngôi làng cổ kính này.

Không chỉ quan niệm việc chó đá trấn yểm long mạch, người làng Phục Lễ còn cho rằng, chó đá có thể giữ của giúp gia chủ ngày một thịnh đạt. Tuy nhiên, tác dụng lớn nhất mà chó đá đem lại là xua đuổi "âm binh", chứ không có vai vế như thần Thổ Địa.

 

Cụ Chu và con chó đá mới mua về.

Cụ Chu nhớ lại: "Hai con chó đá đều được thợ giỏi đục đẽo rất đẹp. Mỗi con cao khoảng 80cm, được làm từ khối đá xanh. Ở cổ được đục đẽo hình lục lạc và đều có hình thù rất dữ tợn. Tuy nhiên, thời kỳ những năm chống thực dân Pháp, một con bị đập vỡ để nung vôi. Chỉ còn lại một con trấn yểm ở cổng đông".

Từ khi một con chó đá bị nung vôi, dân làng Phục Lễ phải chịu không biết bao nhiêu tai ương. Nhưng mãi đến năm 2010, khi con chó đá cuối cùng ở cổng đông bị mất trộm thì mọi chuyện mới trở nên u ám mà không ai dám nói ra.

Chó đá báo ứng

Các cao niên của làng Phục Lễ khẳng định, chuyện chó đá báo ứng là hoàn toàn có thật. Đó là những năm đầu khi một con chó đá bị đập vỡ nung vôi, thì chuyện người chết nối tiếp nhau sau 49 ngày xảy ra theo một chu kỳ mà không có cách nào hóa giải.

 

Sau bao nhiêu năm thì người làng cũng quên đi chuyện "chết có chu kỳ" ấy và trở lại làm ăn bình thường. Năm 2010, khi con chó đá cuối cùng bị trộm lấy mất, thì chuyện những người chết nối tiếp nhau sau 49 ngày lại tiếp diễn đến kỳ lạ.

Sắc phong thời Nguyễn được vua ban cho làng Phục Lễ.

Theo cụ Chu, khi con chó đá mất được 49 ngày thì trong làng bắt đầu xảy ra vụ tai nạn. Một thanh niên tử vong, người còn lại chỉ bị xây xước nhẹ ngoài da. Sau 49 ngày giỗ người bị nạn thì người sống sót trong vụ tai nạn ấy đột ngột qua đời.

Người làng chỉ cho đó là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên không có gì đáng ngại. Nhưng sau 49 ngày tiếp theo thì những cái chết bí ẩn cứ thế tiếp diễn. Khi các cụ trong làng họp bàn thì đã có hàng chục người nối tiếp nhau mà chết. Không chỉ có thế, con cháu người làng Phục Lễ đi làm ăn xa cũng gặp nhiều những tai ương, không chết thì cũng tai nạn què quặt hoặc ốm đau triền miên.

Lúc này, mọi người mới cho rằng có thể do cặp "thạch khuyển" báo ứng. Một con thì bị đập vỡ nung vôi, một con thì bị mất trộm, làng mất đi vật trấn yểm gia truyền nên đất dữ lại bùng phát khí xấu. Cuối cùng các cụ quyết định thuê thợ đục hai con chó đá theo hình dáng cũ và mời thầy phong thủy đến yểm bùa.

 

Cuối năm 2011, hai con chó đá được đem về và hoàn tất các thủ tục trình làng. Mọi chuyện trở nên bình thường, những cái chết cách nhau 49 ngày cũng chấm dứt. Sang năm 2012, sau những giấc mơ lạ báo mộng, các cao niên làng Phục Lễ tìm được 7 sắc phong từ thời nhà Nguyễn ban tặng cho làng.

Theo cụ Chu: "Quận công Trịnh Căn có công lớn nên được các đời vua ban sắc phong để dân thờ tụng. Ngôi làng cổ này từng được đặc cách xây dựng đủ bến - dinh - trại - cung như một triều đình thu nhỏ. Hiện nay, trên tấm bia cổ còn ghi lại rõ những việc ấy".

Phục Lễ là một trong những ngôi làng cổ rất có giá trị về lịch sử. Tục thờ chó đá ở Phục Lễ đã có từ lâu đời. Khi con chó đá bị lấy mất, dân làng cũng đã trình báo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, những cái chết sau 49 ngày chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoàn toàn không liên quan đến thuyết trấn yểm".

Ông Khúc Chí Hợi (Chủ tịch UBND xã Lương Tài)

"Người ta cũng thường kiêng không nên để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí", Học giả Đào Duy Anh viết trong cuốn "Việt Nam văn hóa sử cương" - NXB Đông Nam Á 1985.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm