6 kịch bản “dở khóc dở cười” vì biến đổi khí hậu
Bộ ba nghi UFO tìm thấy trong cơn bão bụi Mặt trăng / Ngỡ ngàng trước hài cốt thiếu nữ con lai giữa 2 loài
Các tình huống trớ trêu, hiện tượng kì lạ dưới đây sẽ khiến chúng ta tò mò vì lần đầu được thấy. Thế nhưng, nếu biết nguyên nhân đằng sau chính là biến đổi khí hậu thì liệu còn ai tươi cười hớn hở nữa không?
1. Xuất hiện nhiều loài động vật lai với ngoại hình rất "sai"
Khi Trái đất nóng dần lên, các cánh rừng có dấu hiệu phát triển về hướng bắc. Cây cỏ mọc lên ở những nơi từng là băng tuyết.
Điều này dẫn đến nhiều loài động vật phương nam di cư theo. Một mặt, chúng dần tiến hóa để thích nghi với môi trường sống mới. Mặt khác, chúng giao phối với động vật bản địa, tạo nên các loài lai chủng mới.
Loài "Eastern coyote" vừa là sói vừa là chó, săn nai rất hiệu quả, đe dọa số lượng nai ở miền đông nước Mỹ.
Ví dụ khoảng những năm 1930, ở khu vực Ngũ Đại Hồ, nước Mỹ phát hiện loài chó sói mới gọi là "Eastern coyote" (tạm dịch: chó sói đồng cỏ miền đông). Nó lai giữa sói đồng cỏ, sói xám, chó nhà và vài giống khác.
Grolar bear = grizzly bear + polar bear (gấu xám + gấu trắng Bắc Cực).
Ngoài ra trên thế giới đã ghi nhận loài "grolar bear" lai giữa gấu xám Bắc Mỹ và gấu Bắc Cực.
Hay loài "blynx" lai giữa linh miêu Mỹ và linh miêu Canada. Danh sách này chắc chắn sẽ còn tiếp tục với các loài sóc, cá mập, cá heo,...
Cảnh tượng đau lòng khi cáo đỏ xâm phạm nơi sống và săn thịt cáo tuyết Bắc Cực.
Ngoài việc lai tạp, sự di cư của các loài vật mới còn ảnh hưởng đến đời sống loài bản địa, gây rắc rối cho hệ sinh thái.
2. Dơi rụng chết hàng loạt ở Úc
Vào đầu tháng 1/2018, nhiệt độ nóng bất thường tại miền Tây Nam nước Úc đã làm loài dơi "flying fox" chết hàng loạt, rơi từ trên cây xuống đất.
Theo các nhà bảo tồn, mức nhiệt lên tới 44 độ C đã "luộc chín" bên trong cơ thể và gây tử vong cho khoảng 400 con dơi.
Trước đó, năm 2014, số lượng dơi chết do nóng đỉnh điểm ở Úc lên tới 45.000 cá thể. Tình trạng này sẽ còn xảy ra trừ khi dơi tìm thấy "miền đất hứa" có khí hậu mát mẻ hơn.
Từ lâu, loài dơi đã khiến nhiều người có ác cảm do truyền nhiễm bệnh dại. Tuy nhiên, dơi cũng đóng vai trò nhất định trong hệ sinh thái, giúp thụ phấn cho hoa và diệt trừ côn trùng gây hại cây trồng.
3. "Cơn mưa" cự đà ở Florida
Đầu năm nay, trong khi dơi rụng ở Úc thì ở Florida lại diễn ra "cơn mưa" cự đà. Loài bò sát này cũng ngã rạp xuống đất, nhưng lí do vì nhiệt độ xuống thấp bất thường, chỉ khoảng 5 độ C.
Cự đà là loài biến nhiệt nhưng khi thời tiết trở lạnh quá đột ngột, chúng đã không thể thích nghi, không thể bám chặt vào cành cây nữa.
Một số người dân Florida sau đó đã đem cự đà đến nơi có ánh mặt trời để "rã đông". Nhờ vậy, nhiều con cự đà đã sống sót nhưng lại quay sang... cắn vào ân nhân cứu mạng. Thật không biết phải làm sao trong chuỗi tình huống bất thường này!
4. Tượng đá trên đảo Phục Sinh phải đi khỏi... đảo Phục Sinh
Từ lâu, những tượng đá khổng lồ trông ra Thái Bình Dương đã thu hút sự tò mò của toàn nhân loại, và ai cũng biết chúng gắn liền với đảo Phục Sinh.
Tuy nhiên, sẽ sớm đến ngày các tượng đá kì dị này (gọi là "moai") phải dời đến nơi khác. Lí do bởi nước biển đang dâng lên rất nhanh, đe dọa sẽ nuốt chửng nhiều phần của hòn đảo!
Lưu ý rằng 1.000 tượng moai đều gần với mép nước, nếu không di dời kịp thời thì chắc chắn là chìm xuống biển. Đây sẽ là một mất mát to lớn cho việc nghiên cứu khảo cổ học.
5. Những lương thực chính yếu của con người có thể sẽ... không ăn được!
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, các loài cây lương thực quen thuộc với con người như lúa mì và ngô đang sản sinh ra độc tố.
Đó là cơ chế phòng vệ của cây dưới mức nhiệt nóng khủng khiếp. Nhưng với con người, những độc tố này có thể gây rối loạn thần kinh, thậm chí là ung thư nếu hấp thụ trong thời gian dài.
Nguyên tắc sinh độc tố của cây như sau. Nitrat vốn là chất giúp cây sản sinh ra protein và amino axit, tuy nhiên cây sẽ giữ lại nitrat khi thời tiết trở nên khô hạn. Kết quả là con người sẽ ăn lấy cả chất nitrat này trong lương thực. Nó ngăn trở quá trình dẫn oxy tuần hoàn khắp cơ thể.
Ngược lại, nếu trời mưa kéo dài, mùa vụ quá ẩm ướt, cây cối sẽ tích lũy chất hidro xyanua – một loại axit vô cùng độc. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu nhằm biết được những biến đổi của cây trồng khi thời tiết diễn biến cực đoan.
6. Nguy cơ con người chạm trán cá mập tăng cao
Hiện nay, rất hiếm khi con người bị cá mập tấn công (ngoài trừ trong... phim). Còn tỷ lệ ngoài thực tế chỉ là 1 trên 3,7 triệu trường hợp. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang ngày càng tăng lên.
Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida thông báo rằng năm 2010, có 79 vụ cá mập tấn công người – cao nhất kể từ năm 2000. Đến 2017, con số này nhảy lên tới 88 vụ.
Theo tạp chí Time, số vụ tai nạn liên quan đến cá mập tăng cao là do biến đổi khí hậu. Khi đại dương nóng lên, cá mập di chuyển đến những vùng nước mà chúng chưa từng đến.
Ngoài ra, dân số con người cũng không ngừng gia tăng. Và khi thời tiết nóng, mọi người lại ào ạt kéo nhau đi biển. Kết quả, khả năng chạm trán giữa người và cá mập đã tăng lên - theo cách mà bạn không thể ngờ đến!
Biến đổi khí hậu không chỉ gây nên thiên tai ảnh hưởng rộng lớn, mà nó còn âm thầm tác động vào cuộc sống xung quanh chúng ta.
Hãy cùng có ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên hơn, với hy vọng giảm đi những hậu quả vô cùng nghiệt ngã mà Trái đất đang gánh chịu!
End of content
Không có tin nào tiếp theo