'Xót xa' trước nhật ký chấn động về phát xít Đức của cô bé 15 tuổi
Những vụ án kinh thiên, động địa trong lịch sử Trung Hoa / Mối tình chị em ít biết của 'đại dâm tặc' Tây Môn Khánh
Cuốn nhật ký của cô gái Do Thái này về những sóng gió phải trải qua, sau này trở thành cuốn sách về thời kỳ Đức quốc xã được đọc nhiều nhất trên toàn thế giới, được dịch sang hơn 60 thứ tiếng khác nhau và là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của nhiều vở kịch, tác phẩm điện ảnh.
Anne Frank, tên đầy đủ là Annelies Marie Frank, sinh năm 1929 trong một gia đình gốc Do Thái ở thành phố Frankfurt am Main, Đức. Cha mẹ của Anne đều xuất thân từ các gia tộc Do Thái đã định cư ở Đức nhiều thế kỷ. Họ luôn khuyến khích các con đọc sách ngay từ nhỏ. Trái với người chị gái có tính cách điềm đạm, kín đáo và học giỏi Toán, Anne là cô bé sôi nổi, hướng ngoại và tỏ ra có năng khiếu viết lách.
Anne Frank năm 1940. Ảnh: Smithsonian Magazine |
Sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền năm 1933, Otto Frank, cha của Anne, một ông chủ ngân hàng đã đưa cả gia đình trốn sang Amsterdam, Hà Lan nhằm tránh sự bức hại của phát xít Đức đối với người Do Thái.
Tại Hà Lan, ông Otto mở một cửa hàng buôn bán mứt cũng như gia vị và rất thành công. Anne được theo học một ngôi trường Montessori cùng với nhiều đứa trẻ khác thuộc tầng lớp trung lưu ở Hà Lan. Tuy nhiên, khi phát xít Đức xâm lược đất nước này vào năm 1940, Anne buộc phải chuyển sang học tại một ngôi trường dành riêng cho người Do Thái.
Ảnh: History.com |
Năm 1942, cha của cô bắt đầu thu xếp nơi ẩn náu cho cả gia đình trên tầng áp mái của một nhà kho tọa lạc bên bờ kênh Prinsengracht ở Amsterdam, để tránh nguy cơ cả gia đình bị trục xuất tới một trại tập trung của Đức quốc xã. Suốt hơn 2 năm, cả gia đình phải sống trong căn phòng tối om, không dám giật xả nước bồn cầu vào ban ngày vì sợ gây tiếng động làm lộ tung tích.
Họ được một vài người bạn Hà Lan tiếp tế nhu yếu phẩm và những thứ cần thiết khác để duy trì cuộc sống.
Đúng ngày sinh nhật lần thứ 13 của mình vào tháng 6/1942, Anne bắt đầu viết nhật ký về những trải nghiệm hàng ngày, về mối quan hệ giữa mình với gia đình và bạn bè cũng như những gì bản thân quan sát được về thế giới xung quanh ngày càng trở nên nguy hiểm.
Ảnh: DW |
Ngay từ những trang viết đầu tiên, thiếu nữ Do Thái đã đề cập đến các thay đổi đáng lo ngại kể từ khi quân Đức chiếm đóng Hà Lan. Anne miêu tả chi tiết sự quản chế hà khắc, những biện pháp bức hại bóp nghẹt cuộc sống của cộng đồng Do Thái tại Amsterdam. Chẳng hạn như, phát xít Đức bắt mọi người Do Thái phải mang dấu hiệu riêng là ngôi sao màu vàng trên áo khi đi ra ngoài, cấm họ không được ăn ở các nhà hàng, không được sử dụng các phương tiện công cộng, phải học trường riêng...
Bầu không khí ngột ngạt cùng sự im lặng, cảnh giác cao độ bao trùm nơi lẩn trốn bí mật khiến tâm hồn nhạy cảm của Anne cảm thấy hoảng sợ. Cô nghe thấy những tiếng sấm hủy diệt đang đến, đe dọa hàng triệu người.
Sự thống khổ mà cả gia đình phải chịu đựng trong những năm tháng lánh nạn trên căn gác ngụy trang cũng khiến Anne phẫn uất. Cô gái trẻ viết: "Ai gây ra điều này cho chúng ta? Ai đã làm cho người Do Thái khác với các dân tộc khác? Ai cho phép bọn chúng bắt chúng ta phải chịu đựng những đau khổ khủng khiếp như vậy?".
Ảnh: The Guardian |
Tuy nhiên, với tính cách mạnh mẽ và độc lập, Anne vẫn có niềm tin vô cùng mãnh liệt vào tương lai: “Nếu ngước nhìn lên bầu trời, mình nghĩ rằng mọi chuyện sẽ ổn. Sự tàn nhẫn sẽ chấm dứt, rồi hòa bình và yên tĩnh sẽ trở lại".
Cuốn nhật ký của Anne dừng lại vào ngày 1/8/1944. Chỉ 3 ngày sau đó, ngày 4/8/1944, do có kẻ chỉ điểm, Gestapo đã phát hiện ra nơi ẩn náu của gia đình Anne, bắt giam họ cùng 2 người nuôi giấu và chuyển tất cả tới trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan.
Trẻ em bị giam cầm trong trại tập trung của Đức quốc xã. Ảnh: History.com |
Mùa thu năm 1944, khi Liên Xô chuẩn bị giải phóng Ba Lan, phát xít Đức chuyển các tù nhân tại Auschwitz tới trại tập trung Bergen-Belsen ở Đức. Mẹ của Anne qua đời tại đây vào tháng 1/1945. Đầu tháng 3/1945, Anne và chị gái cũng chết vì bệnh viêm phổi cấp trong trại tập trung, khi cô mới 15 tuổi và chỉ 2 tuần trước khi người Anh giải phóng Bergen-Belsen.
Bia mộ tượng trưng của Anne và chị gái tại nơi từng là trại tập trung Bergen-Belsen ở Đức. Ảnh: BBC |
Cha của Anne nằm trong số 10 người duy nhất từng bị giam cầm trong các trại tập trung của phát xít Đức còn sống sót. Sau chiến tranh, khi trở về Amsterdam, ông Otto gặp lại Miep Gies, một nhân viên cũ từng giúp che giấu mình. Bà Miep đã trao lại cho ông cuốn nhật ký của Anne, vốn được tìm thấy nguyên vẹn trên căn gác mái sau cuộc càn quét của Đức quốc xã.
Ban đầu, ông Otto đưa cuốn nhật ký của con gái cho nhà sử học Annie Romein-Verschoor để xuất bản nhưng không thành công. Về sau, chồng của nhà sử học là Jan Romein đã viết một bài giới thiệu về cuốn nhật ký đăng trên nhật báo Het Parool tháng 4/1946.
Theo ông Romein, cuốn nhật nhật ký "là những lời thốt ra từ một đứa trẻ, miêu tả số phận những người cố gắng trốn chạy chế độ phát xít, còn đậm nét hơn toàn bộ chứng cứ được đưa ra trong những phiên tòa ở Nuremberg". Bài báo ngay lập tức thu hút sự chú ý của các nhà xuất bản. Cuốn nhật ký của Anne rốt cuộc được ấn hành lần đầu tiên bằng tiếng Hà Lan năm 1947 và tái bản vào năm 1950.
Anne không còn, nhưng những gì thiếu nữ Do Thái này mong muốn, “tiếp tục sống ngay cả khi chết đi” đã trở thành hiện thực. Năm 1952, phiên bản tiếng Anh cuốn nhật ký của Anne lần đầu phát hành tại Mỹ và sau đó được chuyển dịch sang gần 60 thứ tiếng khác nhau, trở thành cuốn sách về thời kỳ Đức quốc xã được đọc nhiều nhất trên toàn thế giới.
Ông Otto Frank, cha của Anne đang cầm giải thưởng Golden Pan trao tặng năm 1971 sau khi cuốn nhật ký của con gái đạt số lượng phát hành 1 triệu bản. Ảnh: AP |
Một vở kịch do Frances Goodrich và Albert Hackett dàn dựng dựa trên nội dung cuốn nhật ký của Anne và cho công diễn tại New York năm 1955, đã đoạt giải Pulitzer. Bộ phim nhan đề Nhật ký Anne Frank cũng thu được thành công vang dội khi giành tới 3 giải Oscar năm 1959.
Trong lời giới thiệu cho ấn bản đầu tiên của cuốn Nhật ký Anne Frank tại Mỹ, bà Eleanor Roosevelt, vợ của Tổng thống Roosevelt gọi đây là "một trong những sự mô tả cảm động nhất về chiến tranh và tác động của chiến tranh đối với nhân loại mà tôi từng đọc".
Năm 1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy cũng nhắc đến cô gái Do Thái trong một bài diễn văn hùng hồn: "Xuyên suốt lịch sử đã có nhiều người nói đến nhân phẩm vào những thời điểm con người gánh chịu nhiều đau khổ và sỉ nhục, nhưng không tiếng nói nào có sức thuyết phục bằng tiếng nói của Anne Frank”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo