4 cung thủ thiên tài trong lịch sử Á Đông
Ngỡ ngàng trước 'kim tự tháp' đồ sộ trên mặt nước / Giải mã 'vùng tối' Tam quốc diễn nghĩa: Phượng hoàng trụi lông
Jumong
Năm 2006, hãng truyền hình MBC Hàn Quốc phát sóng bộ phim nổi tiếng dài 81 tập “Truyền thuyết Jumong”, tạo ra cơn sốt ở Hàn Quốc và 13 nước châu Á với doanh thu cao kỷ lục 13 tỷ won. Năm 2007, bộ phim này được phát sóng trên truyền hình Việt Nam và khán giả người việt cũng nhanh chóng bị chinh phục.
Hình tượng Jumong trên màn ảnh.
Bộ phim sử dụng những ghi chép từ lịch sử, giai thoại cùng những truyền thuyết để xây dựng nhân vật người anh hùng Cao Chu Mông (Go Jumong), là vị Vua sáng lập ra Cao Câu Ly, vương quốc phía Bắc trong thời tam quốc Triều Tiên. Cao Câu Ly thuộc triều đại kéo dài nhất trong lịch sử Triều Tiên, từ năm 37 TCN đến năm 668 SCN.
Theo tiếng Hàn cổ thì Cao Chu Mông có nghĩa là “thần tiễn”. Theo ghi chép từ “Tam quốc sử ký” và “Tam quốc di sự” thì Jumong là vị quân vương xuất chúng với tài năng hơn người, có khả năng sử dụng cung tên thành thục. Tiễn thuật đã giúp Jumong sáng lập vương quốc Cao Câu Ly.
Jumong là vị vua sáng lập ra vương quốc Cao Câu Ly, ông được biết tới là người có nhiều tài nghệ, trong đó nổi bật nhất là khả năng bắn tên ấn tượng. (Ảnh từ Archerxusa).
“Truyền thuyết Jumong” mô tả Jumong khi thi tài bắn cung đã dùng tấm vải bịt mắt lại nhưng vẫn bắn trúng hồng tâm. Trong các cuộc chiến, vị cung thủ thiên tài này cũng có khả năng bắn 2, 3 mũi tên cùng một lúc vào 2, 3 mục tiêu khác nhau.
Phạm Ngũ Lão
Trong quân đội nhà Trần, Phạm Ngũ Lão không chỉ giỏi võ mà còn là một cung thủ trác tuyệt. Trước khi về dưới trướng của Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão từng lên kinh ứng thí võ trạng nguyên. Trong cuộc thi bắn cung, thay vì bắn vào mục tiêu cắm sẵn, Phạm Ngũ Lão lại giương tên bắn vào dải cờ đang bay của triều đình, mũi tên bay trúng đích khiến dải cờ rơi xuống đất, chính vì điều này mà ông bị khép tội và bị đuổi trở về quê.
Về chuyện bắn rơi dải cờ của triều đình, cũng có tài liệu cho rằng không phải Phạm Ngũ Lão bắn rơi dải cờ ở kỳ thi ứng thí võ trạng nguyên, mà là Phạm Ngũ Lão tình cờ gặp gia tướng của Hưng Đạo Vương là Nguyễn Địa Lô đang tập bắn cung. Địa Lô được xem là cung thủ giỏi nhất thời đó. Phạm Ngũ Lão xin thử sức nhưng không bắn vào mục tiêu cắm sẵn mà bắn vào dải cờ đang bay trên cao, mũi tên trúng đích khiến dải cờ rơi xuống đất.
Nguyễn Địa Lô kinh ngạc phát hiện anh chàng này còn giỏi hơn cả mình liền dẫn đi ra mắt Hưng Đạo Vương. Nào ngờ các gia thần bắt Phạm Ngũ Lão vì dám bắn vào dải cờ của triều đình, nhưng thấy còn trẻ nên tha cho trở về bản quán.
Trở về quê nhà, Phạm Ngũ Lão chăm chỉ đọc binh thư, cho đến khi ngồi đan sọt và gặp được Hưng Đạo Vương, ông được mời về kinh thành.
Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt. (Tranh minh họa qua kienthuc.net.vn).
Với tài võ và bắn cung thiện xạ của mình Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công lớn trong cuộc chiến chống quân Nguyên, Ai Lao và Chiêm Thành.
Năm 1285, trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2, ông cùng Trần Quang Khải đánh tan quân Nguyên ở Chương Dương, Hàm Tử, rồi tiến đánh vào thành Thăng Long. Ông cũng cho quân ở Vạn Kiếp chặn đường rút chạy của giặc.
Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng tham gia các trận đánh bắt tướng Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi, truy kích Thoát Hoan.
Khi quân Ai Lao nhiều lần quấy nhiễu Đại Việt, Phạm Ngũ Lão mang quân sang đánh và giành nhiều trận thắng lớn.
Phạm Ngũ Lão hai lần đánh Chiêm Thành. Năm 1312, ông đánh Chiêm khiến vua Chiêm là Chế Chí phải xin hàng, người Chiêm thần phục. Năm 1318, Phạm Ngũ Lão một lần nữa đem quân sang Chiêm Thành, vua Chiêm là Chế Năng thua trận phải trốn sang Java (Indonesia).
Triết Biệt
Triết Biệt là vị tướng có tài bắn cung giỏi nhất trong đội quân Mông Cổ. Trong quá trình thống nhất các bộ tộc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn đã từng bị trúng một mũi tên của Triết Biệt mà suýt mất mạng.
Sau này khi thu phục được bộ tộc Tần Diệc Xích Ngột, Thành Cát Tư Hãn vẫn trọng dụng Triết Biệt, phong cho ông chỉ huy một đội quân hộ vệ. Khi tài bắn cung của Triết Biệt nổi lên trong đội quân Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn đã tổ chức một cuộc thi bắn cung giữa Triết Biệt với Đại tướng quân Bác Nhĩ Truật – người được xem là cung thủ số một của quân Mông Cổ lúc đó.
Quân Mông Cổ rất giỏi cưỡi ngựa bắn cung. (Ảnh minh họa từ mubi.com).
Triết Biệt tham gia thi bắn cung nhưng lại không cần tên, mà chỉ cần một cây cung. Sau khi tránh được 2 mũi tên của Bác Nhĩ Truật, Triết Biệt bắt được mũi tên thứ 3, rồi dùng nó bắn trúng người Bác Nhĩ Truật.
Cái tên Triết Biệt đã được Thành Cát Tư Hãn đặt cho ông sau cuộc thi đó. Trong tiếng Mông Cổ nó nghĩa là Thần Tiễn – danh hiệu cao quý nhất của một cung thủ.
Lã Bố
Là một vị tướng nổi tiếng thời Đông Hán, Lã Bố không chỉ nổi tiếng bởi giỏi võ mà còn có tài cưỡi ngựa bắn cung.
Năm 196 Viên Thuật quyết định tấn công Tiểu Bái để tiêu diệt Lưu Bị, Lã Bố lúc này đang đóng quân ở Từ Châu rất gần đó. Vì cả Viên Thuật và Lưu Bị đều muốn Lã Bố giúp mình nên đều gửi thư cho Lã Bố. Sau khi xem thư Lã Bố quyết định giúp giảng hòa cho cả hai bên.
Viên Thuật phái tướng Kỷ Linh đến đánh Lưu Bị ở Tiểu Bái. Lã Bố liền mời cả Kỷ Linh và Lưu Bị đến dự tiệc. Hai người giật mình khi nhìn thấy nhau. Lã Bố muốn giảng hòa cho hai bên nhưng Kỷ Linh vốn có binh mạnh hơn nên quyết đánh.
“Bắn kích Viên môn” (Tranh minh họa qua Wikipedia).
Lã Bố liền cho cắm cây kích cách xa 150 bước và giao ước nếu mình bắn trúng vào ngạnh của kích thì hai bên đều lui binh, còn nếu bắn không trúng thì đánh. Kỷ Linh thấy cây kích ở cách rất xa, nhìn không rõ cây kích chứ chưa nói đến ngạch kích nên phân vân một lúc rồi cũng đồng ý.
Lã Bố giương cung bắn một tên trúng ngay ngạnh kích, khiến ai cũng kinh ngạc và khâm phục, Kỷ Linh đành lui binh, Lưu Bị được giải nguy. Kỳ tích “Bắn kích Viên môn” này là một trong những điển tích rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, đồng thời cũng đưa Lã Bố trở thành một trong những cung thủ thiên tài trong lịch sử Á đông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo