Khám phá

'Người ngoài hành tinh chắc chắn tồn tại – Đừng kiêu ngạo nghĩ rằng loài người là duy nhất'

DNVN - Sự sống ngoài hành tinh có tồn tại trong vũ trụ hay không vẫn luôn là một trong những câu hỏi quan trọng nhất của giới khoa học hiện đại. Và hiện nay, một nhà khoa học hàng đầu đến từ Anh khẳng định bà đã có câu trả lời chắc chắn cho điều này.

Cựu nhân viên CIA gây chấn động khi tiết lộ số lượng chính xác UFO bị rơi mà Mỹ đã ghi nhận / Lý giải nguyên nhân con người lại không tiến hóa theo cơ chế bất tử?

Tiến sĩ Maggie Aderin-Pocock, nhà khoa học vũ trụ kiêm người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng The Sky at Night, cho rằng con người không phải là sinh vật duy nhất trong vũ trụ. Theo bà, việc nghĩ rằng nhân loại đơn độc giữa không gian bao la là biểu hiện rõ ràng của “sự kiêu ngạo”.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, Dame Aderin-Pocock nhấn mạnh rằng các phát hiện khoa học về quy mô rộng lớn của vũ trụ khiến cho giả thuyết về một Trái đất đơn độc trở nên thiếu thuyết phục. Khi được hỏi liệu bà có tin rằng chúng ta là sinh vật duy nhất tồn tại hay không, bà trả lời dứt khoát: “Câu trả lời của tôi, dựa trên các con số, là không – chúng ta không thể đơn độc. Một lần nữa, chính sự kiêu ngạo của con người khiến chúng ta quá tập trung vào bản thân đến mức tưởng rằng mình là duy nhất.”

Tuy nhiên, việc người ngoài hành tinh đang ẩn náu ở đâu và lý do chúng ta chưa tiếp xúc với họ vẫn là một bí ẩn. Tiến sĩ Aderin-Pocock lý giải rằng nhân loại đang dần nhận thức rõ hơn về sự nhỏ bé của mình trong quy mô khổng lồ của vũ trụ.

Bà Maggie Aderin-Pocock. Ảnh: BBC.

Bà Maggie Aderin-Pocock. Ảnh: BBC.

Nếu như trong hàng thế kỷ, lý thuyết của Aristotle cho rằng Trái đất là trung tâm của vũ trụ từng được thừa nhận rộng rãi, thì theo thời gian, các học thuyết mới dần cho thấy vị trí của chúng ta không còn đáng chú ý như trước. Một bước ngoặt trong nhận thức đó diễn ra vào thế kỷ 19, khi nhà thiên văn học tiên phong Henrietta Swan Leavitt tạo ra phương pháp đo khoảng cách khổng lồ giữa các vì sao – một phát minh giúp nhân loại lần đầu tiên hiểu được quy mô thực sự của vũ trụ.

“Và rồi, đột nhiên, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi tầm thường hơn nhiều so với những gì từng nghĩ,” nhà khoa học chia sẻ.

Khám phá tiếp theo từ Kính viễn vọng không gian Hubble đã cho thấy có khoảng 200 tỷ thiên hà khác ngoài Ngân Hà – khiến việc sự sống ngoài Trái đất tồn tại dường như trở thành điều tất yếu. Với các ước tính hiện tại cho thấy khả năng tồn tại tới hai nghìn tỷ thiên hà trong vũ trụ, thì ngay cả khi sự sống là một hiện tượng cực kỳ hiếm, gần như chắc chắn rằng sự sống ngoài hành tinh phải hiện hữu đâu đó.

Tuy nhiên, nghịch lý lại nằm ở chỗ: cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào về sự tồn tại của sự sống ngoài Trái đất. Đây chính là điều mà các nhà khoa học gọi là "Nghịch lý Fermi". Được nhà vật lý Enrico Fermi đề xuất lần đầu vào năm 1950, nghịch lý này đặt ra câu hỏi: nếu người ngoài hành tinh thực sự tồn tại ở khắp nơi trong vũ trụ, tại sao đến giờ chúng ta vẫn chưa thấy họ?

 

Kể từ đó, hàng loạt giả thuyết được đưa ra, trong đó có cả khả năng rằng các nền văn minh có thể đã bị tuyệt chủng trước khi kịp phát triển đến trình độ đủ để liên lạc.

Dame Aderin-Pocock cho rằng có thể nguyên nhân đơn giản chỉ là sự thiếu hiểu biết của chúng ta. Bà nhấn mạnh: “Thực tế rằng chúng ta chỉ biết được khoảng sáu phần trăm những gì cấu thành vũ trụ vào thời điểm hiện tại là điều hơi đáng xấu hổ.”

Lời nhận xét này ám chỉ rằng nhân loại hiện chỉ có thể quan sát được vật chất thông thường, trong khi vật chất tối và năng lượng tối – thứ được cho là chiếm hơn 90% khối lượng của vũ trụ – vẫn còn là một bí ẩn chưa thể khám phá.

Bên cạnh đó, Dame Aderin-Pocock cũng thừa nhận rằng sự sống trong vũ trụ là vô cùng mong manh, chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể xóa sổ một nền văn minh. Lịch sử của hành tinh chúng ta từng ghi nhận nhiều vụ va chạm của tiểu hành tinh – sự kiện có thể hủy diệt hoàn toàn các loài, chẳng hạn như vụ tuyệt chủng của loài khủng long. Do đó, hoàn toàn có khả năng những vụ va chạm tương tự có thể đã chấm dứt nền văn minh của người ngoài hành tinh – hoặc có thể là của chính chúng ta – trước khi kịp xảy ra bất kỳ cuộc liên lạc nào.

Mới đây, mức độ dễ tổn thương của Trái đất trong hệ mặt trời lại một lần nữa được cảnh báo khi NASA phát hiện ra một tiểu hành tinh có khả năng "hủy diệt thành phố" đang trên đường va chạm với hành tinh chúng ta. Dù tiểu hành tinh được đặt tên là 2024 YR4 cuối cùng được xác định là vô hại, các nhà khoa học cảnh báo rằng những phát hiện tương tự sẽ ngày càng phổ biến khi công nghệ phát hiện tiểu hành tinh tiếp tục được cải thiện.

 

“Chúng ta đang sống trên hành tinh của mình, và tôi không muốn làm ai hoảng sợ, nhưng hành tinh có thể rất dễ bị tổn thương,” Dame Aderin-Pocock nói.

Chính vì vậy, bà bày tỏ sự ủng hộ với các sứ mệnh đưa con người đến các hành tinh khác. “Tôi sẽ không nói đó là định mệnh của chúng ta vì nghe có vẻ hơi kỳ lạ, nhưng tôi nghĩ đó là tương lai của chúng ta,” bà chia sẻ.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tìm kiếm những nơi có thể xây dựng các thuộc địa khác – trên Mặt Trăng, trên Sao Hỏa, và thậm chí xa hơn nữa.”

Tuy nhiên, nhà khoa học này cũng bày tỏ lo ngại trước “cuộc chiến giữa các tỷ phú” hiện đang diễn ra trong ngành công nghiệp không gian do tư nhân kiểm soát, và nhấn mạnh rằng luật pháp cần đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng sự phát triển.

Bà cảnh báo: “Đôi khi tôi có cảm giác rằng ngoài kia giống như miền Tây hoang dã – nơi mọi người làm điều họ muốn, và nếu không có những giới hạn phù hợp, chúng ta có thể lại tạo ra hỗn loạn. Một lần nữa, nếu không gian có thể được sử dụng vì lợi ích của nhân loại, thì hãy để nó phục vụ cho toàn thể nhân loại.”

 

1
Bảo Ngọc (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm