Khám phá

'Hiệp hội hồn ma' chuyên xô xe trên dốc cầu Đầu Mầu

Dốc cầu Đầu Mầu nằm trên quốc lộ 9, tỉnh Quảng Trị không chỉ được biết đến bởi độ cao, sự hiểm trở với núi đá vôi cao chót vót. Mà Đầu Mầu còn là chốn lưu truyền câu chuyện rợn người về những hồn ma phiêu bạt không chốn dung thân, tụ họp về đây, ngày cũng như đêm chầu chực ở chân cầu để 'xô xe' xuống vực, kết nạp thêm ma mới (?).

Câu chuyện liêu trai...

Anh Đoàn Tuấn P. (31 tuổi, trú tại phường Đông Lễ, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), tài xế xe khách chạy tuyến Đông Hà – Lao Bảo kể lại buổi tối kinh hoàng cách đây mấy năm. Hôm đó trời mưa tầm tã, chạy xe lên cửa khẩu Lao Bảo bốc dỡ hàng hóa. Đón khách xong xuôi đến hơn 9h đêm mới chạy ngược trở về Đông Hà. Khi đến vách núi nằm sát giữa dốc Đầu Mầu thì qua ánh đèn pha, anh P. thấy một cô gái mang chiếc áo dài trắng tay cầm chiếc ô nhỏ đứng vẫy xe ở ngay chân cầu. Trời tối như hũ nút, mưa như tát nước vào mặt, thấy tội nghiệp cô gái anh lái xe liền tấp vào và mở cửa cho cô bé này lên xe.

Khi lên xe, anh lái xe hỏi cô gái trẻ: “Trời mưa thế này em đi đâu mà đứng đón xe ở đây một mình, nhà em ở đâu để anh đưa về?”. Qua gương chiếu hậu, một cô gái còn rất trẻ, chỉ chừng 17- 18 tuổi, lau hết nước mưa trên mặt rồi chậm rãi trả lời: “Em đi học trên Đakrông, trường cho về sớm nên tạt qua nhà bạn chơi, trời mưa to quá định xin mẹ ở lại mà mẹ không cho, nên nửa đêm mới phải ra bắt xe về. Anh cho em về Ngã tư Sòng nhé!”.

Cầu Đầu Mầu (cũ) được xây dựng từ những năm chiến tranh.

Nghe cô gái trình bày lý do như vậy nên bác tài cũng không tra hỏi gì thêm nữa, chỉ nhắc cô gái lấy tạm cái áo khoác anh vắt sau ghê choàng vào cho đỡ lạnh, nói xong anh đạp ga đẩy nhanh hành trình. Khi qua cầu Đông Hà chừng hơn 2 cây số thì cô gái lên tiếng, chạy chậm lại nghe anh, nhà em qua hai cái cột điện nữa thôi, ngay sát đường 1 đó. Anh tài xế nhẩm đếm một, rồi hai cột điện, ngôi nhà cấp bốn vẫn còn le lói ánh đèn cách đường chính gần 50m hiện ra trong bóng tối. “Phải ngôi nhà kia không em ?” – “Vâng, đúng rồi anh ạ”. Nhấn phanh cái két, chiếc xe dừng lại bên lề đường, cô gái lên tiếng: “Hết bao nhiêu tiền hở anh ? – Hai chục em ơi!... Anh cố gắng chờ em xí nghen, em vào xin tiền mẹ mang ra trả cho anh liền đó”. Không một chút nghi ngờ, anh tài xế mở cửa cho cô gái đi vào nhà.

Nhưng rồi 10 phút, 20 phút rồi nửa giờ đồng hồ trôi qua vẫn không thấy cô gái xuất hiện. Trong căn nhà ánh đèn dầu vẫn còn leo lắt. Bụng sôi cồn cào mong về đến nhà kiếm bát cơm lót dạ, nên anh P. liền mở cửa xe đội mưa chạy vào nhà xem tình hình thế nào. Vào đến nơi thì cửa đóng then cài, trong nhà chỉ nghe tiếng lốc cốc tụng kinh hình như là của một người đàn bà đứng tuổi. Anh giơ tay lên nhưng chưa kịp gõ cửa thì cánh cửa đã mở toang. Giọng người đàn bà trầm bỗng vang lên: “Xin lỗi! Anh tìm ai?”. Anh tài xế liền kể câu chuyện cô gái đi nhờ xe, người đàn bà quả quyết: “Gần mười năm qua nhà này chỉ có mình tôi ở, có còn ai nữa mô”.

Tưởng cô gái lúc nãy “ăn quỵt” tiền của mình, anh P. cố gắng thuật lại một lần nữa cuộc gặp gỡ với cô nữ sinh ban nãy. Người đàn bà bình tĩnh lắng nghe, suy nghĩ một lúc sau bà “ớ” lên tiếng, rồi như chợt nhớ ra điều gì, bà lặng lẽ bước tới bảng điện, bật công tắc đèn lên. Ánh đèn điện sáng choang căn phòng, rồi bà nhìn về giữa nhà, đưa tay chỉ lên bức di ảnh của một cô gái trẻ để trên bàn thờ, hỏi người tài xế: “Có phải cô gái này không?”. Anh P. như không tin vào mắt mình, dụi mắt đến ba lần nhưng bức di ảnh trên bàn thờ với cô bé anh vừa gặp lúc nãy giống y hai giọt nước.

Người đàn bà nói thêm: “Cũng đúng vào ngày này cách đây ba năm, cũng có một ông lái xe tải đường dài hay chạy qua Lào, cũng ghé nhà kể tui nghe câu chuyện giống như anh vừa kể”. Chỉ tay vào tấm di ảnh, bà lấy tay áo lau nước mắt: “Cô gái này chính là con gái duy nhất của tôi. Nó chết thảm lắm, chiếc xe khách chở nó bị rơi xuống vực trên cầu Đầu Mầu, lúc đó nó mới chỉ là cô nữ sinh vừa tròn 17 tuổi...”. Người tài xế đứng chết lặng giữa nhà một hồi lâu, rồi như chợt bừng tỉnh, anh chạy thục mạng ra xe, nổ máy chạy ngược trở lại Đông Hà, quên luôn cả việc chào từ biệt người phụ nữ trong căn nhà.

Ngôi miếu ở chân dốc cầu Đầu Mầu.

Giải mã câu chuyện về “hiệp hội hồn ma” xô người

Theo những người dân sống ở chân dốc cho biết, cầu bắc qua khe núi Đầu Mầu nên người dân hay gọi là cầu Đầu Mầu. Dưới chân cầu là vực thẳm, đá tảng lởm chởm, mùa hè nước suối chảy qua trong vắt, nhưng đến mùa mưa nước đục ngầu, cuộn xoáy từng dòng, chảy xiết, đứng trên cầu rất hay nghe tiếng hú rất ghê rợn từ dưới vực vọng lên... Nhiều vụ tai nạn thảm khốc, xe máy có, ô tô có, xe tải đường dài, xe khách đang chạy qua đoạn này “tự nhiên” mất lái không đâm vào vách núi thì cũng đâm vào thành cầu, lao thẳng xuống vực.

Thời gian đó, tháng nào cũng có tai nạn xảy ở khu vực này, nhưng lạ ở chỗ tai nạn mức độ nhẹ trầy xước rất ít. Chủ yếu là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gây chết người, thậm chí nhiều người cùng lúc. Các vụ tai nạn chết người nhiều đến nỗi, người dân gần đó và các cánh lái xe bàn nhau lập miếu thờ các vong hồn tử nạn và thần núi ở đây để cầu mong bình yên. Tài xế, người đi đường đi qua đây đều phải dừng lại thắp nhang, khấn vái cộng thêm những gia đình nạn nhân tử nạn đến cúng viếng, vì thế ngôi miếu luôn nghi ngút khói hương...

PV đã có cuộc trao đổi với đại úy Dương Xuân Ngọc, Đội trưởng đội CSGT huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) về vấn đề này. Đại úy Ngọc cho biết, dốc Đầu Mầu nằm trên Km 25 - quốc lộ 9, là một cung đường cong nằm ven theo núi. Trên đoạn đường này có một cây cầu được thực dân Pháp xây dựng trong chiến tranh. Cầu thiết kế theo lối kiến trúc cổ của Pháp, độ cong tương đối cao lại đổ dốc về phía bờ Đông, tầm nhìn khuất do núi Đầu Mầu chặn lại từ phía bờ Tây, nên hơn chục năm về trước đây là một điểm đen về tai nạn giao thông.

Về nguyên nhân thường hay xảy ra tai nạn ở cầu Đầu Mầu, ông Ngọc lý giải: “Một phần do địa thế hiểm trở, một phần vì sự chủ quan, thậm chí tắc trách của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Xe cộ qua lại tuyến đường này, đặc biệt là xe chở khách phóng nhanh vượt ẩu, chạy đua với nhau giành khách. Đường dốc đã cong, tầm nhìn hạn chế, vào mùa mưa thì đường rất trơn nếu tài xế không làm chủ được tốc độ, mất lái đâm vào vách núi, thành cầu là chuyện rất khó tránh khỏi”.

Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của hơn 10 năm về trước, còn hiện tại theo thống kê từ CSGT huyện Cam Lộ thì từ năm 2008 đến nay không có bất cứ một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào xảy ra ở đoạn đường này, tai nạn chết người lại càng không. Có được kết quả đáng khích lệ đó là nhờ sự đầu tư của Nhà nước, đơn vị thi công đã cho khoét núi, xây mới cây cầu Đầu Mầu, giải phóng tầm nhìn, hạn chế độ cong, dốc, tăng khả năng chịu lực của cầu đồng thời lắp đặt hệ thống cảnh báo nguy hiểm, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát tốc độ trên đoạn đường này. Vậy nên câu chuyện cứ vài ngày xảy ra một vụ tai nạn chết người chỉ là câu chuyện trong ký ức của cánh lái xe mà thôi.

“Hiệp hội hồn ma” chỉ là tin đồn thất thiệt

Đại úy Dương Xuân Ngọc khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe thông tin về hiệp hội hồn ma chuyên đi “xô xe” trên cầu Đầu Mầu. Bản thân ngôi miếu nằm ở chân dốc Đầu Mầu hiện nay, cũng là một ngôi miếu tự phát. Thời điểm xây dựng cầu mới, đơn vị thi công thấy có khá nhiều bát hương, am thờ nằm rải rác ven theo đoạn đường này nên quyết định xin chính quyền sở tại xây dựng một ngôi miếu khang trang để gia đình các nạn nhân tử nạn tại đây có nơi hương khói, tránh tình trạng thờ cúng tràn lan dọc đường gây mất an toàn giao thông. Sắp tới, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền sở tại tiến hành tuần tra, kiểm soát nếu phát hiện trường hợp này sẽ xử lý nghiêm”.

Theo Bạch Hưng/Người đưa tin
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo