Khám phá

'Ngũ Long' Lương Sơn Bạc: Người làm vua, kẻ chết thảm

Ở một bài viết trước, Dân Việt đã điểm qua kết cục của 8 đầu lĩnh ngoại hiệu dính tới chữ Hổ của Thủy hử. Toàn bộ Bát Hổ đều chết trong chiến dịch dẹp Phương Lạp. Vậy còn những 'con Rồng' của Lương Sơn Bạc thì sao, hậu vận của nhóm này như thế nào.

Trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, tổng cộng có 36 đầu lĩnh ngoại hiệu gắn với tên gọi một loài vật nào đó. Và ngoài 8 “con Hổ”, Lương Sơn còn sở hữu 5 “con Rồng” là những đầu lĩnh có chữ Long trong biệt danh của họ. Bao gồm: Nhập Vân Long (Rồng luồn mây) Công Tôn Thắng, Cửu Vân Long (Xăm 9 con rồng) Sử Tiến, Hỗn Giang Long (Rồng quấy sông) Lý Tuấn, Xuất Lâm Long (Rồng rời rừng) Trâu Uyên và Độc Giác Long (Rồng một sừng) Trâu Nhuận.

“Ngũ Long” của Lương Sơn Bạc.

Nếu như “Bát Hổ” đều qua đời trong cuộc chiến với Phương Lạp thì kết cục của nhóm “Ngũ Long” đa dạng hơn nhiều. Có đầu lĩnh tu hành đắc đạo. Có hảo hán trở thành vua một cõi. Có người về triều nhận sắc phong rồi làm quan to. Lại có kẻ chết thảm nơi chiến trường.

Nhập Vân Long Công Tôn Thắng

Công Tôn Thắng ngoại hiệu Nhập Vân Long, đầu lĩnh ngồi ghế thứ 4 trên Lương Sơn Bạc. Thắng người cao tám thước, lông mày hình chữ bát, dung mạo cổ quái. Thắng võ nghệ thạo, hiểu binh thư trận pháp, vốn là đạo sĩ (phái Toàn Chân) nên còn có tài phép biến hóa khôn lường.

Công Tôn Thắng xuất hiện ở hồi 14 Thủy Hử, nhân chuyện nhóm Tiều Cái, Ngô Dụng, Nguyễn thị Tam hùng triển mưu cướp lễ vật Sinh Thần Cương do Dương Chí áp tải. Sau chuyện bại lộ, Thắng cùng bọn Tiều Cái lên Lương Sơn rồi khích Lâm Xung giết Vương Luân, chiếm cứ “bến nước”.

Nhập Vân Long – Rồng luồn mây: Công Tôn Thắng.

Bản lĩnh của Thắng được miêu tả đặc sắc trong các trận đánh của nghĩa quân Lương Sơn với Cao Liêm hay thu phục bọn Phàn Thụy, Lý Cổn, Hạng Sung. Trong các chiến dịch đánh Liêu, dẹp Điền Hổ, Vương Khánh, “Rồng luồn mây” lập nhiều chiến công quan trọng. Tuy nhiên, Công Tôn Thắng sớm biết được kết cục không tốt của Lương Sơn trước trận đánh với Phương Lạp nên chàng không tham gia chiến dịch này mà chọn con đường vân du tu luyện.

Kết thúc trận chiến Phương Lạp, Thắng thu nạp 2 huynh đệ đầu lĩnh Phán Thụy, Chu Vũ để truyền đạo. Cả ba sau này đều tu hành đắc đạo, trở thành những bậc chân tiên hiếm có.

Cửu Vân Long Sử Tiến

Sử Tiến chính là hảo hán Lương Sơn đầu tiên được Thi nại Am khắc họa. “Cửu Văn Long” xuất hiện từ hồi thứ hai, là người ở Sử gia trang, thuộc phủ Duyên An. Tiến từ nhỏ ham mê võ nghệ, có hình săm 9 con rồng trên mình, dáng người cao lớn, dung mạo tuấn kiệt. Sử Tiến từng học võ của “Đả hổ tướng” Lý Trung, sau xảy chuyện giáo đầu Vương Tiến bị Cao Cầu bức hại phải bỏ trốn mà hội ngộ ở Sử gia trang.

Tại đây, Sử Tiến bái Vương Tiến làm thầy rồi học đủ thập bát ban võ nghệ của giáo đầu cấm quân này. Hành trình dân thân vào con đường giang hồ của Sử Tiến có thể nói là đầy màu sắc. Đầu tiên chàng đánh bại Trần Đạt, rồi sau đó lại kết giao với bộ ba tướng cướp núi Hoa Sơn (Chu Vũ, Dương Xuân, Trần Đạt). Bị tố cáo kết bè đảng với giặc cướp, Sử Tiến bị quan huyện đem quân tróc nã. Chàng cùng nhóm Chu Vũ đánh bại quan quân triều đình rồi đốt Sử gia trang, chính thức rời quê nhà.

Cửu Văn Long Sử Tiến tử trận bởi trúng tên của tướng Phương Lạp – Bàng Vạn Xuân.

Trên đường phiêu bạt giang hồ, Sử Tiến kết giao với Lỗ Trí Thâm, rồi khi họ Lỗ bị trục xuất khỏi chùa Ngũ Đài Sơn họ lại hội ngộ và cùng nhau giết bọn cướp giả dạng thầy tu Thôi Đạo Thành, Khâu Tiểu Ất. Trong một lần trở lại Hoa Sơn, Sử Tiến tìm cách cứu con gái của một thợ vẽ tên Vương Nghĩa do Hạ thái thú bắt ép làm thiếp. Tuy nhiên sự việc bất thành, Sử Tiến bị bắt. Lỗ Trí Thâm đến giải cứu cũng bị bắt nốt. Chuyện đến tai Tống Giang và nghĩa quân Lương Sơn chính thức lên đường cứu người. Sau khi được giải thoát, Sử Tiến chính thức trở thành đầu lĩnh Lương Sơn, hạng 24, được sao Thiên Vị Tinh chiếu mạng.

Khi quân Lương Sơn quy thuận triều đình, Sử Tiến tham dự các trận đánh quân Liêu, Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp, góp nhiều công lớn. Trong trận đánh Phương Lạp, Sử Tiến chết tức thì khi trúng phải tên của tướng địch Bàng Vạn Xuân tại ải Dục Linh. Sử Tiến võ nghệ siêu quần, tính tình lại khảng khái trượng nghĩa nhưng cái chết chóng vánh của “Cửu Văn Long” khiến nhiều thế hệ độc giả Thủy Hử cảm thấy hụt hẫng vô cùng.

Hỗn Giang Long Lý Tuấn

Lý Tuấn sinh ra tại Lư Châu (nay là Hợp Phì, An Huy), cao tám thước, mắt sáng như sao, khuôn mặt đỏ, giọng nói sang sảng như đồng vang. Giỏi võ và có tài bơi lặn, lại quen thuộc sông nước, Lý Tuấn thường giả dạng lái đò hành nghề cướp của trên sông Tầm Dương. Lý Tuấn kết giao rất thân với Lý Lập, anh em Đồng Uy, Đồng Mãnh tại núi Yết Dương.

Lý Tuấn từng nhiều lần cứu mạng Tống Giang. Đầu tiên là lần Tống Giang bị Lý Lập chuốc thuốc mê, đương nằm chờ chết thì Lý Tuấn xuất hiện kịp thời ngăn chặn. Rồi sau đó 5 người Giang, Tuấn, Lập, Uy, Mãnh kết giao thành huynh đệ. Trong lần Tống Giang bị nhóm Trương Hoành bắt trên sông Tầm Dương, Lý Tuấn lại có mặt đúng lúc cứu mạng họ Tống.

Hỗn Giang Long – Rồng quấy sông: Lý Tuấn, làm vua nước Xiêm La.

Tại Giang Châu, khi Tống Giang bị giam và chờ ngày xử chém vì đề phản thi ở gác Tầm Dương trong lúc say, Lý Tuấn đã tham gia vào trận cướp pháp trường Giang Châu, giải cứu thành công Tống Giang và Đới Tung. Sau trận này, Lý Tuấn chính thức gia nhập Lương Sơn Bạc. Khi phân định ngôi thứ ở Lương Sơn, Lý Tuấn xếp thứ 26, giữ chức Thủy quân đầu lĩnh, được sao Thiên Thọ Tinh chiếu mạng.

Sau khi nhận chiêu an, Lý Tuấn cùng các đầu lĩnh Lương Sơn tham gia các chiến dịch bình Liêu và đánh dẹp các lực lượng chống đối triều đình nhà Tống, lập nhiều công lớn. Trong trận đánh cuối cùng với Phương Lạp tại thành Tô Châu, Lý Tuấn cùng với anh em Đồng Uy, Đồng Mãnh đi thuyền nhỏ vào Thái Hồ. Tại đây, Lý Tuấn đã kết nghĩa với nhóm lạc thảo Phí Bảo. Lý Tuấn đã thực hiện được những hoạt động gián điệp tại thành Tô Châu và góp công lớn trong thắng lợi của nghĩa quân Lương Sơn, chấm dứt chiến dịch bình Phương Lạp.

Là một trong số ít các đầu lĩnh Lương Sơn Bạc sống sót trở về từ chiến dịch bình Phương Lạp, nghe theo lời khuyên của Phí Bảo, Lý Tuấn cùng Đồng Uy, Đồng Mãnh không ra làm quan. Lý Tuấn đã giả bệnh trên đường về kinh nhận thưởng, giữ Đồng Mãnh, Đồng Uy cùng ở lại. Cả ba dong thuyền từ cảng Thái Thương xuất dương sang Xiêm La. Lý Tuấn sau thànhVua Xiêm La còn 2 anh em Đồng Mãnh, Đồng Uy cũng là những vị quan lớn tại nước này.

Xuất Lâm Long & Độc Giác Long

Xuất Lâm Long là ngoại hiệu của Trâu Uyên còn Trâu Nhuận, cháu gọi Uyên bằng chú có biệt danh Độc Giác Long. Dù là chú cháu nhưng tuổi đời không mấy chênh lệch, nên cặp Trâu Uyên – Trâu Nhuận rất hạp nhau, là 2 đầu đảng thảo khấu núi Đăng Vân, thuộc phủ Đăng Châu. Chú nháu họ Châu cũng có quan hệ họ hàng xa với anh em Tôn Lập – Tôn Tân.

Cặp chú cháu “Rồng rời rừng” và “Rồng một sừng” kẻ chết trận, người làm quan to.

Trâu Uyên – Trâu Nhuận tham gia giải cứu anh em Giải Trân, Giải Bảo khỏi ngục Đăng Châu rồi sau đó chính thức gia nhập Lương Sơn. Trong kế phản gián của Tôn Lập đánh hạ Chúc Gia Trang, chú cháu họ Trâu góp công không nhỏ. Tiếp đó, họ cùng nhau làm nội ứng thành công ở trận đánh phủ Đại Danh, giải cứu Lư Tuấn Nghĩa.

Khi phân định ngôi thứ ở Lương Sơn Bạc, Trâu Uyên xếp thứ 90, Trâu Nhuận ngồi ghế 91, cùng giữ chức Bộ Quân Tướng Hiệu, là một trong những đầu lĩnh chuyên cai quản bộ binh. Trong chiến dịch đánh Phương Lạp, Trâu Uyên chết thảm trong đám loạn quân ở trận triệt phá động Thanh Khê. Trong khi Trâu Nhuận là 1 trong những phó tướng sống sót trở về, nhận phong thưởng của triều đình. Nhuận làm tới chức Đô Thống Lĩnh tại phủ Đăng Châu.

Theo Thanh Xuân/Dân Việt

loading...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo