Khám phá

'Ông ngất ngưởng' độc nhất trong sử Việt: Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông!

Ngày 14 tháng 11 âm lịch hằng năm, không chỉ ở quê nhà làng Uy Viễn, Hà Tĩnh làm lễ tưởng nhớ ngày mất của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, mà rất nhiều làng ở ven biển miền Bắc thuộc hai tỉnh Thái Bình, Ninh Bình cũng dâng hương ghi nhớ công ơn của ông.

Cuộc đời của Aileen Wuornos - Nữ sát thủ khiến cả nước Mỹ khiếp sợ / Những điều thú vị về loài rắn

Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc

Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.

Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.

Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.

Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.

‘Ông ngất ngưởng’ Nguyễn Công Trứ

Văn quan - Võ tướng - Nhà khai khẩn - Nhà thơ

Trong suốt thời phong kiến ở nước ta, hiếm có vị quan nào có bước thăng trầm trong hoạn lộ mà luôn giữ được sự lạc quan, tự trào, châm biếm trong câu thơ, lời hát như Nguyễn Công Trứ.

Người đời đánh giá ông là một thi nhân "ngất ngưởng", một vị quan "lên voi xuống chó", nhưng cũng là một nhà khai khẩn đất đai để lại nhiều thành tựu, mà ngày nay nhiều địa phương ở hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) vẫn thờ phụng để ghi nhớ công ơn khẩn hoang lập ấp của ông.

Sử nhà Nguyễn, bộ "Đại Nam liệt truyện", viết về ông: "Đến người ta, phần nhiều tưởng đến phong độ khí thái của ông. Sau khi Trứ mất, các huyện ấp do ông lập ra đều đựng đền để thờ."

Công danh thăng trầm

Sinh ra trong gia đình quan lại cuối triều Lê (năm 1778), nhưng vì hoàn cảnh đất nước, Nguyễn Công Trứ đã phải trải qua thời niên thiếu cũng như thanh niên nghèo khổ. Mãi đến năm 1819, khi đã 41 tuổi, ông mới thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan ở Quốc sử quán, sau được bổ nhiệm về địa phương làm Tri huyện Đường Hào, Hải Dương (1823), Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1824), Phủ thừa phủ Thừa Thiên (1825), Tham tán quân vụ, rồi thăng Thị lang Bộ hình (năm 1826).

Năm 1828, ông được thăng Hữu tham tri Bộ hình, về chức là vị trí thứ ba trong bộ Hình, nhưng lại sung chức Dinh điền sứ, chuyên coi việc khai khẩn đất hoang. Năm 1832, ông được bổ chức Bố Chánh sứ Hải Dương, cùng năm thăng Tham tri Bộ binh, giữ chức Tổng đốc tỉnh Hải An (bao gồm Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh ngày nay)... Đến năm 1845, ông lại được điều về triều đình làm Chủ sự bộ Hình.

Tuy nhiên cái số long đong vẫn cứ đeo bám Nguyễn Công Trứ mãi. Hết làm quyền Án sát Quảng Ngãi, ông lại được điều ra ra làm Phủ thừa Phủ Thừa Thiên, rồi năm 1847 ông thăng làm Phủ doãn phủ ấy. Cũng năm này, ông tròn bảy mươi tuổi ta, Nguyễn Công Trứ xin về hưu, nhưng vua Thiệu Trị không cho. Năm 1848, vua Tự Đức lên ngôi, ông mới được về hưu hẳn.

Cuộc đời làm quan của ông khác rất nhiều các vị quan khác. Tuy được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, tới chức tham tri, quyền thượng thư, tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, không ít lần bị giáng liền ba bốn cấp, năm 1841 từng bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột xuống làm lính thú…

Mặc dù triều đình nhiều lần phạt tội, nhưng sử nhà Nguyễn cũng phải ghi nhận "Trứ làm quan thường bị bãi cách rồi được cất nhắc lên ngay".

Dù xuất thân khoa cử, nhưng công lao của Nguyễn Công Trứ với nhà Nguyễn thể hiện nhiều ở mặt quân sự, khi ông nhiều lần cầm quân đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành, Nông Văn Vân, rồi giặc Khách, đánh nhau với quân Xiêm... Ở đâu ông cũng lập nhiều chiến công cho triều đình. Các sử quan triều đình khẳng định "Trứ tỏ sức ở chiến trường nhiều lần lập được công chiến trận".

Cái hăng hái trong trận mạc của Nguyễn Công Trứ còn thể hiện năm ông 80 tuổi (1858), khi thực dân Pháp nổ súng đánh vào Đà Nẵng, ông còn xin vua đi đánh giặc. Nhưng cuối năm đó, ông qua đời.

Ông ngất ngưởng độc nhất trong sử Việt: Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông! - Ảnh 2.

Tượng thờ Nguyễn Công Trứ tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng. Nguồn: Báo Hà Tĩnh.

Khai hoang mở đất, được dân thờ phụng

Trên con đường đánh dẹp, Nguyễn Công Trứ đã có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay), Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay) vào những năm cuối thập niên 1820. Ở mỗi khu mới khai khẩn, ông đề xuất lập nhà học, xã thương nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa.

Tờ sớ gửi về triều đình của ông viết: "Đời làm ăn xưa chia ruộng định của, dân có nghiệp thường cho nên ở yên nơi làng mạc không có gian tà. Ngày nay những dân nghèo túng, ăn dưng chơi không, khi cùng thì họp nhau trộm cướp, cái tệ không ngăn cấm được. Trước thần đến Nam Định thấy ruộng bỏ hoang ở các huyện Giao Thuỷ, Chân Định mênh mông bát ngát.

Ngoài ra còn không biết mấy nghìn trăm mẫu, hỏi ra thì dân địa phương muốn khai khẩn, nhưng phí tổn nhiều, không đủ sức làm. Nếu cấp cho tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn, nhà nước phí tổn không mấy mà mối lợi tự nhiên sẽ đến vô cùng. Vả lại bãi Tiền Châu ở huyện Chân Định hoang rậm, trộm cướp thường tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay khai phá ra, không những có thể cho dân nghèo làm ăn, lại còn dứt được đảng ác".

Biện pháp khai hoang được ông trình bày như sau: "Phàm những đất hoang có thể khai khẩn được, cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi công làm, mộ những dân nghèo các hạt đến khai khẩn, như mộ được 50 người thì lập làm một làng, cho làm lý trưởng, mộ được 30 người thì lập làm một ấp, cho làm ấp trưởng; đều tính đất chia cho.

 

Cấp cho tiền công để làm cửa nhà, mua trâu bò nông cụ; lại lượng cấp tiền gạo lương tháng trong hạn 6 tháng, ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn, 3 năm thành ruộng, đến chiếu lệ tư điền mà đánh thuế. Quan phủ huyện sở tại lập kho chứa thóc để phòng năm mất mùa cho dân vay. Những làng ấp mới lập gọi là "quân Lực bản".

Phàm các hạt xét thấy những dân du đãng không bấu víu vào đâu, đều đưa cả về đấy. Như thế thì đất không bỏ hoang, dân đều làm ruộng, phong tục kiêu bạc lại thành thuần hậu".

Đến tháng 10 năm 1828, những vùng đất mới mở mà Nguyễn Công Trứ khai hoang đã hình thành một huyện mới có tên là Tiền Hải, thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định. Sau đó, đến tháng 3 năm 1829, cũng từ bàn tay mở đất của ông mà triều đình bắt đầu đặt huyện Kim Sơn, lệ vào phủ Yên Khánh, Ninh Bình.

Sử nhà Nguyễn chép: "Một dải Tiền Châu liên tiếp bãi biển. Trước kia cây cỏ rậm rạp, bọn cướp hay tụ họp ở đấy, không ai dám đến gần. Đã có câu nói "ai dám đến đùa quấy ổ giặc mà chơi". Lãnh Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đến nơi, chiêu tập phủ dụ lòng người mới yên".

Công việc khai khẩn được ông tiến hành nhanh chóng và hiệu quả, khiến các sử quan của triều Nguyễn ghi nhận: "Buổi đầu Trứ lĩnh chức doanh điền, sửa sang mới có trong một năm mà các việc đều có đầu mối, mở mang ruộng đất, tụ họp lưu dân, thành ra mối lợi vĩnh viễn".

 

Những hoạt động của ông trong lĩnh vực kinh tế được nhân dân các vùng kể trên ghi nhớ. Hiện nay còn rất nhiều từ đường thờ cúng ông ở hai huyện nói trên, rất nhiều làng tại các địa phương này cũng thờ ông và tôn ông làm thành hoàng làng.

Ông ngất ngưởng độc nhất trong sử Việt: Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông! - Ảnh 3.

Khu tưởng niệm Nguyễn Công Trứ tại Tiền Hải, Thái Bình (Ảnh: Đậu Hà). Nguồn: Báo Hà Tĩnh.

Nhà thơ đầy khí chất

Đa số sĩ phu thời xưa đều là những nhà thơ, nhưng trong số đó, Nguyễn Công Trứ nổi lên là một nhà thơ có khí chất cao ngạo, "ngông nghênh" nhưng cũng đầy nỗi cảm thông về thân phận con người.

"Đại Nam thực lục" đánh giá về văn thơ của ông: "Công Trứ là người trác lạc, có tài khí, có tài làm văn, càng giỏi về quốc âm, làm ra thi ca rất nhiều, khí hào mại, phổ đầy ở trong âm luật; đến nay hãy còn truyền tụng. Khi tuổi già về nghỉ, tức thì bỏ qua việc đời, chơi thú sơn thuỷ, trải sơn 10 năm có cái hứng thú phớt thoảng ra ngoài sự vật".

 

Đời sau vẫn còn mãi ngâm nga những câu thơ thể hiện khí chất của Nguyễn Công Trứ, như: "Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông". Và bằng những hành động của mình, Uy Viễn tướng công đã để lại được cho núi sông cái danh vang vọng mãi về sau.

Thăng trầm trong bể hoạn, cám cảnh đời đen bạc, có lúc ông buông lời than thở về nhân tình thế thái:

Tiền tài hai chữ son khuyên ngược

Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi.

 

Nguyễn Công Trứ là người mê ca trù, đã sáng tác nhiều bài hát nói nổi tiếng để các ca nương hát xướng, và cũng tạo ra nhiều giai thoại lý thú xung quanh thú chơi này. Trong số các bài do ông sáng tác, thì "bài ca ngất ngưởng" thể hiện rõ những nét ngông, nét cao ngạo, khoe tài và thú chơi quên ngày tháng, bất kể không gian, thời gian của ông:

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

 

Lúc bình Tây, cờ đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.

Đô môn giải tổ chi niên,

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.

Kìa núi nọ phau phau mây trắng,

 

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng…

Những nét "ngất ngưởng" ấy thể hiện một Uy Viễn tướng công rất đời, rất người, biết tận hưởng cuộc sống mà đời sau cũng phải thèm muốn.

Nhưng trên tất cả, dù hưởng thụ, ngạo thế bao nhiêu, thì thơ văn và cuộc đời Nguyễn Công Trứ vẫn thể hiện rõ nét những khí chất của một người quân tử, mà như trong bài thơ "tuyên ngôn" của mình, ông đã khẳng định:

 

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Có lẽ sẽ nhiều người thích được "Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng" như ông, nhưng ở đời, mấy ai có thể tự tin xác định "Giữa trời vách đá cheo leo, ai mà chịu rét thì trèo với thông" như Nguyễn Công Trứ, bậc tiền nhân cách chúng ta đã 162 năm qua.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm