Khám phá

"Đại lão mộc" nghìn năm tuổi độc nhất vô nhị ở Thủ đô

Đến làng Tiến Ân - Chương Mỹ - Hà Nội ai cũng mong một lần được ngồi bóng mát và nghe kể về cây thị khổng lồ mười người ôm không xuể có tuổi đời hàng nghìn năm tuổi.

Những bức ảnh về cực quang ấn tượng nhất năm 2020 / Cuộc đời bất hạnh của người đàn ông có chỉ số IQ cao nhất thế giới

Đại thụ ngàn tuổi

Cách trung tâm Hà Nội chừng 30 km, làng Tiến Ân (xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) ít nhiều vẫn giữ được vẻ đẹp chân quê của một làng quê Bắc bộ.

Con đường dẫn vào làng đã được trải bê tông nhưng đâu đó trong làng vẫn còn những con đường đất. Xen lẫn những ngôi nhà mới hiện đại là những ngôi nhà mái ngói đỏ, được xây bằng đá ong cổ kính.

Dai-thu-nghin-tuoi01 (1)

Cây thị khổng lồ nằm ở vị trí trung tâm của làng Tiến Ân.

Nằm giữa trung tâm của làng là một cây thị khổng lồ với phần gốc tuy đã mục ruỗng nhiều nhưng vẫn phải hơn chục người ôm mới xuể. Thân cây mốc xanh, sứt sẹo, lồi lõm nhiều hố, hốc lớn với đủ hình thù kỳ quái.

Về gốc tích của cây thị, theo cụ Nguyễn Quốc Sinh (82 tuổi) và nhiều cao niên trong làng cho biết “đại lão mộc” đã có tuổi thọ lên đến hàng nghìn năm và gắn liền với lịch sử khai canh lập ấp của tiền nhân vùng đất này.

Đó là vào thời vua Đinh Tiên Hoàng (Thế kỷ thứ X) dựng cờ khởi nghĩa, vùng đất này khi đó là đất phong thưởng của hai anh em ruột là tướng có công rất lớn trong việc dẹp loạn 12 sứ quân khi đó.

Dai-thu-nghin-tuoi01 (3)

Thân cây mốc xanh, sứt sẹo, lồi lõm nhiều hố, hốc lớn với đủ hình thù kỳ quái và đã mục ruỗng nhiều nhưng cây thị vẫn xanh tốt.

Trong thần phả còn lưu lại tại đình Tiến Ân, vào thời Đinh Tiên Hoàng có hai anh em họ Đặng quê gốc tại động Hoa Lư (Ninh Bình) tài trí hơn người, một người tên là Đống Thính, người kia tên là Chiêu Pháp.

 

Sau khi bố mẹ mất, cả hai tìm đến trang Đăng Ân (sau này đổi thành Tiến Ân, huyện Ninh Sơn, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây) cư trú, ngày đêm luyện tập võ nghệ, văn chương rồi mở lớp dạy học và có rất đông học trò đến xin theo học.

Bấy giờ, trong nước có loạn12 sứ quân cát cứ khiến dân rất lầm than, khổ cực. Đinh Tiên Hoàng phát binh ở động Hoa Lư quê cũ của hai ông, lại xuống chiếu cho các châu lựa chọn binh sĩ, thảo truyền hịch kêu gọi nhân sĩ trong nước hễ người nào văn võ song toàn, trí dũng hơn người, có thể đánh thắng giặc thì tìm về giúp sức.

Dai-thu-nghin-tuoi01 (6)

"Đại lão mộc" đã có tuổi thọ lên đến hàng nghìn năm và gắn liền với lịch sử khai canh lập ấp của tiền nhân vùng đất.

Sau khi theo Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn xong 12 sứ quân, vua triệu hai ông đem quân về kinh đô, phong thưởng rất hậu và ban cho hai ông thực ấp ở trang Đăng Ân.

Khi hai người mất, nhà vua sai người trở về làm tế lễ rất long trọng và ban cho mọi người trong trang Đăng Ân dựng đền để phụng thờ làm thành hoàng của làng.

 

Xưa kia, làng Tiến Ân ở vùng đất quanh năm ngập nước, cách vị trí bây giờ hơn một cây số, khi các cụ khai hoang tìm vị trí cao hơn thì thấy một gò đất nổi cao và cây thị to sừng sững ở đó. Các cụ về bàn bạc và quyết định dời làng và đình về gò đất có cây thị.

Cây di sản Việt Nam

Nhắc đến cây thị nghìn tuổi, các cụ cao niên trong làng Tiến Ân vẫn nhắc đến việc cây thị có trước ngôi đình và cây đã mọc ở đó từ bao giờ không ai biết.

Đối với mỗi người dân nơi đây, khi nhắc đến "đại thụ" một cách đầy tự hào và tôn kính bởi trong tâm thức mỗi người dân nơi đây, cây thị đã trở thành hình ảnh thân thương, gắn bó như máu thịt của họ.

Ước tính, cây thị đến cả nghìn tuổi, qua bao năm tháng, cây thị đã quá gia, phần ruột trong cùng bị rỗng nhưng vẫn xanh tốt. Nhiều cao niên trong làng cho biết, hàng năm cây vẫn ra sai quả.

Dai-thu-nghin-tuoi01 (8)

Đường kính thân cây khổng lồ hàng chục người ôm không xuể.

 

Đến mùa thị, cả vùng xung quanh lúc nào cũng thơm phức mùi thị. Người dân nơi đây thường chọn hái những quả thị thơm ngon nhất đem dâng cúng thành hoàng trong đình làng trước rồi mới xin hái thị xuống chia nhau ăn lấy lộc.

Đặc biệt, cây thường cho ra hai loại quả ở hai phía đối lập nhau với một bên quả rất to, màu vàng, ăn rất thơm còn một bên quả rất nhỏ, màu hơi đỏ nhưng ăn lại rất ngọt.

Cụ Nguyễn Văn Hàm (78 tuổi) cho biết, trong quá khứ "đại thụ" này đã từng…chết hụt nhiều lần. Lần đầu là vào những năm 1960, trẻ con làng trong khi đốt lửa để sưởi ấm đã vô tình để lửa bén vào phần lõi gỗ của cây làm lửa cháy âm ỉ, khói bốc mù mịt trong thân khiến cả làng hốt hoảng hò nhau mang xô, chậu múc nước cứu cây.

Dai-thu-nghin-tuoi01 (9)

Cây thị nghìn tuổi đã chính thức được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Lần khác, trong một trận bão lớn, "đại thụ" bị sét đánh và có dấu hiệu cằn cỗi, trút hết lá, người dân trong làng và những người cao tuổi bèn đi vận động các doanh nghiệp và cửa hàng bán phân đạm tại địa phương được một lượng phân đạm khá lớn đã đem về đổ xung quanh gốc, xây bồn rồi đổ đất vào nên từ đó "cụ" mới xanh tốt trở lại.

 

Với lịch sử đí, ngày 5/4/2014, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam sau nhiều lần khảo sát, đánh giá cụ thể đã chính thức trao bằng công nhận và gắn bia Cây Di sản Việt Nam cho cây thị tại đình làng Tiến Ân vào đúng dịp lễ hội truyền thống của địa phương.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam, hoạt động tôn vinh Cây Di sản Việt Nam là một hoạt động mang tính cộng đồng, là thông điệp kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
"Việc cây thị làng Tiến Ân (xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội) được Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản của Việt Nam không chỉ nhằm trực tiếp bảo tồn nguồn gen tiêu biểu của loài cây quý Việt Nam, giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với các nhà khoa học, với bạn bè trong nước và quốc tế mà còn nâng cao nhận thức về ý thức tôn trọng lịch sử, tôn trọng tự nhiên và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh nói.


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm