5 nhân vật đánh bại Lữ Bố: Quan Vũ, Trương Phi còn bị vượt mặt bởi 1 kẻ vô danh tiểu tốt
Không phải Quan Vũ, Trương Phi, ai mới là võ tướng hạ nhiều địch nhất thời Tam Quốc? / Trương Phi tự mang họa sát thân vì không nghe lời vợ?
Nhắc tới Lữ Bố, không ít người nhớ ngay tới mỹ danh "đệ nhất mãnh tướng Tam Quốc" của nhân vật thiện chiến này.
Nếu chỉ nói riêng về võ nghệ, tài năng của Lữ Bố được đánh giá là xứng đáng với danh hiệu đệ nhất. Bởi dẫu sao Lữ Phụng Tiên lúc sinh thời cũng nổi danh kiêu dũng, còn được "Tam Quốc chí" miêu tả là "giỏi việc cung ngựa, sức vóc hơn người", còn được ca ngợi là "có cái dũng của mãnh hổ".
Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều sử gia, Lữ Bố trong lịch sử quả thật là có võ nghệ, có sự dũng cảm, thế nhưng khác với những miêu tả như trong "Tam Quốc diễn nghĩa", người chỉ có võ lực như Lữ Phụng Tiên không hẳn lúc nào cũng khiến cho người khác kinh sợ.
Sự thực là vào thời loạn thế lúc bấy giờ, có không ít nhân vật đã từng khiến võ tướng được mệnh danh là "vô địch thiên hạ" này phải sợ hãi. Thậm chí trong số đó còn có một nhân vật chẳng mấy tên tuổi đã từng khiến Lữ Bố phải chật vật chạy trốn.
Tôn Kiên
Tôn Kiên là hổ tướng Giang Đông từng đánh bại Lữ Bố không chỉ một lần. (Ảnh: Nguồn Internet).
Thời điểm Lữ Bố bắt đầu chính thức bước lên chiến trường, tham gia vào trận hỗn chiến trong thời đại quần hùng tranh bá chính là từ lúc các chư hầu tụ nghĩa để khởi binh chinh phạt Đổng Trác.
Bấy giờ, nhánh quân của Tôn Kiên đóng vai trò chủ lực, bản thân vị tướng này cũng đã từng có nhiều lần giao chiến với Lữ Bố.
"Hậu Hán thư" phần "Đổng Trác liệt truyện" có đoạn viết rằng, khi quân của Tôn Kiên tiến về huyện Lương, Lữ Bố và Hồ Chẩn được cử ra công đánh. Tuy nhiên do hai võ tướng này nảy sinh bất hòa, lòng quân vốn đã lục đục, sau bị Tôn Kiên đánh đến bại trận rồi bỏ chạy toán loạn.
Sau đó, Tôn Kiên tiếp tục giao chiến với Lữ Bố ở thành Lạc Dương. Vị tướng lão làng đất Giang Đông này đã khiến Lữ Bố bại trận và đánh bật đội quân của ông ra khỏi thành trì này.
Từ đó có thể thấy, Lữ Bố mặc dù được miêu tả là "có cái dũng của mãnh hổ", nhưng khi đối mặt với một mãnh hổ thực thụ đất Giang Đông như Tôn Kiên, Lữ Phụng Tiên vẫn không thể so bì.
Lý Giác, Quách Tỵ
Lữ Bố còn từng bị đánh bật khỏi Trường An trước những võ tướng từng cùng chiến tuyến với mình như Lý Thôi - Quách Dĩ. (Ảnh minh họa).
Lý Thôi và Quách Dĩ (còn bản dịch là Quách Tỵ) đều là bộ tướng của Đổng Trác. Tuy nhiên khác với Lữ Bố sẵn sàng phản bội giết chủ để hùa theo Vương Doãn, hai võ tướng Lý – Quách vẫn một lòng theo chủ cho tới khi Đổng tặc phải đền tội.
Bấy giờ nhờ có nước cờ của Giả Hủ, Lý Thôi và Quách Dĩ đã hợp thành một phe, noi theo Đổng Trác, đánh vào kinh thành để thao túng Thiên tử, ra lệnh cho các chư hầu.
Khi liên minh Lý – Quách còn nắm quyền, ngay tới Đào Khiêm ở Từ Châu hay Lưu Biểu ở Kinh Châu vẫn thường vâng mệnh cống nạp.
Hơn nữa vào buổi đầu công phá thành Trường An, thế lực họ đã giao tranh và đánh bại chính là quân của Lữ Bố.
"Tam Quốc chí" phần "Lữ Bố truyện" cũng có ghi lại:
"Bởi thế bọn Lý Thôi bèn liên kết kéo về vây đánh Trường An, Bố không thể chống nổi, bọn Lý Thôi bèn kéo vào thành Trường An".
Nói cách khác, Lữ Bố không chỉ bại trận trước Tôn Kiên mà còn không phải là đối thủ trước Lý Thôi và Quách Dĩ.
Tào Tháo
Bên cạnh Tôn Kiên, Tào Tháo cũng từng hai lần đánh bại Lữ Bố và chính thức kết liễu mạng sống của võ tướng nổi danh này. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Mặc dù Lý Thôi và Quách Dĩ mới là những người vận dụng mưu kế nắm lấy Thiên tử để ra lệnh cho các chư hầu trước, nhưng mỗi khi nghĩ tới kế sách này, nhiều người sẽ nhớ tới Tào Tháo.
Điều đáng nói còn nằm ở chỗ, Tào Mạnh Đức cũng là nhân vật từng đánh bại Lữ Bố không chỉ một lần.
Ban đầu khi Tào Tháo đem quân đông chinh, Trần Cung thừa dịp này đã bày mưu giúp Lữ Bố đánh vào Duyện Châu. Sau đó Tào Mạnh Đức kịp thời dẫn binh về cứu viện, đánh bật quân của Lữ Phụng Tiên khỏi địa bàn của mình.
Ngoài ra, việc Lữ Bố bị thất bại và bỏ mạng ở lầu Bạch Môn chính là chiến tích của Tào Tháo. Nói cách khác, chính vị kiêu hùng họ Tào này là người đã kết liễu võ tướng từng được mệnh danh là "vô địch thiên hạ" một thời.
Lý Tiến
Cuộc đời của Lữ Bố còn từng gặp phải một lần thất bại ê chề trước một nhân vật bị coi là "vô danh tiểu tốt" thời bấy giờ. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
So với những nhân vật nổi danh kể trên, Lý Tiến có thể coi là một người không mấy có tên tuổi vào thời bấy giờ.
Mặc dù danh tiếng tương đối thấp, thậm chí sau này còn chẳng rõ tung tích, nhưng sự thực là nhân vật họ Lý này đã từng đánh bại Lữ Bố, thậm chí còn khiến võ tướng "vô địch thiên hạ" ấy phải chật vật chạy trốn.
Về chi tiết này, "Tam Quốc chí – Ngụy chí" phần "Võ Đế kỷ - Tào Tháo truyện" có ghi lại:
"Tháng 9, mùa thu, Thái Tổ (chỉ Tào Tháo) về lại Quyên Thành, Bố đến Thừa Thị, bị người trong huyện là Lý Tiến đánh bại, bèn kéo về phía Đông đóng ở đồn Sơn Dương".
Chỉ một Lý Tiến đã có thể đánh cho quân của Lữ Bố bỏ chạy khỏi huyện, điều này cho thấy hoặc là "thường nhân" họ Lý này có võ nghệ đặc biệt cao cường, hoặc là Lữ Bố quả thực không lợi hại như hậu thế vẫn nghĩ.
Từ những minh chứng kể trên, chúng ta không khó để biết được rằng Lữ Bố mặc dù mang danh là "đệ nhất mãnh tướng Tam Quốc" nhưng vẫn có không ít lần bị đánh bại.
Điều đáng nói còn nằm ở chỗ, người khiến võ tướng "vô địch thiên hạ" này thảm bại không chỉ có những bậc kiêu hùng như Tào Tháo, Tôn Kiên mà ngay tới những võ tướng bình thường như Lý Thôi – Quách Dĩ, thậm chí cả một người vô danh tiểu tốt như Lý Tiến cũng có thể làm được.
Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, Lữ Phụng Tiên quả thực có võ nghệ khó ai bì kịp, nhưng nếu chỉ dựa vào sự kiêu dũng trên phương diện vũ lực thì khó có năng lực gây dựng đại nghiệp ở trong thời loạn thế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Là chủ của Thiên Đình, tại sao Ngọc Hoàng lại sợ hãi đến trốn cả vào gầm bàn, phải nhờ cậy Phật Tổ Như Lai khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung?
Ai được xem là ‘nhà thơ của làng cảnh Việt Nam’ ? Có bài thơ người Việt nào cũng thuộc
Nhà thơ 'lười' nhất lịch sử: Cả đời chỉ sáng tác một bài hai câu thơ, được truyền muôn đời