Khám phá

“Hồn ma” của lòng trắc ẩn ở Bosnia

Là cựu sĩ quan Lực lượng đặc biệt Đan Mạch, Helge Meyer đến Bosnia, Herzegovina với vai trò quan sát viên. Trong suốt cuộc nội chiến diễn ra ở nơi này (1992-1995), tận mắt chứng kiến cảnh thống khổ của dân lành vô tội, Helge đã dùng chiếc xe du lịch Chevrolet Camaro của mình chở thực phẩm cho những người bất hạnh...

Câu chuyện kì bí về 3 hồn ma đáng sợ nhất thế giới / Hồn ma bé gái vô tình xuất hiện trong bức ảnh chụp tại bệnh viện

1. Đó là một đêm tháng 6/1992, ánh sáng trăng rằm thỉnh thoảng lại mờ đi bởi những chớp lửa và tiếng nổ của đạn đại bác bắn từ những đơn vị pháo binh Serbia. Trên con đường dẫn đến thành phố Vares đổ nát, một chiếc xe du lịch màu xám đen, ống xả đã được “độ” lại cho âm thanh nhỏ bớt, thận trọng trườn qua những mô đất nhấp nhô, những ổ gà lồi lõm dưới tay lái của Helge Meyer.

Trong cuốn hồi ký bằng tiếng Đan Mạch có tên “Gottes Rambo - Chúa Rambo”, Helge viết: “Năm 1991, tôi làm việc tại căn cứ không quân Rhein-Main, Công hòa Liên bang Đức. Đây là nơi đồn trú của một trung đoàn không quân chiến thuật Mỹ. Tôi mua lại chiếc Camaro của một lính Mỹ để đi chơi những lúc rảnh rỗi nhưng chưa đi được nhiều thì đầu năm 1992, tôi sang Bosnia, Herzegovina”.

Chiếc Camaro sau khi cải tạo, được Không quân Mỹ cho “quá giang” đến Sarajevo, Bosnia.

Là quan sát viên của NATO ở Bosnia, Helge Meyer được phép tiếp cận một số hồ sơ thuộc loại tuyệt mật. Ông viết trong hồi ký: “Qua những hồ sơ ấy, tôi biết sau khi Liên bang Nam Tư tan rã rồi tách thành Cộng hòa Bosnia và Herzegovina cùng các thực thể chính trị tự phong là Serbia và Croatia thì xảy ra nội chiến. Trong cuộc nội chiến, hàng chục nghìn người Bosnia, Herzegovina đã thiệt mạng. Hàng chục nghìn người khác ẩn náu tại những làng mạc, thành thị. Họ không được tiếp tế lương thực cũng như trợ giúp y tế vì cộng đồng quốc tế khi đó vẫn loay hoay tìm giải pháp. Hơn nữa, phía Serbia tuyên bố sẽ bắn hạ ngay lập tức tất cả người và phương tiện - bất cứ từ quốc gia nào và bất cứ mục đích nào - nếu cố tình đi vào lãnh thổ của họ”.

Thế rồi sau nhiều ngày suy nghĩ, Helge Mayer quyết định tìm cách giúp đỡ những người vô tội. Đi nhờ một chuyến bay của NATO, ông quay về căn cứ không quân Rhein-Main, Cộng hòa Liên bang Đức. Tại đó, khi trình bày ý định của mình, Helge nhận được sự đồng tình của những kỹ sư cơ khí, điện tử, thuộc Trung đoàn không quân chiến thuật Mỹ.

Trong hồi ký, Helge viết: “Lập tức, họ bắt tay vào việc. Chiếc Camaro tôi mua có động cơ V-8, dung tích 5,7 lít, công suất 170 mã lực. Nó là loại xe thể thao cơ bắp của Mỹ, có thể đạt vận tốc 100km/giờ chỉ trong 3 giây. Để giảm bớt tiếng nổ đinh tai nhức óc, các kỹ sư cải tạo lại ống xả đồng thời thay đổi một số chi tiết trong kết cấu xe cho phù hợp với công việc mà tôi sẽ làm...”.

Vẫn theo Helge, ròng rã cả tháng trời các kỹ sư cơ khí, điện tử gia cố thân xe, sàn xe, ghế ngồi bằng thép tấm. Kính xe được thay bằng kính sợi thủy tinh, loại dùng cho xe quân sự. Bên trong các cửa ra vào, họ chèn một lớp kelva chống đạn. Tất cả các bóng đèn trên các đồng hồ điều khiển đều được tháo bỏ, kể cả đèn chiếu sáng nằm trước mũi xe và đèn báo hiệu phía sau đuôi xe rồi thay vào đó là đèn hồng ngoại.

Ở lốp xe, các kỹ sư bơm vào một loại bọt cho phép nó có thể chạy thêm 60km trong trường hợp cả 4 lốp đều bị bắn thủng. Cuối cùng, họ sơn phủ toàn thân chiếc xe bằng loại sơn đặc biệt màu xám đen, có tác dụng chống nhiệt bốc ra từ động cơ, đề phòng lính Serbia phóng tên lửa tầm nhiệt. Helge viết: “Họ lắp một máy truyền tin sử dụng sóng ngắn để tôi liên lạc với phái bộ NATO ở Sarajevo đồng thời cho tôi chiếc mũ nhìn xuyên đêm. Nhờ chiếc mũ này, tôi có thể lái xe an toàn dù không có đèn. Khi được gợi ý đặt tên cho xe, tôi nghĩ ngay đến chữ “ghost - hồn ma”. Phải! Nó chính là hồn ma vì nó chỉ hoạt động trong bóng tối”.

 

Tháng 6/1992, một máy bay vận tải của Không quân Mỹ thuộc lực lượng NATO ở Bosnia, Herzegovina trong chuyến bay chở hàng tiếp liệu định kỳ, đã cho Helge Meyer “quá giang” chiếc “Hồn ma Camaro” từ căn cứ không quân Rhein-Main, Cộng hòa Liên bang Đức đến Sarajevo, Bosnia.

20 ngày sau, Helge cùng “Hồn ma Camaro” lên đường thực hiện chuyến cứu trợ đầu tiên, mang theo 400kg hàng hóa, gồm thực phẩm, thuốc men, quần áo ấm cho dân làng Lukjas, cách Sarajevo 60km về phía bắc, tất cả đều mua bằng tiền túi của ông. Trong hồi ký, Helge viết: “Trước lúc khởi hành, tôi xem những bản tin tình báo về hoạt động của lính Serbia ở nơi tôi định đến. Dù sao chăng nữa, để làm việc nhân đạo, tôi vẫn phải giữ mạng sống cho mình”.

2.Trở lại với chuyến đi của Helge đến thành phố Vares. Gần nửa khuya, chiếc Camaro chầm chậm tiến vào một trong những con đường chính của thành phố. Qua kính nhìn đêm, Helge thấy hai bên đường là những đống đổ nát, những căn nhà tan hoang vì bom đạn nhưng tuyệt nhiên không thấy một bóng người.

“Hồn ma” Camaro nằm chờ Helge đi tìm những người còn sống.

Ông viết: “Tôi xuống xe, kiểm tra xung quanh bằng máy dò thân nhiệt. Nếu có người còn sống, màn hình sẽ hiển thị hơi nóng phát ra từ cơ thể họ. Ở một căn nhà tương đối còn nguyên vẹn, màn hình xuất hiện một đốm sáng màu đỏ. Tôi biết trong đó có người”.

Tiến sát căn nhà, Helge gõ nhẹ vào cánh cửa. Đốm sáng trên màn hình biến mất (lát sau ông mới biết người trong nhà thắp nến và khi nghe tiếng gõ cửa, họ vội vã thổi tắt nó). Gõ hai, ba lần mà chẳng thấy ai trả lời. Helge nói vừa đủ nghe bằng tiếng Serb: “Tôi là Helge Meyer, lực lượng NATO”.

 

Giây lát, cánh cửa hé mở, một ông già thò đầu ra. Khi thấy Helge không mặc quần áo lính và nhất là không mang súng, ông ta mời Helge vào. Helge viết: “Trong nhà, ngoài ông già thì còn một phụ nữ và một đứa bé sơ sinh. Tất cả đều bẩn thỉu và rõ ràng là họ đã không có đủ thức ăn trong nhiều ngày. Quay ra xe, tôi lấy cho họ xà phòng, bánh quy, thịt hộp, sữa bột, nước uống đóng chai. Ông già đọc kinh Koran trong khi người phụ nữ tắm cho đứa bé. Với chút ít tiếng Serb đã học được cộng với dùng tay ra dấu, tôi hỏi họ xung quanh còn có người không?”.

Ông già gật đầu rồi bước ra, đâu chừng 15 phút, ông trở lại rồi vẫy Helge. Trước khoảng sân giáp với mặt đường, Helge nhìn thấy hơn 30 người - vừa đàn ông lẫn đàn bà - tất cả đều đã lớn tuổi. Không chút chậm trễ, Helge mở cốp xe rồi phát hết cho họ những gì mang theo.

Lúc chuẩn bị nổ máy để trở về Sarajevo trước khi trời sáng, Helge nghe tiếng gõ vào cửa kính. Quay lại, ông thấy người phụ nữ với đứa bé sơ sinh mà ông vừa gặp. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì người phụ nữ đã mở cửa xe, đặt đứa bé vào lòng ông, nói ông hãy chúc phúc cho nó. Helge viết: “Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc cảm động này trong suốt cuộc đời”.

Tháng 3/1993, Helge gặp sự cố đầu tiên. Trong chuyến đi đến một ngôi làng ở phía đông Sarajevo, “Hồn ma Camaro” cán trúng quả mìn gài bên lề đường. May mắn đó là loại mìn chống người nên xe chỉ bị hư hỏng nhẹ. Lần khác ông gặp một nhóm cướp người Bosnia. Họ dí súng vào đầu ông rồi lấy đi tất cả hàng hóa trong xe, mặc cho ông giải thích rằng ông đang mang tặng những người nghèo cùng chủng tộc Bosnia như họ.

Trong hồi ký, Helge viết: “Nguy hiểm duy nhất đến với tôi trong suốt 4 năm cứu trợ là hôm ấy, tôi đi giữa ban ngày vì tin tình báo cho biết thị trấn tôi định đến không có sự hoạt động của lính Serbia. Do chủ quan, tôi hạ kính xe xuống cho thoáng. Khi còn cách thị trấn chừng 20km, một loạt súng bắn ra từ một bụi cây ven đường. Nhiều viên đạn găm vào thân xe, một viên trúng vào chiếc mũ bảo hiểm tôi đội trên đầu nhưng nhờ mũ đã được gia cố bằng sợi kelva nên lực bắn của viên đạn chỉ khiến chiếc mũ xoay vòng. Lúc ấy tôi không biết mình nên đi tiếp hay quay lại nhưng nghĩ đến những con người đang sắp chết đói, tôi nhấn ga phóng thẳng vào thị trấn”.

 

3. Trong suốt năm 1993 rồi 1994 và 1995, Helge và chiếc Camaro đã đi hơn 100.000km trên lãnh thổ Bosnia, Herzegovina, mang tới cho những thường dân vô tội khoảng 6.000 tấn thức ăn, quần áo, thuốc men, chăn mền, nước uống và cả đồ chơi trẻ em. Phi công, thợ máy, kỹ sư và lính phòng vệ Mỹ ở căn cứ không quân Rhein-Main, Công hòa Liên bang Đức đã quyên góp cho Helge nhiều đợt, tổng cộng 120.000USD để ông mua hàng cứu trợ.

Chiếc Camaro hiện nay và Helge Meyer.

Hãng Lego ở Đan Mạch cũng gửi cho ông hơn 4.000 hộp đồ chơi lắp ghép để tặng cho trẻ em ở Bosnia, Herzegovina. Vũ khí phòng thân duy nhất của Helge trong mỗi chuyến đi chỉ là một con dao.

Hình dáng chiếc “Hồn ma Camaro” quen thuộc đến nỗi rất nhiều người dân Bosnia, Herzegovina biết về nó. Ngay cả những người hoài nghi nhất cũng phải thừa nhận rằng Helge và chiếc Camaro là một huyền thoại bởi lẽ thời điểm ấy, những nhân viên trong phái bộ NATO ở Bosnia, Herzegovina vũ trang đến tận răng cùng các phương tiện như xe bọc thép, máy bay trực thăng…, nhưng chỉ dám ra khỏi thành phố Sarajevo chừng vài chục km.

Thiếu tá John S. Richard, chỉ huy tiểu đoàn bảo vệ phái bộ NATO nói Helge “là người không thể thay thế vì chưa bao giờ thất bại. Ông ấy thực hiện công việc cứu trợ cho dân lành bằng tinh thần trách nhiệm của một quân nhân mặc dù chẳng ai bắt ông ấy phải làm…”.

Tháng 7/1995, quân đội Serbia và Croatia tiến hành cuộc “thanh lọc sắc tộc”. Kết quả là 8.000 người Bosnia - đa số là đàn ông bị giết. Thế giới gọi đó là vụ thảm sát Srebrenica. Bên cạnh đó, nhiều trại tập trung cũng được Serbia thành lập, giam giữ người Bosnia. Theo thông tin mà phái bộ NATO thu thập được thì ở những trại tập trung này, tù nhân Bosnia bị tra tấn, lạm dụng tình dục và hãm hiếp.

 

1 tháng sau vụ thảm sát Srebrenica, NATO tiến hành chiến dịch ném bom vào những vùng do Serbia kiểm soát. Cuộc ném bom kéo dài đến tháng 12 thì những nhà lãnh đạo Serbia mới đồng ý ngồi vào bàn thương lượng.

Ngay lập tức, lực lượng gìn giữ hòa bình NATO tiến vào Bosnia, Herzegovia rồi cùng với đó là những chuyến bay chở hàng cứu trợ. Theo Liên Hợp Quốc, trong suốt cuộc nội chiến ở Bosnia, Herzegovina - 1992-1995 - có hơn 100.000 người thiệt mạng, 3/4 là người Serbia. Hàng trăm quan chức cao cấp, tướng lĩnh, binh lính Serbia bị đưa ra tòa án tội ác chiến tranh với tội danh diệt chủng. Tất cả đều bị kết án tù.

Khi lực lượng gìn giữ hòa bình NATO tiến vào Bosnia, Herzegovina, Helge trở thành… thất nghiệp! Thay cho chiếc “Hồn ma Camaro” của ông là hàng đoàn xe tải sơn màu trắng, chở đầy lương thực, thuốc men, quần áo, lều trại, đến từng thị trấn, từng ngôi làng trên khắp đất nước một thời đã bị vây hãm, cô lập. Trong hồi ký, Helge viết: “Ngày trở lại Đan Mạch của tôi đã gần kề. Dù chỉ ở Bosnia, Herzegivina có 4 năm nhưng đất nước này đã trở thành một phần máu thịt tôi, ngay trong những giờ phút khắc nghiệt nhất”.

Đầu năm 1996, Helge quay về Đan Mạch. Trước đó, ông lái chiếc “Hồn ma Camaro” đi thăm lại một số làng mạc, thị trấn mà ông đã từng đưa hàng cứu trợ. Dù ở bất cứ đâu ông cũng được người dân đón tiếp bằng tất cả tình cảm nồng hậu.

Helge viết: “Đứa bé sơ sinh, con của người thiếu phụ ở thành phố Vares năm xưa nay đã lớn. Nó không nhớ tôi là ai - dĩ nhiên rồi! Nó nhìn tôi với cặp mắt tò mò sau lời kể của mẹ nó nhưng khi tôi vẫy nó, nó đã chập chững từng bước đến cạnh tôi. Như thế có lẽ là quá đủ rồi”.

 

Về sau, Helge vẫn giữ nguyên cấu trúc của chiếc “Hồn ma Camaro” nhưng ông đã sơn lại nó thành màu da cam. Tình yêu của ông với nó vẫn không thay đổi trong lúc vợ ông lắc đầu: “Xe gì mà đèn đuốc chẳng có, chỉ toàn sắt với thép…”

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm