Với chiều dài 2,55 m, cán bằng sắt rỗng dài 1,6 m, lưỡi 0,95 m, Định Nam đao nặng khoảng 30 kg. Đây được cho là binh khí nặng nhất từng được người Việt sử dụng.
Mạc Đăng Dung (1498-1541) là vua Thái tổ lập ra triều Mạc, tồn tại từ năm 1527 đến năm 1677.
Theo nhiều tài liệu lịch sử, ông từng sử dụng cây Định Nam đao dài 2,55 m, nặng 25,6 kg, sau khi đã gõ hết han gỉ. Theo phán đoán của các nhà nghiên cứu, nếu chưa han gỉ, nó có thể nặng đến 30 kg.
Cây đao của Mạc Đăng Dung hiện được cất ở đâu?
Khi Mạc Thái tổ băng hà, cây đao được đem về thờ tại quê hương ông ở lăng miếu làng Cổ Trai, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng ngày nay.
Sau đó, nó được đưa về vùng Ngọc Tỉnh (Xuân Trường, Nam Định) và thờ ở từ đường chi họ Phạm gốc Mạc. Năm 1938, họ Phạm làng Ngọc Tỉnh trùng tu từ đường, đào hồ bán nguyệt, đã tìm thấy đao quý dưới lòng đất.
Cuối năm 2010, chi họ Phạm gốc Mạc ở làng Ngọc Tỉnh cùng con cháu dòng tộc rước thanh đao về thờ tại thái miếu, khu di tích tưởng niệm Vương triều Mạc tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.
Mạc Đăng Dung từng thi đỗ danh hiệu gì?
Mạc Đăng Dung bước vào đường quan lộ sau khi thi đậu Võ trạng nguyên trong cuộc thi tuyển võ sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long dưới triều vua Lê Uy Mục.
Từ võ quan cấp thấp, nhờ tài thao lược và mưu trí, Mạc Đăng Dung đã vươn tới tột bậc quyền lực vào năm 1527, khi được thăng tới chức Thái sư, tước An Hưng vương thời Lê Cung Hoành.
Sau khi dẹp bỏ hết các thế lực phản đối, Mạc Đăng Dung ép vua Lê nhường ngôi cho mình, lập nên nhà Mạc năm 1527.
Mạc Đăng Dung là hậu duệ của trạng nguyên nào?
Theo Viện sử học Việt Nam, qua "Công Dư tiệp ký", cuốn sách mang tính truyền kỳ, không phải chính sử, các nhà nghiên cứu cho rằng Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của trạng nguyên triều Trần Mạc Đĩnh Chi (1272-1346), cháu 11 đời của nhà khoa bảng thời Lý là Mạc Hiển Tích.
Sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung phong trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi làm viễn tổ dòng họ mình.
Nhà Mạc nắm quyền hành trị nước trong bao nhiêu năm?
Về lý thuyết, nhà Mạc tồn tại năm 1527-1677, tuy nhiên, tổng cộng thời gian tồn tại chính thức của triều đại là gần 66 năm. Trong đó, 6 năm nhà Mạc nắm trọn quyền hành Đại Việt từ 1527-1533.
Thời kỳ 1533-1592 được gọi là Nam - Bắc triều, do chính quyền nhà Mạc chỉ thực sự có quyền lực từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra. Từ Thanh Hóa trở vào, nhà Lê đã khôi phục quyền lực và chiếm lại được từ năm 1533.
Cây đao của vua Mạc Đăng Dung được rèn thế nào?
Tương truyền, trước khi làm quan, Mạc Đăng Dung đi qua một lò rèn. Người thợ chính thấy tướng mạo ông đặc biệt, đoán rằng sau này sẽ làm nên nghiệp lớn.
Chính vì vậy, ông bèn đúc thanh đao tặng Đăng Dung và nói: "Cơ nghiệp sẽ dựng từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm được sự lớn".
Điều này về sau đã trở thành hiện thực, Mạc Đăng Dung thi đỗ võ trạng nguyên, lập nhiều chiến công trên chiến trường, khai lập ra triều Mạc.
Mạc Đăng Dung có dùng Định Nam đao trên chiến trường?
Nhiều tư liệu lịch sử khẳng định Mạc Đăng Dung có cây đao này. Tuy nhiên, nó được ông dùng khi đánh trận hay chỉ rèn làm biểu tượng cho sức mạnh thì đến nay vẫn là điều bí ẩn.
Có ý kiến cho rằng cây đao chỉ mang tính tượng trưng cho quyền lực vì với sức vóc của người Việt rất khó sử dụng vũ khí này trên chiến trường.
Thành phố nào hiện có tên đường Mạc Đăng Dung?
Mạc Đăng Dung là một trong những vị vua gây tranh cãi trong lịch sử. Suốt thời gian dài dưới thời phong kiến, ông luôn bị xem là kẻ phản bội (ngụy triều).
Tuy nhiên, hiện nay, các nhà khoa học đã thống nhất ghi nhận những công lao đóng góp của Mạc Đăng Dung với lịch sử. Tên ông được đặt cho đường tại Hà Nội. Thời gian tới, TP. Hải Phòng cũng đặt tên đường Mạc Thái Tổ.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing