Khám phá

4 báu vật ngàn năm của Việt Nam – biến mất không rõ tung tích?

Mặc dù đều là những vật quốc bảo song khi giặc Minh sang xâm chiếm nước ta, tứ đại khí đều bị cướp hoặc phá hủy để lấy đồng đúc vũ khí và nhằm làm mất đi một phần 'nguyên khí' của người Việt.

Theo các ghi chép lịch sử còn lưu giữ được tới ngày nay, dưới triều đại nhà Lý – Trần, hai trong số những triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến dân tộc, nước ta sở hữu bốn vật báu, được mệnh danh là “Thiên Nam Tứ Đại Khí”. Đó là bốn báu vật cực lớn được làm bằng đồng, bốn công trình nghệ thuật mà quy mô và sự đồ sộ của chúng khiến các thế hệ con cháu về sau phải sửng sốt, ngả mũ kính phục tài năng và ý chí của ông cha.

Bốn vật báu trong Tứ đại khí bao gồm “Tượng chùa Quỳnh Lâm”, “Tháp Báo Thiên”, “chuông Quy Điền”, “đỉnh Phổ Minh”. Là những bộ phận không thể tách rời của các công trình kiến trúc Phật Giáo quan trọng bậc nhất của thời đại chính là đặc điểm chung dễ nhận thấy nhất của nhóm các công trình này. Đặc điểm chung này cũng sẽ hé lộ cho thế hệ sau những hiểu biết rất đáng giá về cuộc sống của nhân dân dưới hai triều đại phong kiến huy hoàng này.

Hãy cùng ngược dòng lịch sử, lần theo những dấu vết còn được lưu lại để có được hình dung rõ nét hơn về bốn báu vật trong quá khứ của dân tộc.

1. Tượng chùa Quỳnh Lâm – Chùa Quỳnh Lâm, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

Chùa cổ Quỳnh Lâm, nằm trên núi Quỳnh Lâm, tương truyền được xây dựng vào thời nhà Lý, nhưng theo các thư tịch cổ còn lưu giữ được, ngôi chùa được vua Trần Anh Tông (1293-1314) xây dựng để thiền sư Pháp Loa làm giảng viện. Ngôi chùa được mệnh danh là “Thiên Nam đệ nhất danh lam” dưới thời nhà Trần này chính là nơi tọa lạc của Đại khí đầu tiên, pho tượng Phật khổng lồ được đúc hoàn toàn bằng đồng.

Theo văn bia của của Quỳnh Lâm còn lưu giữ được, pho tượng Phật nổi tiếng này cao 6 trượng (khoảng 20m, xấp xỉ chiều cao của một tòa nhà 3 tầng). Để bảo vệ bức tượng khỏi sự tàn hoại của các hiện tượng thiên nhiên, một tòa điện cao 7 trượng (xấp xỉ 23,7m) đã được xây dựng để chứa tượng. Trong dân gian xưa còn lưu truyền câu ca, ca ngợi thắng cảnh chùa Quỳnh Lâm, khiến chúng ta có thể hình dung sự to lớn của tòa tháp chứa Phật cũng như sự đồ sộ của ngôi chùa này.

Bức tượng Phật bằng đồng lớn nhất Nhật Bản, đặt tại chùa Todaji, có chiều cao 15 m (Nguồn ảnh: Sưu tầm internet)

Cho đến nay, các nhà lịch sử vẫn chưa tìm được những cứ liệu cần thiết để ước lượng trọng lượng của Pho tượng Phật chùa Quỳnh Lâm. Hiện nay, không có bất cứ hình ảnh nào của tượng Phật chùa Quỳnh Lâm được lưu lại, chúng ta có thể tham khảo những số liệu của bức tượng Phật bằng đồng lớn nhất Nhật Bản, được đặt tại chùa Todaiji của đất nước Phù Tang và các hình ảnh của pho tượng này để có thể hình dung rõ hơn về quy mô của tượng Phật tại Quỳnh Lâm thế kỉ 13-14.

Đến đầu thế kỉ XV quân Minh xâm lược nước ta chùa đã bị phá hủy gần hết, sang đến thời Hậu Lê chùa mới được trùng tu lại. Đứng đầu đợt tu sửa này là các Vương Phi trong phủ Chúa Trịnh. Họ xin tiền của kho nhà nước và kết hợp với sự quyên góp của các thiện nam tín nữ trong vùng nên việc tu sửa đã được tiến hành nhanh gọn. Năm 1327, một tháp đá lớn được xây dựng gọi là tháp Tịch Quang (Tháp gồm 7 tầng cao trên 10m, đáy tháp rộng 2,7m, đỉnh tháp hình búp đa, các tầng tháp thu nhỏ dần) cho đến nay tháp vẫn còn nguyên vẹn.

Phối cảnh chùa Quỳnh Lâm sau khi hoàn thiện trùng tu và tôn tạo

2. Chuông Quy Điền – Chùa Diên Hựu, kinh thành Thăng Long

Vào năm 1080, chuông Quy Điền được vua Lý Thái Tông cho đúc trong một lần tu sửa chùa Diên Hựu, một ngôi chùa thiêng được xây dựng khi nhà vua mộng thấy Đức Quán Âm Bồ Tát dắt lên tòa sen. Chùa Diên Hựu là một trong nhưng ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ở ta, mang hình tượng bông sen ngàn cánh mọc lên giữa ao thơm Linh Chiểu. Chuông được đặt tên là Giác Thế Chung (ngụ ý sẽ là tiếng chuông thức tỉnh con người thế gian).

Chuông chùa Bái Đính, chiếc chuông đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay, cao 5,5m chỉ có chiều cao bằng 1/5 chiều cao chiếc Chuông Quy Điền trong lịch sử

Chuông Quy Điền được ghi chép lại là một chiếc chuông khổng lồ. Để treo chuông, người xưa đã phải xây dựng một lầu chuông bằng đá xanh, cao tới 8 trượng (tương đương 25m).

Chùa Diên Hựu hay còn gọi là Chùa một cột ngày nay

Tuy nhiên chiếc chuông này khi đúc xong, đánh lại không phát ra âm thanh. Vì lẽ đó, nhà vua đã hạ lệnh chuyển chuông ra thửa ruộng sau chùa. Ruộng này trũng nên hàng năm có rất nhiều rùa về đây làm tổ. Có lẽ vì vậy, tên của chuông nhanh chóng bị thay thế bởi tên gọi dân gian Chuông Quy Điền và trở nên rất nổi tiếng trong cả nước.

3. Tháp Báo Thiên- Chùa Sùng Khánh Báo Thiên, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long

Chùa Sùng Khánh Báo Thiên tại Kinh Thành Thăng Long, ảnh: hieuminh

Lý do để tháp được coi là một trong tứ đại khí do có số tầng chẵn biểu thị sự cân bằng, ổn định, tĩnh tại, bền vững như triều đình nhà Lý đầy khí thế, sẽ tồn tại dài lâu. Ngọn tháp đúc bằng đồng khắc ba chữ Đao Ly Thiên tỏ ý tưởng của đấng tối cao xông lên tận trời thẳm. Đỉnh tháp có tượng người tiên bưng mâm ngọc hứng móc ngọt làm thuốc cho vua; vì thế, được Nho thần danh sĩ miêu tả là: “Trấn áp đông tây cũng đế kỳ/Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy/Sơn hà bất động kình thiên trụ/Kim cổ nan nan lập địa chùng?. Dịch: (Trấn giữ đông tây vững đế kỳ/Tháp cao sừng sững thật uy nghi/Là cột chống trời yên đất nước/Vượt mọi thời gian chẳng sợ gì”.

Tuy nhiên, trận bão năm Mậu Ngọ (1258) đời Trần Thánh Tông đã làm ngọn tháp này bị đổ! Sau khi được trùng tu, tháp lại bị sét đánh sạt mất hai tầng về góc bên đông vào năm Nhâm Tuất (1322) đời Trần Minh Tông. Đến tháng sáu năm Bính Tuất (1406) đời Hồ Hán Thương (84 năm sau khi được trùng tu lần thứ hai) đỉnh tháp lại bị đổ. Thời thuộc Minh (1414-1427), quân Minh đã cho phá tháp để chế súng. Chỗ tháp bị phá sau đó được đổ đất thành gò cao để dựng đàn tràng.

Chùa Sùng Khánh Báo Thiên trước kia được xây dựng ởtại vị trị nay là Nhà thờ lớn Hà Nội (Ảnh dẫn qua: sachhiem.net)

4. Đỉnh Phổ Minh – Chùa Phổ Minh (chùa Tháp), xã Tức Mạc, Nam Định

Chù Phổ Minh cũng được đánh giá là một trong những ngôi chùa có vị trí quan trọng trong nền phật giáo nước nhà, được xây dựng ở phía Tây cung Trùng Khánh. Đỉnh Phổ Minh là chiếc đỉnh (có nơi ghi chép là chiếc vạc) được được đúc bằng đồng có kích thước vô cùng to lớn đặt tại chùa, vào tháng 2 năm Nhâm Tuất (1262) đời Trần Thánh Tông. Chiếc vạc đồng này được coi là một biểu tượng của nghệ thuật Phật giáo đương thời.

Một dạng vạc thường được đặt trong các sân chùa Việt Nam thời trước (Ảnh minh họa: dẫn qua lichsuvn.net)

Về kích thước, theo một ghi chép trong phần phụ cuối sách Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi (thời Lê, thế XV), trong bài Phổ Minh Tự Đỉnh), chiếc vạc đồng được đặt tại chùa Phổ Minh là một chiếc vạc vĩ đại không đâu sánh kịp: vạc sâu 4 thước (tương đương 13m), rộng 10 thước (tương đương 33m), nặng 6150 cân ta (tương đương 3,7 tấn) (cân ta là một đơn vị đo lường cổ; 1 cân ta = 604,5 gam). Theo các hiểu biết còn được truyền lại tới ngày nay, miệng vạc dày và rộng đến mức hai người có thể chạy đuổi nhau trên thành của vạc đồng này.

Khi mang quân sang xâm lược Đại Việt, nhà Minh đã dùng mọi thủ đoạn để phá hủy nền văn hóa Đại Việt. Được coi là những vật chứa đựng nguyên khí của quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt nên cả bốn tứ đại khí đều đã phá hủy để chế thành vũ khí.

Theo Diệp Chi/Khỏe & Đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo